ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 03:58:07
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Triển vọng từ “Chuyển đổi số”

Báo Cà Mau (CMO) Từ tháng 12/2020 bắt tay vào thực hiện “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định phê duyệt số 749/QÐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Cà Mau đã đề ra quyết tâm, đến năm 2025 kinh tế số ở Cà Mau chiếm 10% GRDP; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%.

Để hiểu rõ hơn về chuyển đổi số và quyết tâm cũng như những kết quả bước đầu của việc chuyển đổi số ở Cà Mau, phóng viên báo Cà Mau có cuộc phỏng vấn đồng chí Lê Quân, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.

Ðồng chí Lê Quân, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phát biểu tại buổi ra mắt sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh. Ảnh: P.PHÚ

- “Chuyển đổi số” cần hiểu và truyền đạt như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất, thưa đồng chí?

Ðồng chí Lê Quân: Chuyển đổi số là dựa vào công nghệ để thay đổi, đổi mới phương pháp, cách thức, quy trình, mô hình hoạt động.

Ðó chính là quá trình đổi mới, sáng tạo, nhờ vào sự tiến bộ công nghệ, nhất là công nghệ thông tin. Công nghệ kết nối, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo…

Chuyển đổi số ở cấp độ thấp là ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ thông tin để giúp rút ngắn thời gian, giảm chi phí, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, của khách hàng với sản phẩm, dịch vụ hiện có.

Hay nói cách khác, chuyển đổi số thực chất chính là thay đổi mô hình kinh doanh, thay đổi mô hình hoạt động, qua đó tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ có giá trị khác biệt cao. Nó giúp giải quyết những vấn đề trước đây chưa thể, không thể giải quyết được.

- Theo đồng chí, chuyển đổi số đã tác động và làm thay đổi những vấn đề cụ thể ra sao với các địa phương?

Ðồng chí Lê Quân: Trước hết, chuyển đổi số đã giúp tạo sự thay đổi:

Thứ nhất, chuyển đổi số giúp chúng ta thay đổi cách tiếp cận và kết nối giữa Nhà nước với người dân, doanh nghiệp. Qua đó, giúp Nhà nước trở nên gần dân, sát dân và phục vụ Nhân dân tốt hơn.

Ví dụ ứng dụng Social listening (dư luận xã hội) giúp chính quyền cập nhật rất nhanh các thông tin từ nhiều nguồn, nhìn nhận sớm và nhanh xu hướng quan tâm của người dân. Ứng dụng Chatbox giúp người dân và Nhà nước tương tác nhanh chóng. Các ứng dụng phản ánh hiện trường giúp 100% ý kiến của người dân được lưu, được xử lý và được thống kê. Hay ứng dụng của Bộ LÐTB&XH giúp duy trì kết nối và hỗ trợ nhanh của Nhà nước với người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài…

Thứ hai, chuyển đổi số giúp giải quyết điểm yếu nhất của hệ thống chính trị hiện nay là công tác phối hợp. Nghĩa là chuyển đổi số giúp kết nối giữa các cơ quan, tổ chức, kết nối vùng và thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị. Dữ liệu lớn và tiếp cận dữ liệu giúp tạo ra giá trị gia tăng.

Ngày nay, các cơ sở dữ liệu lớn như dữ liệu dân cư không thể tách khỏi dữ liệu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, dữ liệu về nghèo đói, bảo trợ xã hội, dữ liệu về trẻ em, học sinh, sinh viên, việc làm…

Công nghệ đã góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, kết hợp với đảm bảo an ninh trật tự… Hệ thống quan trắc môi trường rừng không thể tách rời với phòng chống cháy rừng, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận xuất xứ rừng trồng và an ninh trật tự, quản lý thuế…

Thứ ba, thay đổi quan điểm phải tốn tiền mới chuyển đổi số được. Trước đây, nhắc đến ứng dụng công nghệ thông tin là nghĩ đến tốn kém ngân sách mua sắm trang thiết bị. Ngày nay, chuyển đổi số không nhất thiết phải đầu tư vào phần cứng tốn kém.

