ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 20-4-25 01:27:11
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tranh chấp ngư trường và bài học quản lý khai thác trên biển- Bài 2: Kiên quyết đấu tranh, lập lại trật tự trên biển

Báo Cà Mau Trước tình hình phức tạp trên ngư trường, với quyết tâm xử lý dứt điểm các vụ việc, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các địa phương, các ngành, đơn vị có liên quan khẩn trương điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các vụ việc tranh chấp ngư trường.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh, đối với trường hợp đã rõ đối tượng và hành vi, khẩn trương đưa ra xét xử theo quy định. Đồng thời, tăng cường các biện pháp tuần tra, kiểm soát, quản lý khu vực biển, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định, không để phát sinh điểm nóng.

 

Tàu CSB 624 thuộc Hải đoàn 42 Vùng Cảnh sát biển 4 cơ động áp sát các tàu đang chiếm giữ khu vực khai thác để lực lượng liên ngành thực hiện các biện pháp đấu tranh, buộc các phương tiện thu hồi ngư cụ và rời khỏi vị trí tranh chấp, tránh xảy ra xung đột. (Ảnh chụp ngày 16/01/2024)

Xử lý triệt để, nghiêm minh

Nhận định tình hình an ninh trật tự trên vùng biển tỉnh Cà Mau đang diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới về tranh chấp khu vực khai thác hải sản, trong văn bản chỉ đạo hoả tốc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử yêu cầu các ngành chức năng phải thường xuyên theo dõi sát diễn biến, tình hình tại địa bàn cơ sở để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh; đồng thời cần xử lý nhanh, dứt điểm các vụ việc đã xảy ra, nhằm răn đe, ổn định tình hình an ninh trật tự trên các vùng biển, giúp ngư dân yên tâm sản xuất.

Chủ động, bám sát tình hình, ngay sau khi các vụ việc xảy ra, Công an tỉnh đã thành lập ngay Ban chuyên án do đồng chí Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh làm Trưởng ban; đồng chí Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh làm Phó ban Thường trực; cùng thành viên là lãnh đạo các Phòng nghiệp vụ, Công an các huyện ven biển. Kết quả ban đầu đã xác định được đối tượng vi phạm, đồng thời đã khởi tố 1 vụ án, 5 bị can, bắt tạm giam về tội cướp tài sản, phục vụ công tác điều tra tiếp theo.

Theo nguồn tin từ Công an tỉnh, các đối tượng bị bắt tạm giam gồm: Nguyễn Y Răn, Hồ Văn Cường, Bùi Công Danh, Trần Tiểu Điền và Nguyễn Tấn Lợi (ngụ ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời), liên quan đến việc dùng gậy đánh bị thương thuyền viên và cướp tài sản trên tàu cá CM-02926-TS. Theo cơ quan chức năng, những hành vi liên quan đến tranh chấp khu vực khai thác đang có dấu hiệu liên quan đến “xã hội đen”, cần được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý triệt để, nghiêm minh.

 

Cơ quan chức năng thuộc lực lượng liên ngành tiến hành mời các thuyền trưởng sang tàu Cảnh sát biển ghi nhận tình hình, tiến hành các bước tiếp theo nhằm xử lý triệt để việc tranh chấp, chiếm giữ khu vực khai thác trên vùng biển Tây Cà Mau. (Ảnh chụp ngày 14/1/2024).

Trả lại sự bình yên trên vùng biển

Xác định tính chất đặc biệt nguy hiểm của tình hình, đoàn công tác liên ngành được thành lập ngay sau đó, gồm các lực lượng: Cảnh sát biển Vùng 4, Công an tỉnh và Bộ đội Biên phòng tỉnh,  sử dụng tàu Cảnh sát biển 2004 và tàu Cảnh sát biển 624 thuộc Hải đoàn 42 (đứng chân tại huyện Năm Căn) cơ động ra hiện trường.

Phóng viên Báo Cà Mau trực tiếp theo đoàn công tác liên ngành, tác nghiệp tại hiện trường. Ghi nhận thực tế cho thấy, tại vùng biển ven bờ thuộc khu vực từ Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) đến cửa Khánh Hội (xã Khánh Hội, huyện U Minh) có khá nhiều phương tiện khai thác sai luồng tuyến, không đúng giấy phép khai thác. Đó là tàu có chiều dài từ 15 m trở lên (vốn chỉ được hoạt động từ vùng lộng trở ra), hành nghề từ lưới ghẹ, lú huế (lú bát quái) đến bẫy ốc mực. Thậm chí xuất hiện các tàu có công suất lớn đang khai thác với hình thức cào đơn, cào đôi hoạt động ngang dọc vùng ven bờ.

Tại khu vực tranh chấp giữa các tàu ốc bẫy mực với nhau và tàu ốc bẫy mực với tàu hành nghề lưới ghẹ, xuất hiện các nhóm tàu đang chiếm giữ khu vực khai thác, canh chừng lẫn nhau, sẵn sàng ngăn cản, đâm va khi xuất hiện tàu thuộc bên nào có hành vi khai thác.

