ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 14:08:09
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Toả sáng tài năng trẻ

Báo Cà Mau (CMO) Đêm bế mạc cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên cải lương toàn quốc năm 2020 có một thí sinh nhận được nhiều sự chú ý lẫn trầm trồ từ phía khán giả cũng như các thí sinh khác khi một lúc đoạt 3 giải: Huy chương Bạc cá nhân, giải thí sinh nhỏ tuổi nhất và giải cá nhân về đóng góp trong công tác đào tạo của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Đó là diễn viên Hồng Giang, 1 trong 3 học viên được tuyển sinh đào tạo năng khiếu của Đoàn Cải lương Hương Tràm.

Nhìn cô đào tuổi 14 với gương mặt vui sướng bước lên sân khấu nhận giải, sự lúng túng một cách hồn nhiên cố giấu sau nụ cười gượng gạo khi được xướng tên lặp đi lặp lại 3 lần khiến hết thảy những ánh mắt dưới khán phòng như càng thương hơn một mầm non tài năng hứa hẹn sẽ trổ những mùa hoa đẹp vườn nghề trong tương lai.

Diễn viên nhí Lê Hồng Giang thể hiện ấn tượng vai bé Hiếu trong vở “Tình phụ tử”.

Nghệ sĩ Quốc Tín, Trưởng đoàn Cải lương Hương Tràm, nhớ lại, đêm giỗ Tổ cách nay 3 năm, khi trời đã trở khuya, khách quan không còn nhiều, có bé gái theo ông ngoại đến giỗ Tổ bước lên hát một câu vọng cổ hồn nhiên. Giọng hát trong veo đến tai đồng chí Nguyễn Tiến Hải, thời điểm đó là Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, anh liền tặng nhánh bông rồi bỏ ngỏ: “Con bé này có giọng được quá, tìm xem gia đình ở đâu, mình tuyển sinh đào tạo năng khiếu...”.

Lần theo lời chỉ dẫn tìm về một xã xa của huyện U Minh, mới biết hoàn cảnh gia đình bé Giang rất khó khăn. Cha mẹ chia tay khi em còn nhỏ, nhà nghèo nên em nghỉ học khi vừa hết lớp 4, sống với người mẹ bị câm điếc và ông bà ngoại lớn tuổi. Nhận thấy năng khiếu này sẽ phát triển khi được chăm chút, ban lãnh đạo đoàn làm tờ trình xin phép được tuyển sinh đào tạo theo kiểu truyền nghề, song song đó tạo điều kiện để em học tiếp văn hoá, chờ sau khi hết lớp 12 sẽ đưa vô trường sân khấu để học hành ca diễn bài bản hơn.

“Cuộc thi tài năng trẻ toàn quốc là sân chơi lớn, cho Hồng Giang tham gia dự thi mục đích chính là để em cọ xát học hỏi, xem các anh chị đi trước ca diễn và lấy đó làm tấm gương học hỏi, phấn đấu cho nghề. Nhưng qua phần thi diễn của mình, em đã mang lại bất ngờ lớn về sự dạn dĩ sân khấu và khẳng định một tài năng”, Nghệ sĩ Quốc Tín bày tỏ.

Thật vậy, có trực tiếp xem những ngày Hồng Giang tập luyện đến ngày thi diễn mới thấy hết sự cố gắng của cô đào nhí này. Thời gian về đoàn chưa lâu, đa phần em tập trung học văn hoá và chỉ tham gia vai đào con trong các trích đoạn cải lương hay chương trình an toàn giao thông nên kinh nghiệm sân khấu còn nhiều hạn chế. Hiểu rõ bản thân, sau mỗi buổi tập, em chăm chú lắng nghe phân tích tâm lý cùng thị phạm của người đi trước để rút kinh nghiệm cho bản thân. Tiết mục dự thi vai bé Hiếu trong trích đoạn cải lương "Tình phụ tử" đã chinh phục và lấy nước mắt khán giả bởi nét diễn quá thật. Trên sân khấu, hình ảnh cô bé nhà nghèo lén nhà đi bán vé số để phụ cha mẹ nhưng luôn gương mẫu trong học tập, từ những dè bỉu của bạn bè rồi đến khoảnh khắc bị cha phát hiện..., mạch kịch cứ diễn tiến trong sự tự nhiên, khóc đó lại cười đó như diễn với chính mình, chạm đến trái tim rồi cuốn luôn tiếng sụt sùi dưới khán phòng, mà trong số đó ít ai hiểu rằng, em diễn một phần cho chính hoàn cảnh của em.

Có một sự cố hết sức thú vị như thử thách đối với em, bình thường khi tập luyện ban nhạc cổ cứ đờn “tầm bo” (đờn theo) để Hồng Giang ca diễn, vậy mà đôi lúc còn mẻ nhịp khiến những nghệ sĩ theo sát trau chuốt phần dự thi có phần hồi hộp. Trong tiết mục dự thi, ban nhạc cổ lại đờn vấp cái láy trong bài bản Phụng hoàng, vậy mà “bé Hiếu” vẫn thản nhiên ca đúng ngay nhịp khiến người theo dõi thót tim, bởi sự cố này, với nghệ sĩ lâu năm nhiều kinh nghiệm đôi khi còn khó có thể vô đúng. Từ chi tiết này đã trở thành chủ đề trong câu chuyện ngay sau đó của những người trong nghề, người ta nói vui, sự cố này cũng giống như cơ may, Tổ nghiệp đãi, nhờ vậy mới tỏ rõ bản lĩnh, tài năng của em không khác một diễn viên chuyên nghiệp.

“Cô đào nhỏ, đêm nay là một dấu son, là bước khởi đầu rất đẹp để con làm nghề và tiếp tục cố gắng. Nếu như có tư tưởng kiểu “ngôi sao” là bị đòn nghen!”, tôi chợt nhắc nhỏ khi thấy nụ cười sáng bừng của cô bé tuổi 14 cứ lọt thỏm xung quanh các thí sinh đoạt huy chương, ai cũng có gia đình, bạn bè cổ vũ chúc mừng ấm áp.

“Dạ không có đâu. Được một lúc 3 giải thưởng lớn, con mừng lắm, con sẽ cố gắng nhiều hơn nữa”, giọng trong veo, hồn nhiên của em đáp lại thật dễ thương, có lẽ em chưa hình dung hết chữ “nổi tiếng”, chưa hình dung hết con đường nghệ thuật đầy vinh quang mà cũng lắm gian nan đang chờ em phía trước. Trời về khuya, ai cũng nhìn nhau với ánh mắt tự hào về Hồng Giang. Chất giọng hay, gương mặt sáng cùng lối diễn mộc mạc, hứa hẹn em sẽ là một cô đào mùi cải lương triển vọng trong tương lai không xa./.

Minh Hoàng Phúc

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.