(CMO) Nhằm giúp chị em phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, nhiều năm qua, Hội LHPN thị trấn Thới Bình đã triển khai nhiều hoạt động mang tính thiết thực, trong đó mô hình tổ hợp tác đan vỉ cua đã góp phần quan trọng tạo việc làm và tăng thu nhập cho chị em phụ nữ nông thôn.
Nghề đan vỉ cua đã có từ lâu, nhưng chị em phụ nữ ở Khóm 3, thị trấn Thới Bình mới được tiếp cận với nghề này vào năm 2012. Trước đây chỉ được bà con và chị em phụ nữ làm nhỏ lẻ theo từng hộ gia đình, sản phẩm làm ra chỉ tiêu thụ ở địa bàn thị trấn nên thu nhập không cao. Đầu năm 2017, được sự quan tâm hỗ trợ của Hội LHPN huyện Thới Bình, Tổ hợp tác đan vỉ cua (THT) Khóm 3 được thành lập.
Sau 2 năm hoạt động, nay THT đã đem lại hiệu quả thiết thực, theo tính toán của chị em, trung bình mỗi ngày một tổ viên có thể đan trên 200 vỉ, với giá bán 1.000 đồng/vỉ, sau khi trừ chi phí, mỗi tổ viên có thu nhập trên 150 ngàn đồng/ngày, mỗi tháng khoảng hơn 4 triệu đồng/người.
Đan vỉ cua là công việc nhẹ nhàng, các thành viên trong gia đình đều làm được. |
Hiện tại THT có 13 thành viên do chị Vương Mỹ Nữ làm tổ trưởng, thương lái bao tiêu sản phẩm nên không lo lắng đầu ra. Chị Vương Mỹ Nữ chia sẻ. “Mình thấy được nên rủ thêm chị em ở xóm cùng nhau làm. Thu nhập ổn định, đủ tiền điện, nước và con cái học hành".
Một vỉ đan trải qua nhiều công đoạn, như cưa trúc ra theo chuẩn với chiều dài 50 cm, chiều rộng 30 cm, sau đó chẻ ra thành các nan dày, mỏng, công đoạn cuối là đan thành vỉ. Các công đoạn đều nhẹ nhàng, có thể tận dụng các khoảng trống trong nhà hay sân vườn, tất cả thành viên trong gia đình có thể tham gia. Chính vì mỗi người đều có thu nhập nên cộng lại tổng thu nhập cho một hộ gia đình khá cao, kinh tế các hộ gia đình tham gia vào tổ hợp tác đã khá lên trông thấy.
Gia đình chị Quách Kim Thuỷ có 3 đứa con đều trong độ tuổi ăn học, chi phí rất lớn. Từ khi tham gia vào THT, nhờ các con tranh thủ thời gian sau giờ đi học phụ mẹ đan nên các khoản đóng tiền học của các con trở nên nhẹ nhàng hơn. Chị nói: “Trước đây nhà trồng rau, nuôi gà vịt lặt vặt bán vậy thôi, giờ đan được thấy cũng đỡ, con cái đi học ổn định”.
THT không chỉ giúp chị em phụ nữ nông thôn có việc làm, có thu nhập mà còn giúp các thành viên trong gia đình biết giúp đỡ nhau trong công việc, khi quây quần bên nhau mỗi lúc ngồi đan, các câu chuyện khó nói đều được dễ dàng chia sẻ, vì vậy, tình cảm của các thành viên trong gia đình ngày càng khắn khít. Sau khi thành lập THT sản phẩm ngày càng tăng lên cả về số lượng lẫn chất lượng, chị em có điều kiện trao đổi kinh nghiệm làm nghề và sản xuất chăn nuôi, trồng trọt. Nhiều chị em từ khó khăn đã vươn lên thoát nghèo bền vững, cuộc sống ngày càng ổn định hơn.
Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Thới Bình Nguyễn Việt Thuỳ nhận xét: “Mấy chị tận dụng thời gian nhàn rỗi, sáng lo cơm nước xong là bắt tay vào làm. Thu nhập không lớn nhưng đều đặn, giúp giải quyết rất nhiều vấn đề trong cuộc sống. Cái hay của mô hình này là tất cả thành viên trong gia đình ai cũng có thể tham gia được. Hội LHPN thị trấn sẽ tranh thủ các nguồn vốn để tiếp sức chị em nhân rộng các mô hình mang tính tập thể như thế này".
Mô hình THT của phụ nữ thị trấn Thới Bình là hướng đi có hiệu quả trong mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương. Ngoài việc tăng thu nhập và tạo việc làm mới cho chị em phụ nữ ở nông thôn, các mô hình tập thể này ngày càng thắt chặt tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống, qua đó cùng nhau chung tay xây dựng quê hương ngày một phát triển toàn diện./.
Phan Trang