(CMO) “Khi ta sinh ra, mọi người cười còn ta khóc. Hãy sống sao cho khi ta chết đi rồi, mọi người khóc, còn ta thì cười", câu nói làm tôi nhớ đến Bác sĩ Phùng Như Tân, hiện đang giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Cà Mau, người đã hồi sinh mạng sống của bao mảnh đời mà chưa một lần mong được đáp đền.
Mối ân tình
Một buổi chiều bên bộ trà ấm nóng, chúng tôi có cuộc chuyện trò với ông Ba Hiệp, nguyên Bí thư Ðảng uỷ xã Hoà Tân, TP Cà Mau. Ở một cự ly gần, cả tôi và bạn đồng nghiệp đều thấy rõ mặc dầu đang ở độ tuổi thất thập cổ lai hy nhưng toát lên vẻ hồng hào, rắn rỏi… Ðằng sau phong thái nhã nhặn, trí nhớ minh mẫn là câu chuyện về mối ân tình sâu đậm giữa ông và Bác sĩ Phùng Như Tân.
Ông Ba Hiệp kể lại: “Năm 1995, khi tôi còn đang làm bí thư xã, mọi thứ tối sầm lại khi tôi biết tin mình mắc bệnh ung thư ruột già giai đoạn cuối và không còn trông chờ vào thuốc tây được nữa. Tôi tìm đến thuốc nam, bắc với hy vọng vào sự may mắn “may thầy phước chủ”. Tuyệt vọng và lo lắng vì nghĩ thần chết sẽ gõ cửa bất cứ lúc nào”.
Nghe tin ông Ba Hiệp mắc bệnh, cả xóm, bạn bè, đồng nghiệp và thân quyến họ hàng đến thăm, Bác sĩ Tân cũng có mặt. Bác sĩ Tân lặng lẽ “dúi” vào tay ông Ba Hiệp số tiền và giới thiệu chỗ điều trị bằng thuốc bắc cho ông. Cảm động thay khi biết rằng, số tiền ấy phải mất 15 năm ông Ba Hiệp mới hoàn lại được cho người bác sĩ này.
Chúng tôi tìm được bà Lương Thị Mót, ấp Gành Hào 2, xã Hoà Tân, TP Cà Mau, thai phụ mà Bác sĩ Tân cứu sống cả mẹ lẫn con nhờ vào sự quyết đoán trong nghề nghiệp và tấm lòng nhân ái giữa người với người.
Chuyện là hôm đó có một người phụ nữ đến chỗ ông và báo tình trạng bị đau bụng dữ dội. Không có máy siêu âm, thai phụ cũng không có tiền, sau một hồi tìm hiểu các triệu chứng lâm sàng, ông Tân phát hiện bệnh nhân của mình có thai và thai phát triển bên ngoài tử cung. Ðây thực sự là vấn đề nguy hiểm và cần xử lý cấp tốc. Không suy nghĩ nhiều, ông cho mượn xuồng máy để gia đình chở thai phụ đi cấp cứu. Con sông Gành Hào rộng lớn với từng luồng nước chảy xiết vẫn không cản được chuyến đò chở nặng tình người. Thai phụ được xử trí kịp thời và vẫn mang thai trở lại sau đó.
Bà Mót chia sẻ, nửa đêm, nửa hôm bất kể ai có bệnh tình gì đều đến tìm Bác sĩ Tân khám bệnh. Có người bệnh nặng không thể đi được, Bác sĩ Tân cũng không ngại vất vả đến tận nhà bệnh nhân để kịp chữa trị. Vùng quê hẻo lánh, đời sống bà con nghèo khổ nên phần nhiều là khám trước, trả tiền sau, nợ tiền khám bệnh cộng dồn từ năm này sang năm khác. Ấy vậy mà Bác sĩ Tân lúc nào cũng hồ hởi, nhiệt thành và ân cần chữa trị cho bà con. Ở xóm tôi có rất nhiều trường hợp bệnh nặng, Bác sĩ Tân yêu cầu chuyển đi cấp cứu mà người thân lại không có tiền. Không ngần ngại, Bác sĩ Tân thúc giục và đồng hành cùng người nhà bệnh nhân chuyển viện và đóng tất cả khoản phí điều trị. Ðến khi nào người nhà có tiền thì gửi lại ông. Có người thì vài hôm, vài tháng, vài năm, thậm chí vài chục năm..., nhưng vị bác sĩ ấy vẫn giữ một lòng nhiệt huyết với nghề, một trái tim nhân ái với đời…”.