Công nghệ điện toán đám mây, các hạ tầng công nghệ giúp chúng ta triển khai chuyển đổi số mà không cần đầu tư hạ tầng. Ðể đưa vào hệ thống đào tạo trực tuyến của một tỉnh, các doanh nghiệp lớn đã có sẵn công nghệ, giải pháp cho phép triển khai đồng bộ quản lý số, trường học số, giáo viên số và người học số mà không cần đầu tư lớn.

Thứ tư, chuyển đổi số đòi hỏi phải thay đổi cách nghĩ, cách làm dựa trên sự am hiểu công nghệ. Chuyển đổi số là quá trình thay đổi mô hình vận hành. Chuyển đổi số thành công sẽ làm thay đổi mô hình truyền thống, thay đổi “luật chơi”, gỡ bỏ được nhiều rào cản và biến không thể thành có thể.

Cũng như ứng dụng sàn thương mại điện tử giúp từng sản phẩm OCOP Cà Mau được tiêu thụ đến tận tay khách hàng; cho phép khách du lịch không phải "tay xách nách mang” các sản vật địa phương mà sẽ được giao tại nhà sau chuyến du lịch…

Phó Bí thư Tỉnh ủy,Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân (thứ 4 từ trái sang) cùng cắt băng khởi động sàn giao dịch thương mại điện tử và không gian khởi nghiệp tỉnh Cà Mau năm 2021. Ảnh: Huỳnh Lâm

- Nền tảng để đảm bảo chuyển đổi số ở Cà Mau được thực hiện ra sao, thưa đồng chí?

Ðồng chí Lê Quân: UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 137/KH-UBND ngày 3/12/2020 về triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia ở Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định 3 mục tiêu quan trọng là: Phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số.

Trong mục tiêu phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, chúng tôi đã đặt ra nhiều mục tiêu phấn đấu nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, hình thành cơ sở dữ liệu mở của các cơ quan Nhà nước, cung cấp dịch vụ công kịp thời cho người dân, doanh nghiệp…

Ðể bảo đảm các mục tiêu này khả thi, vừa qua tỉnh phát triển hoàn thiện cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử, đẩy mạnh việc thực hiện thủ tục trên môi trường mạng; triển khai các dịch vụ, ứng dụng thông minh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tương tác với chính quyền điện tử, chính quyền số; triển khai các ứng dụng giải đáp thắc mắc, hỗ trợ người dân trên ứng dụng mạng xã hội Zalo.

Về nền tảng phát triển xã hội số, tuy Cà Mau là địa phương có điều kiện khó khăn về hạ tầng giao thông, hạ tầng lưới điện nhưng đến nay hạ tầng truyền dẫn ngày càng được mở rộng, nhiều thuê bao ADSL đã chuyển qua sử dụng Internet cáp quang FTTH tốc độ cao hơn.Toàn tỉnh hiện có 1.414 cột ăng-ten thông tin di động. Tỷ lệ dân số được phủ sóng di động (2G, 3G, 4G) đã đạt mức 100%.

100% xã, phường, thị trấn đã có cáp quang tới trung tâm xã và sẵn sàng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng.

Ngoài ra, Cà Mau hiện có Trung tâm Dữ liệu chính (DC-Data Center) và Trung tâm Dữ liệu dự phòng (DR-Disaster Recovery) phục vụ triển khai hầu hết các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh.

Ðó có thể được xem là nền tảng của cả lộ trình chuyển đổi số của giai đoạn tầm nhìn 5 năm, 10 năm tới của Cà Mau.

- Cà Mau đã đạt kết quả khả quan gì trong các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, thưa đồng chí?

Ðồng chí Lê Quân: Ở mỗi lĩnh vực, Cà Mau đều ghi nhận những bước phát triển mới, song quy mô lớn và rõ nhận diện nhất là ở các lĩnh vực giáo dục, y tế, tài nguyên môi trường và công nghiệp. Ðây cũng là các lĩnh vực mà Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ ưu tiên.

