ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 27-7-24 11:24:41
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tranh chấp ngư trường và bài học quản lý khai thác trên biển - Bài cuối: Hướng đến khai thác hiệu quả, an toàn, trách nhiệm

Báo Cà Mau Trong mọi nguyên nhân dẫn đến những hoạt động khai thác hải sản sai quy định, xảy ra những tranh chấp, rộng hơn là khi liên quan đến IUU (khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định), đều từ việc nguồn lợi hải sản đang dần cạn kiệt, nên để duy trì hoạt động và hoạt động có hiệu quả, vì quyền lợi trước mắt mà một số ít đối tượng đã có những hành vi trái pháp luật. Từ đó, làm cho tình hình khai thác trên biển thêm phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến định hướng phát triển lĩnh vực thủy sản, kinh tế biển của tỉnh và nước nhà nói chung.

Trong Quy hoạch tỉnh Cà Mau đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, tỉnh khẳng định quyết tâm xây dựng và phát triển Cà Mau trở thành một trung tâm kinh tế biển cả nước. Theo đó, vai trò của khai thác hải sản an toàn, hiệu quả, đảm bảo an ninh, trật tự trên biển có vị trí quan trọng trong tầm nhìn chiến lược này. Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái; phát triển và quản lý bền vững kinh tế biển theo phương thức tổng hợp, quản trị biển dựa vào không gian, liên ngành với sự tham gia của các cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.

Cà Mau quyết tâm chuyển đổi ngành nghề khai thác hải sản nhằm khôi phục nguồn lợi, trong đó có việc phát triển nghề nuôi hải sản ven bờ, ven đảo… (Ảnh chụp ngày 27/10/2023 tại khu vực cụm đảo Hòn Chuối, huyện Trần Văn Thời).

Giảm dần cường lực khai thác, bảo vệ nguồn lợi

Cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, ngành nông nghiệp Cà Mau cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.

Theo đó, mục tiêu của đề án là từng bước giảm dần cường lực khai thác, hạn chế các nghề ảnh hưởng lớn đến môi trường, nguồn lợi, hệ sinh thái biển; hướng đến phục hồi và cân bằng nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên; góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất và phát triển sinh kế cho cộng đồng ngư dân ven biển.

“Việc chuyển đổi nghề khai thác ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản, môi trường trên cơ sở tái cơ cấu, sắp xếp lại đội tàu khai thác thủy sản phù hợp với trữ lượng nguồn lợi tự nhiên hiện có của tỉnh; gắn với công tác phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; phù hợp với nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng chính đáng của người dân; nghề chuyển đổi phù hợp lợi thế, tiềm năng sẵn có và định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh”, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết.

Theo kế hoạch, tỉnh sẽ tiến hành việc xác định, công khai hạn ngạch giấy phép khai thác thuỷ sản tại vùng lộng, vùng ven bờ trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đảm bảo số lượng hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản cắt giảm hằng năm theo loại nghề và bổ sung hợp lý số tàu cá cho phép đóng mới, để đảm bảo đội tàu về ngưỡng bằng khoảng 60% số tàu cá hoạt động tại vùng ven bờ, khoảng 70% số tàu cá hoạt động tại vùng lộng, khoảng 90% số tàu cá hoạt động tại vùng khơi so với thời điểm khi bắt đầu thực hiện đề án.

Do thiếu quản lý mà hiện nay đáy hàng khơi "áp sát" khu vực cụm đảo Hòn Khoai (huyện Ngọc Hiển), gây sát hại nghiêm trọng nguồn lợi hải sản (Ảnh chụp ngày 27/10/2023)

Tiên phong chuyển đổi nghề

Là địa phương tiên phong trong thực hiện các bước chuyển đổi nghề cá, huyện Ngọc Hiển đã sớm ban hành Chỉ thị số 27/2023 nhằm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với hoạt động khai thác trên địa bàn.

Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển cho biết, đa số tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m đến dưới 12m trên địa bàn chưa có giấy phép khai thác thủy sản theo quy định, chưa đăng ký vào sổ đăng ký tàu cá quốc gia và chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá theo quy định; chưa lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị đảm bảo an toàn kỹ thuật tàu cá khi hoạt động. Thuyền trưởng các tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 m trở lên chưa thực hiện ghi, nộp nhật ký và báo cáo khai thác thủy sản theo quy định. Các tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 6 m chưa được các xã, thị trấn thống kê, quản lý chặt chẽ; còn nhiều phương tiện sử dụng ngư cụ cấm khai thác để khai thác ở vùng ven bờ và vùng nội địa (như lưới kéo, đăng, đáy, te, xiệp, ...), sử dụng phổ biến ngư cụ có kích thước mắt lưới tối thiểu tại bộ phận tập trung thủy sản nhỏ hơn quy định để khai thác thường xuyên trên biển và vùng nội địa của huyện. Người dân chưa tuân thủ các quy định cấm khai thác đối với một số loài cá tại một số thời điểm, địa điểm nằm trên địa bàn huyện…

Theo yêu cầu của huyện Ngọc Hiển, chậm nhất đến cuối quý I/2024 phải thông tin đến từng chủ tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 m đến dưới 12 m cư trú trên địa bàn huyện để biết, cho ký cam kết thực hiện nghĩa vụ: Đăng ký vào sổ đăng ký tàu cá theo quy định; lắp đặt trang thiết bị đảm bảo an toàn kỹ thuật tàu cá khi hoạt động; có giấy phép khai thác thủy sản; người điều khiển tàu cá (thuyền trưởng) phải có văn bằng chứng chỉ; phải ghi, nộp nhật ký và báo cáo khai thác thủy sản; đánh dấu ngư cụ trên biển.

“Đến cuối quý III năm nay, toàn bộ tàu cá trên địa huyện phải hoàn thành thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định nêu trên. Các trường hợp vi phạm phải được xử lý nghiêm theo quy định”, ông Trần Hoàng Lạc nêu quyết tâm của địa phương. Đồng thời cho biết, đối với nghề lưới kéo, đăng, đáy (đáy biển, đáy sông), te, xiệp,... hiện đang khai thác trên địa bàn huyện, chậm nhất đến hết năm 2024 thì tất cả phải dừng hoạt động, tự tháo dỡ toàn bộ; các trường hợp vi phạm phải được xử lý nghiêm theo quy định.

Được biết, toàn huyện Ngọc Hiển có 451 tàu cá, riêng tàu có chiều dài từ 6 m đến dưới 12 m và dưới 6 m có hơn 997 phương tiện; trên 7.654 miệng đáy (đáy biển, đáy sông).

Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Cà Mau rất quyết tâm, luôn tích cực và đi tiên phong, đạt được những kết quả rất quan trọng, trở thành điểm sáng của cả nước trong thực hiện IUU. Tỉnh có những hoạt động nhằm khôi phục nguồn lợi hải sản, như tiến tới thành lập Khu bảo tồn biển tỉnh và Khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (hình thành từ khu thả rạn nhân tạo tại vùng biển ven bờ tại vùng biển Tây tỉnh Cà Mau).

“Bài vở đã có hết, ai cũng "thuộc bài", vấn đề là chúng ta có cùng nhau quyết tâm cao, đồng lòng và trách nhiệm vì việc chung để thực hiện cho đạt hiệu quả!”, ông Lê Văn Sử trăn trở. Đồng thời khẳng định, sự kiên quyết đến từ cấp ủy đảng, như huyện Ngọc Hiển là rất trân trọng, sát thực tế, là cơ sở cho các địa phương khác làm theo./.

 

Trần Nguyên

 

Kinh tế tập thể - nhìn thẳng để đi đúng

Kinh tế tập thể (KTTT), mà chủ đạo là hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay, là thành phần quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững... Ðặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, KTTT càng trở nên quan trọng, đây là nhân tố cốt lõi, gắn kết quá trình sản xuất và kinh doanh của nông dân với nhu cầu của thị trường.

Nhiều sai sót trong giao đất, giao rừng - Bài cuối: Tìm giải pháp gỡ khó

Sắp xếp, đổi mới để hoàn thành việc rà soát xác định nguồn gốc đất, phân định ranh giới thực tế của các đối tượng đang sử dụng đất; xác định cụ thể phần diện tích các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng và phần diện tích bàn giao về địa phương quản lý, qua đó phát hiện những tồn tại, bất cập, đề xuất các giải pháp chính sách để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đất có nguồn gốc từ nông, lâm, ngư trường... là những vấn đề cần làm hiện nay.

Nhiều sai sót trong giao đất, giao rừng - Bài 2: Quy định thiếu đồng bộ

Việc giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân hiện chưa có bộ thủ tục về trình tự tương thích với các luật và các quy định có liên quan. Ðiều này dẫn đến sự lúng túng, chậm trễ của chính quyền sở tại trong thực hiện giao đất, giao rừng. Ðây là lý do chính làm cho diện tích đất, rừng các xã đang tạm quản lý tuy rất lớn nhưng muốn giao cho người dân lại khó thực hiện.

