Sau những “sóng gió” trong nuôi tôm công nghiệp do ồ ạt mong muốn làm giàu nhanh, năm 2016, người nuôi tôm ở huyện Phú Tân trở nên thận trọng hơn. Ai cũng hiểu rằng, để thành công trong nuôi tôm công nghiệp thì phải hội tụ đầy đủ các điều kiện về vốn liếng, kỹ thuật, kinh nghiệm chứ không phải do may rủi.
Chính vì vậy, hộ có điều kiện thì chọn cách đầu tư nhiều hơn để thực hiện quy trình khép kín sẽ cho hiệu quả cao. Song, với điều kiện của phần lớn nông dân Phú Tân thiếu vốn, nên bà con chọn cách nuôi thưa, nuôi giãn vụ và nuôi theo hướng an toàn sinh học. Dù lời ít nhưng đảm bảo hiệu quả và bền vững. Ðây là tín hiệu nổi bật trong sản xuất ở Phú Tân năm 2016.
Hướng đến lâu dài
Vừa trải qua mấy vụ nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học đạt kết quả tốt, anh Nguyễn Ngọc Ðen, ấp Vàm Xáng, xã Phú Mỹ, rút ra được nhiều kinh nghiệm. Nuôi theo hình thức này có lợi cả đôi đường. Trước hết là tôm nuôi thật sự an toàn, rất ít xảy ra hiện tượng “gãy” giữa chừng; sử dụng vi sinh trong sản xuất sẽ giảm khoảng 30% chi phí so với sử dụng hoá chất. Năng suất tôm nuôi cũng khá cao.
Sản phẩm từ đa canh, giúp người dân Phú Tân từng bước có tích luỹ. |
Ðiều quan trọng là không ảnh hưởng xấu đến môi trường, đảm bảo chất lượng tôm sạch. Với 3.000 m2, thả hơn 200.000 con thẻ giống, sau hơn 3 tháng thả nuôi, tôm đạt trọng lượng 57 con/kg, cho thu hoạch gần 4 tấn, trừ chi phí còn lợi nhuận hơn 250 triệu đồng.
Chẳng những nuôi tôm thẻ, không ít người nuôi tôm sú công nghiệp theo hướng an toàn sinh học cũng thành công. Sau thời gian nuôi sử dụng hoá chất, ông Nguyễn Hùng Em, ấp Hưng Hiệp, xã Tân Hưng Tây, chuyển sang nuôi tôm sú công nghiệp sử dụng chế phẩm sinh học. Hiệu quả thấy rõ sau vụ nuôi đầu tiên, với đầm nuôi 2.300 m2, ông Hùng Em có lời hơn 150 triệu đồng.
Theo Kỹ sư Trần Thanh Ðông, Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân, hiện nay người nuôi tôm đều chọn sử dụng chế phẩm sinh học và rất hạn chế sử dụng hoá chất. Chỉ khi tôm nuôi có sự cố mà chưa thể bán được thì một số ít bà con mới sử dụng hoá chất với mong muốn kéo dài thời vụ để thu hồi vốn.
Người nuôi tôm ở huyện Phú Tân nay cũng thận trọng hơn trong xác định được năng lực tài chính của mình để có sự đầu tư phù hợp, không còn “làm liều” như trước đây. Với điều kiện của mình, anh Nguyễn Hoàng Du, ấp Xẻo Ðước, xã Phú Mỹ, chỉ nuôi duy nhất đầm tôm 2.500 m2 để dễ chăm sóc, đủ vốn đầu tư. Diện tích còn lại anh nuôi tôm quảng canh kết hợp cua, cá.
Anh Du cho rằng, chỉ 1 đầm là vừa đủ để quản lý, chăm sóc. Khi có rủi ro, lượng vốn mất đi cũng không nhiều. Qua 3 năm nuôi 6 vụ tôm công nghiệp, anh thất 2 vụ, trúng 4 vụ, mỗi vụ lời hơn 100 triệu đồng. Trong đó, năm 2016, anh nuôi 2 vụ sử dụng chế phẩm sinh học, không thất vụ nào.
Lấy lại “phong độ”
Nhiều người ví von rằng, năm 2016 người nuôi tôm công nghiệp đã thật sự lấy lại được “phong độ” sau 2 năm đương đầu “sóng gió”. Ðiều này đã được chứng minh trên thực tế. Song hành với phát triển nuôi mới, diện tích treo đầm trong mấy năm trước đây cũng đã từng bước được cải tạo lại và đưa vào sản xuất.
Hiện Phú Tân có gần 2.400 ha ao đầm nuôi tôm công nghiệp. Diện tích nuôi mới tăng 120 ha. Tỷ lệ đang nuôi đạt hơn 80% diện tích. Năm 2015, đỉnh điểm của thất tôm, thất giá, có khi chỉ còn 30% diện tích thả nuôi.
Không chỉ vậy, “phong độ” ở đây là thể hiện sự trải nghiệm, không còn ồ ạt hay nóng vội mà người nuôi đã thật sự thận trọng, trầm tĩnh và có những bước đi phù hợp hơn./.
Ước tính năng suất tôm nuôi công nghiệp huyện Phú Tân năm 2016 giữ vững ở mức khoảng 6 tấn/ha. Giá cả không ổn định, lời ít, nhưng khẳng định 1 năm được mùa. Ðây cũng là hiệu quả từ chủ trương đúng đắn mà Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Võ Trường Giang từng nêu quan điểm từ những ngày đầu chỉ đạo nuôi tôm công nghiệp, đó là “chậm và chắc”. |
Bài và ảnh: Quốc Hiệp