(CMO) Những năm qua, mô hình sản xuất lúa - tôm tại Thới Bình ngày càng phát triển. Ðiều đó là một minh chứng cho sự chuyển dịch đúng hướng. Và mới đây, Hội đồng Quản lý nuôi trồng thuỷ sản đã cấp chứng nhận ASC cho các hộ nuôi tôm thông qua mô hình liên kết nuôi và tiêu thụ tôm có trách nhiệm giữa HTX lúa - tôm Trí Lực và doanh nghiệp xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú (gọi tắt là Công ty Minh Phú), mở ra triển vọng mới cho ngành nông nghiệp địa phương.
Xoay quanh vấn đề này, phóng viên có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình.
- Xin ông cho biết triển vọng sản xuất lúa - tôm hiện nay trên địa bàn huyện Thới Bình nói chung và xã Trí Lực nói riêng?
Ông Nguyễn Văn Phúc: Thới Bình là huyện có tiềm năng lớn để phát triển mô hình lúa - tôm (nổi bật là mô hình xen canh lúa - tôm càng xanh và lúa - tôm sú). Mô hình được đánh giá thích ứng với bối cảnh biến đổi khí hậu và góp phần cải thiện thu nhập cho nông hộ. Diện tích canh tác lúa - tôm năm 2021 của huyện đạt 18.552 ha, chiếm hơn 50% diện tích lúa - tôm toàn tỉnh. Các loại giống lúa chủ yếu sử dụng trong mô hình lúa - tôm gồm ST24, ST25, OM2517, Một bụi đỏ…
Năng suất lúa tăng từ 3,2 tấn lên 3,8 tấn/ha vào năm 2013 và đạt trên 4,8 tấn/ha vào vụ mùa năm 2021 (tăng 1 tấn/ha so với thời điểm năm 2013). Riêng năng suất tôm sú từ khi chuyển từ hình thức nuôi quảng canh truyền thống sang quảng canh cải tiến đạt 320 kg/ha, tăng gấp 2 lần so với thời điểm trước đây. Qua thống kê (giai đoạn 2013-2021) thu nhập bình quân của mô hình sản xuất lúa - tôm đạt hơn 65 triệu đồng/ha/năm, cao hơn mô hình chuyên lúa từ 2-3 lần.
Lúa - tôm là loại hình sản xuất chủ lực tại huyện Thới Bình, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân. |
Bên cạnh đó, thời gian qua huyện Thới Bình đã đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, trong đó có mô hình lúa - tôm. Kết quả, năm 2021, ngành nông nghiệp huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia sản xuất lúa hữu cơ. Ðồng thời, kêu gọi doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất liên kết tiêu thụ lúa hữu cơ trên địa bàn huyện. Kết quả, đã tổ chức triển khai được 530 ha lúa hữu cơ. Trong đó, tại HTX lúa - tôm Trí Lực (xã Trí Lực) 300 ha; HTX Thành Công (xã Thới Bình) 150 ha và HTX Kênh Ngang (xã Tân Lộc Bắc) 80 ha. Các giống lúa canh tác hữu cơ chủ yếu là ST24, ST25, OM2517…, năng suất bình quân đạt từ 3,8-4,1 tấn/ha và được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường từ 1.000-1.500 đồng/kg, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.
Ðồng thời, huyện Thới Bình đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận “Lúa sạch Thới Bình” và HTX Ðoàn Phát (xã Trí Lực) đã được trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho diện tích hơn 150 ha, góp phần nâng cao giá trị, quảng bá hình ảnh sản phẩm lúa sạch của huyện trên thị trường. Bên cạnh lợi thế cây lúa sạch, lúa hữu cơ, huyện Thới Bình nói chung và xã Trí Lực nói riêng còn có tiềm năng về nuôi thuỷ sản, đặc biệt là nuôi tôm sạch, tôm hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể, mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh với trồng lúa tập trung. Với diện tích nuôi tôm càng xanh của huyện trong năm 2021 đạt trên 14.000 ha (riêng xã Trí Lực đạt trên 2.200 ha) năng suất tôm càng xanh đạt từ 150-220 kg/ha, mang lại nguồn thu nhập cho nông hộ từ 15-25 triệu đồng/ha. Thị trường tôm càng xanh của huyện đã mở rộng sang Campuchia, tạo cơ hội để huyện có thể xuất khẩu tôm càng xanh sang các nước trong khu vực thời gian tới.
- Ðược biết mới đây, tôm Trí Lực được chứng nhận ASC. Nhân đây xin ông cho biết những lợi ích từ việc đạt chứng nhận này?
Ông Nguyễn Văn Phúc: Trí Lực là xã có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện đã triển khai nhiều mô hình về lúa sạch, lúa hữu cơ và nuôi tôm theo hướng VietGAP trên địa bàn xã nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. Ðồng thời, mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi để công ty, doanh nghiệp tham gia liên kết vào chuỗi giá trị lúa - tôm trên địa bàn xã. Kết quả đã có Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, cụ thể là Doanh nghiệp xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú phối hợp với HTX lúa - tôm Trí Lực tham gia xây dựng vùng nuôi tôm sú đạt chứng nhận nuôi trồng thuỷ sản trách nhiệm.
Với nhiều nỗ lực của các bên liên quan, ngày 3/10/2022, Hội đồng Quản lý nuôi trồng thuỷ sản đã cấp chứng nhận ASC cho các hộ nuôi tôm thông qua mô hình liên kết nuôi và tiêu thụ tôm có trách nhiệm giữa HTX lúa - tôm Trí Lực và Công ty Minh Phú, với diện tích được cấp chứng nhận là 200 ha. Lợi ích lớn nhất khi được cấp chứng nhận ASC chính là giải quyết vấn đề nuôi tôm không bền vững cho các hộ nuôi tôm quy mô nhỏ, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và đảm bảo lợi ích xã hội, góp phần thay đổi thói quen sản xuất, cách suy nghĩ của người nuôi và doanh nghiệp về nuôi tôm bền vững.
Doanh nghiệp sẽ bao tiêu, thu mua toàn bộ tôm đạt chứng nhận ASC của HTX lúa - tôm Trí Lực trong vòng 3 năm với giá cao hơn 5.000-10.000 đồng/kg tôm so với giá tôm trên thị trường. Qua đó, Công ty Minh Phú có thể đảm bảo nguồn cung tôm nguyên liệu sạch, bền vững, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng theo tiêu chuẩn ASC, trong khi đó các hộ nuôi tôm an tâm về đầu ra sản phẩm. Ðồng thời, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để quảng bá hình ảnh con tôm của tỉnh Cà Mau nói chung và huyện Thới Bình nói riêng ra thị trường thế giới, nhất là ở những thị trường khó tính, tiêu chuẩn khắt khe như châu Âu và Hoa Kỳ.
- Xin cảm ơn ông!
Văn Ðum thực hiện