(CMO) Người trồng lúa ở Cà Mau hiện nay đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt là vấn đề giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, người trồng lúa phải gồng mình để duy trì sản xuất, dù biết chắc là không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Nếu không có những giải pháp căn cơ, hướng đi hiệu quả, bền vững thì bà con chưa thể yên tâm gắn bó, vươn lên làm giàu cùng với lúa gạo.
Trồng lúa thời “bão giá”
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, giá cả vật tư nông nghiệp, xăng dầu, nhân công tăng cao khiến chi phí sản xuất đội lên từ 30-40%, làm giảm sâu lợi nhuận của người nông dân trồng lúa, khả năng cao là không có lãi. Một bộ phận người trồng lúa không còn mặn mà chuyện chăm sóc mùa vụ.
Ông Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết: “Giá cả vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón hoá học, đang là gánh nặng lớn cho bà con nông dân. Nếu tính theo thời giá vụ hè thu năm nay, phân bón các loại đã tăng gấp đôi so với năm trước, gấp 3 lần so với năm 2020. Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con sử dụng phân bón tiết kiệm, đúng lịch thời vụ, gia tăng hiệu quả, tuy nhiên, khả năng có lợi nhuận của người trồng lúa năm nay là rất thấp, thậm chí có nguy cơ thua lỗ”.
Lão nông Hồ Văn Dũng, ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, tính toán, trước đây trồng lúa lãi cao nhất mỗi vụ cũng chỉ từ 1-1,5 triệu đồng/công đất. Còn với thời giá phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật như vụ sản xuất hè thu năm nay, người trồng lúa cầm chắc lỗ vốn, khá lắm cũng chỉ phá huề. Đó là chưa kể, khi giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, tình trạng phân bón, thuốc trừ sâu kém chất lượng càng trở nên phức tạp, khiến nông dân dễ rơi vào ma trận “tiền mất, tật mang”.
Giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, nhiều nông dân ở ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, cắt phân bón, không mặn mà chăm sóc trà lúa, có nguy cơ làm giảm sản lượng.
Tìm hướng đi mới
Với cách sản xuất truyền thống, chi phí sản xuất chịu tác động lớn bởi giá cả vật tư nông nghiệp, trong khi đó giá trị nông sản chưa tương xứng với công sức nông dân bỏ ra, thị trường bấp bênh. Người trồng lúa thì hoang mang, chưa biết xoay xở thế nào. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, quy trình sản xuất mới, tạo chuỗi liên kết gia tăng giá trị, xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Cà Mau đã thật sự mở ra lựa chọn mới cho người trồng lúa.
Theo ông Nguyễn Trần Thức: “Không cách nào khác, bà con nông dân phải thay đổi tư duy, mô hình sản xuất, đặc biệt là hướng sản xuất hữu cơ, làm ra sản phẩm lúa gạo sạch, có thương hiệu, tham gia vào các hợp tác xã có liên kết chuỗi giá trị để vừa thu về lợi nhuận, vừa bảo đảm được sự phát triển bền vững cho ngành lúa gạo”.
Vài năm trở lại đây, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng là nơi hỗ trợ một số địa phương xây dựng các hợp tác xã lúa gạo sạch thông qua việc cho bà con tham quan, học hỏi mô hình sản xuất của các hợp tác xã lúa gạo kiểu mới trong khu vực ĐBSCL.
HTX Nông nghiệp - Hữu cơ - Sinh học Phương Quang được thành lập năm 2019, với kỳ vọng nâng cao giá trị lúa gạo của vùng ngọt hoá Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời. HTX hiện có 50 thành viên, với vùng nguyên liệu 100 ha được công nhận vùng sản xuất lúa an toàn, chuyên canh giống lúa ST24.
Ngay từ đầu vụ, HTX Phương Quang nhận đơn đặt hàng của các đối tác lớn như Lộc Trời, Gạo Ông Thọ và ký kết hợp đồng. Theo đó, các yêu cầu về quy trình sản xuất, sản lượng, chất lượng lúa được hợp tác xã ký kết bao tiêu với nông dân thành viên. Đảm bảo giá cả thu mua lúa của nông dân luôn cao hơn giá cả thị trường ở mức 100 đồng/kg. HTX cũng là nơi đứng ra đầu tư toàn bộ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông hộ.
Phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học, vi sinh thân thiện môi trường, giá cả vừa túi tiền với bà con nông dân đang là lựa chọn tối ưu trong thời “bão giá” của vật tư nông nghiệp. (Ảnh: Nông dân Nguyễn Bá, ấp Mũi Tràm B, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, nhận phân bón hữu cơ từ HTX Phương Quang).
