(CMO) Gần 20 năm với không ít thăng trầm, chặng đường không quá dài nhưng đã đưa nghề nuôi tôm trở thành ngành kinh tế chủ lực của Cà Mau và vươn lên tốp đầu cả nước.
Ngồi xem bản chiết tính chi phí cho 2 ao nuôi tôm siêu thâm canh mà gia đình dự kiến đầu tư trong thời gian tới, anh Nguyễn Quốc Phong, ấp Cái Sắn Vàm, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình chợt ngỡ ngàng. Thấm thoát đã 10 năm con tôm trở thành thu nhập chính của gia đình thay cho cây lúa.
Vươn lên từ con số 0
Những năm đầu, khi phong trào nuôi tôm phát triển mạnh trên đồng đất Cà Mau, đó là những năm 2000-2001, cũng như nhiều hộ dân khác trong tỉnh, gia đình anh Phong lên bờ bao khuôn hộ để tiến hành nuôi tôm quảng canh. Khi ấy, toàn bộ bờ bao đều được đào thủ công, chưa có cơ giới như bây giờ nhưng mọi người ai cũng háo hức làm, vì lúc ấy con tôm là hy vọng lớn nhất để đổi đời.
“Đất Biển Bạch Đông đa phần là vùng trũng, toàn cỏ và năn, nhiễm phèn nặng nên mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa. Năm nào trúng cũng chỉ được khoảng 10 giạ/công là cùng”, anh Phong nhớ lại.
“Ở đâu không biết, còn ở đây con tôm chính là cứu tinh, giúp người dân xây nhà tường, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn, mua xe máy, sắm tủ lạnh, tivi…”, anh Phong khẳng định.
Anh Phong trần tình, trải qua thời gian dài nuôi rồi mới được tập huấn kỹ thuật, làm nhiều đợt trúng mới dám khẳng định như vậy. Còn những năm đầu, khi mới tiếp xúc với con tôm cũng gặp không ít nỗi lo. “Lúc ấy nuôi tôm khác gì đánh số đề, bởi kỹ thuật không biết, con giống chỉ bằng tăm nhang, thả xuống miếng vuông hơn chục công mênh mông nước, không biết kết quả ra sao, chỉ mong ông bà, tổ tiên phù hộ”, anh Phong nói tiếp.
Những năm đầu tuy khó khăn nhưng con tôm luôn đem đến cho người dân Cà Mau nhiều vụ mùa bội thu. Từ đó, diện tích nuôi tôm không ngừng được mở rộng, đến nay đã trên 278.000 ha. Nhiều mô hình nuôi tôm mới liên tục ra đời, từ con tôm quảng canh đến nay đã có hơn 10 loại hình nuôi khác nhau, góp phần đưa sản lượng tôm nuôi nâng lên qua từng năm.
Đến năm 2017, chỉ riêng con tôm đã đạt sản lượng trên 173.000 tấn. Tiêu biểu nhất trong số các loại hình nuôi hiện nay của tỉnh là tôm quảng canh cải tiến 100.000 ha, tôm công nghiệp 9.653 ha, tôm - lúa 52.000 ha, tôm - rừng 35.000 ha, tôm quảng canh kết hợp khoảng 80.000 ha.
![]() |
Nông dân ấp Hoà Trung, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước thu hoạch tôm nuôi trong ao lót bạt. Ảnh: HOÀNG DIỆU |
Từ diện tích tăng dần với nhiều loại hình nuôi phong phú, nghề nuôi tôm của tỉnh góp phần to lớn đưa kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt mốc 1,1 tỷ USD. Không chỉ vậy, theo ông Nguyên Văn Đô, Giám đốc Sở Công thương, hiện con tôm của tỉnh Cà Mau đã có mặt trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, thị trường xuất khẩu tôm đang tiếp tục mở rộng.
Tạo đột phá gắn liền phát triển bền vững
Những con số trên khẳng định nghề nuôi tôm có bước tiến dài. Song, trong hành trình chinh phục vị trí dẫn đầu, con tôm Cà Mau cũng không ít lần “vấp ngã”. Lần “vấp ngã” đau nhất chính là sự phát triển ồ ạt của loại hình nuôi tôm công nghiệp. Xuất hiện vào khoảng thời gian 2008-2009, với ưu điểm vượt trội là mang lại năng suất rất cao (từ 5-7 tấn/ha), diện tích loại hình nuôi này đã tăng nhanh ngoài tầm kiểm soát của tỉnh. Trong khi đó, người dân thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, hạ tầng phục vụ nghề nuôi (thuỷ lợi, điện, giao thông...) chưa đáp ứng, không ít hộ phải nếm trái đắng với dịch bệnh tràn lan, giá cả lao dốc, phải treo ao gần như toàn bộ.
![]() |
Sơ chế tôm sinh thái tại Công ty Chế biến kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Tân Thành, TP Cà Mau. Ảnh: THANH QUANG |
Thế nhưng, không thể phủ nhận sự đóng góp to lớn của hơn 9.653 ha tôm công nghiệp đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng đều qua từng năm. Song, sự vấp ngã đó là lời cảnh báo và bài học cho loại hình nuôi mới - nuôi tôm siêu thâm canh. Hiện loại hình nuôi này đang là "hiện tượng mới nổi" của tỉnh và được đánh giá là bước đột phá cho nghề nuôi tôm trong tương lai. Với sản lượng từ 20-50 tấn/ha/vụ, diện tích tôm siêu thâm canh từ hơn 170 ha vào cuối năm 2016 đến nay đã tăng lên trên 857 ha. Dự báo diện tích nuôi tôm siêu thâm canh sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.
Rút kinh nghiệm từ nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm siêu thâm canh đã có những bước đi căn cơ hơn. Theo ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, nuôi tôm siêu thâm canh đang cho thấy là hướng đi đúng và khả quan hơn. Bởi hiện toàn tỉnh đã có 2 quy trình nuôi tôm siêu thâm canh được đánh giá khá phù hợp và mang lại nhiều ưu điểm, với tỷ lệ thành công trên 80%. Đồng thời, trong quá trình nuôi thực tế, người dân còn có nhiều cải tiến để phù hợp hơn với điều kiện gia đình và địa phương.
Không chỉ có được quy trình chuẩn để người dân áp dụng, mà theo ông Châu Công Bằng, điều đáng mừng nhất là tỉnh đã xây dựng được một số mô hình liên kết, hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp với người nuôi. Từ đó, không chỉ giúp nông dân tiếp cận vốn, kỹ thuật, mà còn có con giống, vật tư đầu vào đạt chất lượng trong quá trình nuôi nên tỷ lệ thành công khá cao.
Tính đến nay, có 8 doanh nghiệp ký kết 27 lượt hợp đồng liên kết với 8 hợp tác xã và 1 tổ hợp tác trong phát triển nuôi tôm siêu thâm canh. Không chỉ vậy, theo ông Châu Công Bằng, ngành đang khẩn trương triển khai các quy hoạch, chương trình, đề án, dự án đã được duyệt. Trong đó, tập trung rà soát, xác định những quy hoạch trọng tâm, trọng điểm và những khâu mũi nhọn, có vai trò đột phá cho con tôm thời gian tới, nhưng phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc bền vững, tức gắn với bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, để nghề nuôi tôm không chỉ phát triển nhanh, bền vững, ngành nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận vốn, cung ứng điện phục vụ sản xuất, quản lý con giống, vật tư thuỷ sản, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới… Với những nỗ lực và chiến lược phát triển ngày một bài bản, ngành tôm Cà Mau đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ./.
Nguyễn Phú