Nhiều sai sót trong giao đất, giao rừng

Chủ trương giao đất, giao rừng cho hộ gia đình và cá nhân quản lý, chăm sóc, bảo vệ, phát triển rừng là chính sách lớn của Ðảng, Nhà nước nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát huy giá trị của rừng. Ðồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, qua gần 20 năm triển khai công tác này, tại các địa phương trong tỉnh Cà Mau vẫn còn nhiều tồn tại, thiếu sót, cần được chấn chỉnh theo đúng quy định của pháp luật.

Trường nội trú Cà Mau - Ninh Bình: Những ký ức không phai

Cuối tháng 3/1972, ở đây chưa có mưa, còn là mùa hạn. Thầy Lê Châu, Hiệu trưởng và thầy Năm Thuật, Hiệu phó Trường Nội trú Cà Mau - Ninh Bình, khoá 3, đến Xóm Dừa, Ấp 6A. Cô Mười Mỳ là Bí thư Chi bộ xã Quách Văn Phẩm “B”, huyện Tư Kháng (huyện Ðầm Dơi ngày nay). Các thầy tìm chỗ để cất trường học và chọn vườn cô Út Ngươn để đặt lớp học. Xa ngoài kia, chọn vườn Biện Ðài, Lung Chim và 1 điểm nữa ở Thanh Tùng.

Chuyện chữ “T” của Nhà báo Trần Ngọc Hy

Nhà báo Trần Ngọc Hy, người Cà Mau, tham gia kháng chiến chống Pháp ở tỉnh Bạc Liêu xưa. Ông viết chuyện vui chữ “T” đăng báo “RÙM”, tức rừng U Minh - tờ báo tường nội bộ cơ quan Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, đóng ở Chiến khu U Minh trên đất Cà Mau thời 9 năm kháng Pháp, khoảng 1949-1950.

Báo Minh Hải - Niềm tự hào chưa cạn tỏ

Báo Minh Hải là tiền thân của Báo Bạc Liêu, Cà Mau ngày nay. Hơn 20 năm hoạt động, tờ báo này đã trở thành chiếc nôi rèn luyện cho thế hệ báo chí sau ngày thống nhất đất nước. Từ đây, đã có nhiều nhà báo trưởng thành, trở thành cán bộ lãnh đạo của báo chí, văn học nghệ thuật 2 tỉnh và Trung ương, nhiều nhà báo trở thành những tài danh báo chí, văn chương. Hướng tới kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, chúng tôi trân trọng giới thiệu tâm tình của một nhà báo, nhà văn, người đã sống trọn vẹn suốt thời gian măng sét Báo Minh Hải tồn tại trong lòng độc giả, cùng bạn đọc hôm nay.

Ðể vùng quê… trắng hộ nghèo - Bài cuối: Ðiểm sáng xoá nghèo

Trên cơ sở trợ lực từ nhiều chương trình, chính sách, sự chung tay góp sức của cộng đồng; các cấp uỷ đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã sâu sát trong dân, nắm chặt hoàn cảnh hộ nghèo để triển khai đồng loạt biện pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả; đồng thời giúp người nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khơi gợi ý chí phấn đấu thoát nghèo, hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.

Ðể vùng quê… trắng hộ nghèo - Bài 2: Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau

Cùng với triển khai đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia, Cà Mau thực hiện tốt phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Phong trào đã lan toả giá trị nhân văn trong cộng đồng, tạo động lực, niềm tin để hộ nghèo, người gặp hoạn nạn sớm ổn định cuộc sống, giúp các địa phương hiện thực hoá mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Ðể vùng quê… trắng hộ nghèo

Cùng với phục hồi và tăng trưởng kinh tế, Cà Mau luôn đặt mục tiêu giảm nghèo là ưu tiên hàng đầu. Bằng những giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, ý thức vươn lên của hộ nghèo, cuối năm 2023 Cà Mau còn 1,6% hộ nghèo (giảm 2.507 hộ nghèo), 1,56% hộ cận nghèo (giảm 922 hộ). Ðặc biệt, tỉnh có 170 ấp, khóm và 5 xã, phường, thị trấn xoá trắng hộ nghèo. Ðó là những điểm sáng, lan toả kinh nghiệm, cách làm hay và là động lực trong hành trình giảm nghèo bền vững của tỉnh.