Hai câu chuyện trên, chúng tôi được nghe chính những người trong cuộc kể lại. Còn khi tôi hỏi về sự giúp đỡ của ông với bà con, trên gương mặt hồn hậu ấy chỉ nở nụ cười hiền với câu nói: “Có những chuyện đã qua lâu rồi, tôi cũng không nhớ nữa!”. Người giúp có thể quên nhưng người được giúp thì mãi nhớ. Ðiều đó minh chứng cho việc khi đến xã Hoà Tân hỏi về Bác sĩ Tân thì ai nấy đều dành lòng tri ân, sự tôn kính tấm lòng nhân ái của ông.
Bác sĩ Tân luôn hết lòng vì bệnh nhân và cộng đồng. |
Vượt khó “thành nhân”
Cũng vì từng chứng kiến nhiều trường hợp người nghèo khổ không có tiền điều trị bệnh mà không qua khỏi nên từ nhỏ ông Tân đã quyết tâm học nghề y để hồi sinh cho bệnh nhân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn.
Cũng như bao người, ông Tân lớn lên trong một gia đình thuần nông ấp Gành Hào 2, xã Hoà Tân, TP Cà Mau. Thời gian học trung cấp y, mối tình đẹp của ông với người vợ đơm hoa kết trái. Nhưng vì điều kiện kinh tế, vợ của ông phải lùi lại làm hậu phương để ông an tâm học lên bác sĩ. Ông Tân bộc bạch: “Mang trên vai trọng trách của người bác sĩ, tôi cố gắng hết sức để giúp bệnh nhân, bà con nghèo trong khả năng của mình. Tôi không nghĩ đó là việc làm gì to tát, vì chỉ cần người bệnh hết bệnh, khoẻ mạnh, đó mới là niềm vui, niềm hạnh phúc thật sự của nghề y".
Năm 2009, Bác sĩ Phùng Như Tân nhận nhiệm vụ mới tại Trung tâm Giám định y khoa tỉnh Cà Mau. Ðến năm 2012, ông về giữ chức Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Cà Mau. Ðây là nơi mà trái tim hết mình với công tác thiện nguyện được tiếp thêm những mạch sống dồi dào. Mỗi năm có hơn hàng chục đợt tổ chức khám chữa bệnh từ thiện cho người nghèo mà cầu nối là Hội Chữ thập đỏ tỉnh Cà Mau. Bên cạnh đó, một quyển sách có tên "Chia sẻ yêu thương" được Hội Chữ thập đỏ tỉnh lập ra để qua đó vận động các mạnh thường quân giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong địa bàn tỉnh Cà Mau. Qua 3 kỳ, mỗi kỳ hơn 40 hoàn cảnh được rà soát, xác minh cẩn thận và giúp đỡ vơi bớt được phần nào khó khăn với sự vận động, hỗ trợ từ các mạnh thường quân.
Với những đóng góp của mình cho xóm làng, cho quê hương, cho xã hội, Bác sĩ Tân chính là tấm gương sáng cho các con mình. Hiện tại, hai người con của ông đều thành tài. Con trai út nối nghiệp ông và đang công tác ở Bệnh viện 121, con trai lớn đang công tác Sở Công thương Cà Mau. Không chỉ là người cha đáng kính của hai con, ông còn là người đỡ đầu, nhận nuôi nhiều hoàn cảnh khó khăn tốt nghiệp đại học và cưới vợ, gả chồng cho các con nuôi.
Trong quá trình công tác, Bác sĩ Tân có hai đề tài nghiên cứu khoa học, được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2012, Huân chương Lao động hạng ba năm 2014 và rất nhiều bằng khen của UBND tỉnh. Ðồng thời, ông danh dự được phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú” năm 2020./.
Linh Trầm