Qua nắm tình hình và lên phương án “tác chiến”, lực lượng liên ngành chia làm nhiều tổ, sử dụng xuồng cơ động trực tiếp sang các tàu khai thác đang neo đậu (được cho là giữ bãi khai thác) để nắm tình hình, vận động, tuyên truyền… Qua làm việc, hầu hết các tàu này đều hoạt động sai quy định, từ giấy phép khai thác đến quy định về hành nghề trên biển, như không có bằng thuyền trưởng, máy trưởng…

Trên tinh thần thuyết phục của lực lượng chức năng, nhiều thuyền trưởng, chủ tàu đã đồng ý thu hồi ngư cụ, rời khỏi khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, cũng có đối tượng thiếu hợp tác, có hành vi chống đối, gây khó khăn, làm mất rất nhiều thời gian trong công tác nắm tình hình, xác minh, củng cố hồ sơ. Sự hung hăng lộ rõ, khi có tàu chấp hành thu hồi ngư cụ để rời đi, dù có mặt các cơ quan chức năng chấp pháp vẫn có tàu tiến ra ngăn cản, lăm le đâm va.

Trung tá Trần Trung Kiên, Phó Hải đoàn trưởng Quân sự - Hải đoàn 42 Vùng Cảnh sát biển 4, Trưởng đoàn công tác liên ngành, cho rằng các đối tượng chiếm giữ vị trí khai thác có thái độ thiếu thành khẩn, luôn tìm cách qua mặt cơ quan chức năng nhằm che giấu hành vi sai phạm của mình, muốn độc chiếm vị trí khai thác.

“Bằng nhiều biện pháp từ thuyết phục đến xử lý răn đe, đeo bám tận cùng từng tàu, con người và vụ việc cụ thể, đoàn công tác đã buộc các tàu đang tranh chấp vị trí khai thác rời đi, trả lại sự bình yên trên vùng biển để bà con ngư dân yên tâm bám biển”, Trung tá Kiên cho biết thêm.

Tham gia đoàn công tác lần này có 2 cán bộ Công an thuộc Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Hình sự - Kinh tế - Môi trường của huyện Trần Văn Thời và U Minh. “Tất cả các vụ việc liên quan đến các đối tượng có hành vi chiếm giữ khu vực khai thác, manh động và sử dụng bạo lực để giải quyết tranh chấp, chúng tôi đã nắm rất rõ, thể hiện đầy đủ trong hồ sơ và đang tiếp tục củng cố chứng cứ theo trình tự tố tụng, quyết tâm xử lý triệt để nhằm răn đe, trên tinh thần không để lọt tội phạm, không để vụ việc tiếp diễn hay tái diễn trong thời gian tới” , một cán bộ Công an của đoàn công tác liên ngành tỏ rõ quyết tâm.

Trung tá Nguyễn Việt Khái, Trợ lý hải quân/Phòng Tham mưu (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) cho biết, đoàn công tác liên ngành lần này có sự phối hợp chặt chẽ với quyết tâm cao, bên cạnh xử lý dứt điểm ngoài hiện trường, sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo đơn vị và UBND tỉnh có giải pháp xử lý triệt để, nhằm lập lại an ninh, trật tự trên biển, tránh tái diễn trong thời gian tới.


“Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện và đơn vị có liên quan khẩn trương kiểm tra, xử lý dứt điểm các phương tiện thủy nội địa hoạt động trái phép, trong đó tập trung vào nhóm phương tiện thủy nội địa tại khu vực ven biển. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ phương tiện ra vào cửa biển, kiên quyết không cho các phương tiện ra biển hoạt động nếu không đảm bảo các điều kiện theo quy định, đặc biệt là các phương tiện thủy nội địa”, UBND tỉnh chỉ đạo tại Công văn số 248, ngày 15/01/2024 về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xử lý tình trạng tranh chấp ngư trường.


 

Bài cuối: Hướng đến khai thác hiệu quả, an toàn, trách nhiệm

Trần Nguyên

 

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 2: Bước chuyển mình của đô thị hoá nông thôn

Khác với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đô thị động lực, như TP Cà Mau, Sông Ðốc và Năm Căn, những làng quê, nơi mà quá trình đô thị hoá đang diễn ra một cách lặng lẽ lại trở thành nơi lý tưởng, đáng sống, ước mơ của nhiều người. Cà Mau, từ một bức tranh tưởng chừng đơn điệu, với ruộng lúa, ao tôm, cánh đồng hoa màu và những con rạch hiền hoà, nay khoác lên mình diện mạo mới, hiện đại hơn, thuận tiện hơn, nhưng vẫn giữ được bản sắc miền Tây sông nước.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 3: Giải mã “điểm nghẽn” để khơi thông tiềm năng

Tốc độ đô thị hoá của Cà Mau tăng trung bình 1,3%/năm, phản ánh sức hút và tiềm năng nội tại. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm lực vốn có và còn cách biệt so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Quá trình đô thị hoá tại Cà Mau vẫn đang đối diện với những nút thắt cần tháo gỡ.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh

