(CMO) Tại Cà Mau, với tổng số vốn là hơn 18,3 tỷ đồng, do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế tại Việt Nam tài trợ, Dự án “Tăng cường năng lực ứng phó với thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu cho cộng đồng ven biển ĐBSCL” được triển khai thực hiện trong 2 năm (10/2020-9/2022). Theo đó, hơn 11.300 người, trong đó có hơn 3.100 trẻ em của 4 xã: Khánh Hải và Khánh Hưng (huyện Trần Văn Thời), Biển Bạch và Thới Bình (huyện Thới Bình) được hưởng lợi.
Riêng về lĩnh vực chăn nuôi, kỳ 1 dự án đã triển khai cho 7 hộ nuôi dê và 51 hộ nuôi gà; ở kỳ 2, có 69 hộ nuôi gà và 71 hộ nuôi vịt, tổng số 140 hộ thụ hưởng. Theo kế hoạch 3 tháng sẽ cho thu hoạch, đến nay qua 2,5 tháng các đối tượng nuôi đã đạt yêu cầu nhưng giá bán chưa cao nên nhiều hộ nuôi chưa muốn bán.
Tại Hội thảo kết nối thị trường cho mô hình chăn nuôi trực thuộc dự án, do LHPN tỉnh Cà Mau phối hợp với tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế tại Việt Nam tổ chức vào ngày 19/8, ban tổ chức đã giới thiệu vài chủ cơ sở thu mua gia cầm để các hộ chăn nuôi có cơ hội tìm kiếm đối tác, giải quyết đầu ra sản phẩm.
Hội thảo cung cấp thêm nhiều thông tin bổ ích, liên kết yếu tố đầu vào, đầu ra giúp người chăn nuôi phát huy tốt hiệu quả mô hình trong thời gian tới. |
Chị Bùi Kiều Trang, Ấp 11, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, cho biết, xã Biển Bạch có 35 hộ được thụ hưởng từ dự án, mỗi hộ được hỗ trợ 13 triệu, sau 3 tháng chăn nuôi hầu như hiệu quả mô hình rất khả quan. Hiện, đầu ra đang vướng, vì giá thấp. Không thể bán đồng loạt, nhiều hộ chọn giải pháp bán lẻ, lấy lời để mua thức ăn nuôi số gà, vịt còn lại nên không lời nhiều.
Việc kết nối thị trường sẽ góp phần giải quyết đầu ra sản phẩm, giúp người chăn nuôi tăng thu nhập. |
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, khẳng định, gà, vịt là sảm phẩm từ dự án không thiếu để các cơ sở thu mua. Sau hội thảo này, thời gian tới, các cơ sở thu mua và địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ hơn để đảm bảo thu nhập cho người nuôi, phát huy hiệu quả của dự án.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thuý, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà Mau, cho biết thêm, từ nhu cầu thực tế của người nuôi, tới đây, Ban tổ chức dự án sẽ liên hệ chặt chẽ với UBND các xã trong việc giải quyết đầu đầu ra sản phẩm. Hộ chăn nuôi thuộc dự án phải tuân thủ nghiêm chế độ thông tin, báo cáo; không làm một mình. Bởi, dù là thụ hưởng mô hình là cá nhân nhưng nó quyết định hiệu quả của cả một dự án./.
Phú Hữu