Ông Nguyễn Minh Phụng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Phương Quang, cho biết: “Bản thân tôi từng là đại lý cung cấp vật tư nông nghiệp, nhưng cứ trăn trở mãi về giá trị lúa gạo của nông dân mình làm ra. Rồi được tham quan một số mô hình hợp tác xã lúa gạo các tỉnh bạn, tôi đứng ra thành lập HTX, cùng với bà con chuyển dần sang hình thức sản xuất sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học. Vụ lúa hè thu năm nay hợp tác xã đang áp dụng 50% phân bón hữu cơ cho đồng lúa, tín hiệu phát triển trà lúa rất khá”.
HTX Phương Quang đang hướng đến mục tiêu sản xuất lúa theo chuẩn VietGAP, hữu cơ, tiến tới xây dựng thương hiệu, tạo sức cạnh tranh sòng phẳng của lúa gạo vùng Khánh Bình Tây Bắc trên thị trường.
Lão nông Nguyễn Bá, ấp Mũi Tràm B, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, phấn khởi: “Xài phân hữu cơ giảm 50% chi phí, giảm được công lao động, năng suất cũng rất ổn. Yên tâm nhất là lúa mình làm ra bán có giá, được bao tiêu hết”.
Cũng là thành viên của HTX Phương Quang từ khi được thành lập, nông dân Mai Thanh Châu, ấp Mũi Tràm B, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, khẳng định: “Nếu làm lúa theo cách cũ thì với giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao như năm nay, giá lúa bán cho thương lái bấp bênh, rồi “cò lúa” trung gian nữa, bà con lỗ chắc. Có hợp tác xã bao tiêu thì còn gì bằng nữa”.
Thành công của HTX Phương Quang không là hiện tượng riêng lẻ ở Cà Mau. HTX Dịch vụ - Nông nghiệp - Thuỷ sản Ông Muộn, ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, đã trở thành điểm sáng, niềm hy vọng cho người trồng lúa Cà Mau. Lợi thế của HTX Ông Muộn là vùng nguyên liệu theo mô hình lúa - tôm kết hợp. Nông dân được lợi nhuận kép từ lúa sạch có thương hiệu, được bao tiêu, giá cả ổn định, bên cạnh đó là nguồn thu đáng kể từ con tôm.
Nông dân Nguyễn Bá (ấp Mũi Tràm B, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) áp dụng quy trình sản xuất 50% phân bón hữu cơ, cắt giảm chi phí, tuân thủ quy trình sản xuất lúa sạch cho mùa vụ hè thu.
Thành lập năm 2018, HTX Ông Muộn hiện có quy mô 95 thành viên. Sản phẩm gạo sạch 3 sao OCOP Ông Muộn với các giống lúa chủ lực là ST24, ST25 đã khẳng định được thương hiệu, uy tín trên thị trường cả nước. HTX sản xuất theo đơn đặt hàng của đối tác, hợp đồng bao tiêu bình quân 5,5 tấn/vụ. Hướng phát triển của HTX không dừng lại ở thị trường trong nước, mà mục tiêu lớn lao hơn là vươn ra thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Ông Muộn, thông tin: “Vùng nguyên liệu 182 ha của HTX sản xuất sạch hoàn toàn, thương hiệu, giá cả bao tiêu ổn định theo hợp đồng ký kết từ đầu vụ. Bà con nông dân được lợi ích nhiều bề nên tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất lúa gạo, chất lượng sản phẩm ngày càng được đối tác ưa chuộng. Với quy trình sản xuất lúa sạch, bà con tối ưu hoá việc cắt giảm chi phí sản xuất, gia tăng tối đa lợi nhuận”.
Thực tế đã qua cho thấy, nếu không đổi mới về tư duy, cung cách làm ăn, xây dựng thương hiệu, liên kết theo chuỗi giá trị thì phận người nông dân sẽ mãi truân chuyên, chịu thiệt thòi, rủi ro đủ đường. “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”, đó là thông điệp phát triển mà ngành nông nghiệp Việt Nam gởi gắm. Từ những mô hình HTX lúa gạo kiểu mới tại tỉnh nhà, với những kết quả ấn tượng, nông dân trồng lúa Cà Mau giờ đã có những gợi ý quý giá để có thể thay đổi vận mệnh của mình, để có thể làm giàu từ lúa gạo./.
Quốc Rin - Nhật Minh