Tỉnh Cà Mau đang kiến tạo một nền tảng vững chắc để đô thị hoá trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ðến cuối năm 2024, tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh đạt 33,04%, với 22 đô thị, cao hơn mức trung bình của đồng bằng sông Cửu Long (32,0%) và vượt một số tỉnh lân cận, như Vĩnh Long (28,7%), Hậu Giang (30,5%)... Với TP Cà Mau, Năm Căn và Sông Ðốc làm tam giác động lực, tỉnh không chỉ mở rộng không gian đô thị mà còn tạo sức bật kinh tế toàn diện. Không chạy theo đô thị hoá ồ ạt, tỉnh tập trung xây dựng nền tảng hạ tầng vững chắc, phát huy lợi thế kinh tế biển, logistics và dịch vụ thương mại để trở thành điểm sáng mới của vùng Tây Nam Bộ.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững - Bài cuối: Khơi thông dòng chảy

Khởi nghiệp dựa vào tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng tài nguyên bản địa của địa phương là một lợi thế. Tuy nhiên, nó cũng có nhiều thách thức cho hoạt động khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp “xanh” nói riêng của tỉnh. Ðể nâng tầm khởi nghiệp “xanh”, Cà Mau đang cần những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Ðịa phương cũng cần chú trọng hơn đến phát triển kinh tế bền vững và hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp “xanh”, cũng như các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, đào tạo, phát triển cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững - Bài 2: "Ghi điểm" trên "sân nhà"

Khởi nghiệp “xanh” tại Cà Mau mang đến động lực, truyền cảm hứng từ những câu chuyện thực tế của những bạn trẻ đầy nhiệt huyết, mạnh dạn tận dụng sân nhà để phát huy giá trị sản phẩm kinh doanh, gợi mở nhiều cơ hội trong tiến trình khởi nghiệp.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã trở thành xu thế chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở nước ta, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là chủ trương lớn của Ðảng. Nghị quyết 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị đã xác định rõ vai trò của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trong đó doanh nghiệp là trọng tâm của quá trình đổi mới sáng tạo quốc gia.

Hướng tới chính quyền số toàn diện - Bài cuối: Xây dựng nền hành chính kiến tạo, phục vụ

Nếu chuyển đổi số (CÐS) trong thủ tục hành chính (TTHC) là bước đột phá giúp cắt giảm phiền hà, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp, thì xây dựng chính quyền thông minh lại mang tầm vóc lớn hơn. Ðó không chỉ là việc đưa công nghệ vào bộ máy quản lý Nhà nước, mà còn là một cuộc chuyển đổi toàn diện về tư duy điều hành, phương thức hoạt động và tinh thần phục vụ. Không còn cảnh văn phòng hành chính đầy ắp hồ sơ, giấy tờ, chính quyền số hôm nay đang định hình một mô hình làm việc mới: liên thông, minh bạch, gần gũi và lấy sự hài lòng của người dân làm trung tâm.

Hướng tới chính quyền số toàn diện

Hai năm liền (2023-2024), Cà Mau dẫn đầu cả nước về chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp, đây là dấu ấn nổi bật của tỉnh trong công tác cải cách hành chính (CCHC). Ðể có được thành tựu này, tỉnh không chỉ đơn giản hoá thủ tục mà còn đổi mới mạnh mẽ phương thức phục vụ. Hệ thống một cửa liên thông được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã, giúp rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, nâng cao tính minh bạch, hiệu quả, sự hài lòng trong dân.

Tự hào vùng đất Tây Nam - Bài cuối: Biển - Dòng chảy phồn vinh

Ðịa bàn biên giới biển toàn vùng Tây Nam trải dài hơn 700 km, chiếm 1/5 tổng chiều dài bờ biển của cả nước, không chỉ là tuyến phòng thủ chiến lược mà còn là nguồn sống của hàng triệu ngư dân. Với hệ sinh thái phong phú, vùng biển này mang trong mình tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển, đóng góp quan trọng vào công cuộc dựng xây đất nước.

Tự hào vùng đất Tây Nam - Bài 3: Hồi sinh Ba Chúc

Cách nay 50 năm, trong khi các địa phương trong cả nước đang bắt tay kiến thiết quê hương sau đại thắng mùa Xuân 1975 thì Nhân dân Ba Chúc lại mang thêm trên mình những vết thương của nạn thảm sát diệt chủng Pol Pot. Nếu so sánh xuất phát điểm của vùng đất thanh bình vươn lên sau chiến tranh thì Ba Chúc khởi điểm sau các vùng đất khác 10 năm, với nền tảng ban đầu: đất đai cằn cỗi, nhà cửa xơ xác, cuộc sống của người dân bấp bênh giữa đói nghèo và ký ức đau thương. Trở lại Ba Chúc hôm nay là thị trấn sầm uất của huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.