Lĩnh vực công nghiệp của tỉnh được quan tâm phát triển các chỉ số thương mại điện tử, ngành y tế của tỉnh cũng đang sử dụng, khai thác khá tốt các hệ thống thông tin do Bộ Y tế triển khai, như Hệ thống cấp chứng chỉ hành nghề; Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế; Hệ thống Quản lý chất lượng bệnh viện; Hệ thống trong quản lý chẩn đoán hình ảnh; Hệ thống trong quản lý xét nghiệm; Quản lý tiêm chủng, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm...

Lĩnh vực tài nguyên và môi trường, tỉnh đã ứng dụng thành công phần mềm Vilis và cơ sở dữ liệu địa chính phục vụ công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất; phần mềm và cơ sở dữ liệu về môi trường hỗ trợ công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh. Hệ thống tiếp nhận số liệu quan trắc tự động dùng để tiếp nhận số liệu của các trạm quan trắc tự động, phục vụ theo dõi chất lượng nước và xả thải của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi là xây dựng hệ thống thông tin về quy hoạch sử dụng đất, giá đất...

Tỷ lệ văn bản, hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng hiện tại bình quân đạt 98%.

- Riêng giáo dục, Cà Mau đã kỳ vọng vào sự thay đổi của công nghệ số như thế nào?

Ðồng chí Lê Quân: Nhiều người hiểu chuyển đổi số trong giáo dục là thư viện điện tử, số hoá học liệu, dạy học trực tuyến, học bạ điện tử… Tuy nhiên, trên thực tế chuyển đổi số giáo dục rất khó và đòi hỏi có nhiều thời gian.

Chuyển đổi số giáo dục đòi hỏi thay đổi đồng bộ trên các phương diện: quản lý số, trường học số, giáo viên số và người học số. Với giáo dục phổ thông, còn thêm điều kiện phụ huynh số.

Chuyển đổi số giáo dục đi tới các mục tiêu lớn, như đổi mới phương pháp dạy, đổi mới phương pháp học, đổi mới đánh giá và thi cử… Qua đó đào tạo được công dân số và người lao động đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chuyển đổi số giúp tạo sự bình đẳng trong giáo dục, cho phép nâng cao chất lượng trong điều kiện cơ sở vật chất trường lớp chưa tốt, cho phép thầy trò ở những xã nghèo, vùng xa được tiếp cận dịch vụ giáo dục chất lượng cao… Ví dụ, qua các ứng dụng học ngoại ngữ, thầy trò các xã khó khăn được dạy và học tiếng Anh như các bạn ở thành phố.

Vừa qua, chúng ta có các tiết học cô giảng, trò học trực tuyến. Ðây là bước tiến trong phòng chống dịch Covid-19. Nhưng đó mới dừng lại ở giảng bài trực tuyến chứ chưa phải là dạy học trực tuyến. Học trò và cô giáo rất mệt mỏi và vất vả, hiệu quả không cao.

Ðổi mới phương pháp đòi hỏi phải cấu trúc lại giáo án, cấu trúc lại bài giảng, cấu trúc lại thời lượng nghe giảng và thời lượng tự học, thay đổi phương thức thảo luận nhóm trực tiếp sang thảo luận nhóm Online. Thay đổi phương pháp quản lý người học dựa trên công nghệ, thay đổi từ đánh giá định kỳ sang đánh giá thường xuyên, thay đổi từ học trên lớp sang học mọi lúc, mọi nơi theo tiến độ… Quá trình này đòi hỏi phải thay đổi từ quản lý giáo dục đến những thay đổi về phía người dạy, người học và gia đình.

Ðề án chuyển đổi số giáo dục của tỉnh được chúng tôi quan tâm và đặt ra nhiều kỳ vọng. Khó khăn ban đầu đề ra là học sinh thiếu máy tính. Tuy nhiên, khó khăn này không cơ bản do tỉnh và các nhà tài trợ có phương án trang bị điện thoại thông minh cho học sinh nghèo. Khó khăn lớn nhất hiện nay là làm sao để vượt qua được những hạn chế về năng lực số của hiệu trưởng, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Do đó, lộ trình triển khai không thể vội vàng, sốt ruột.

Ứng dụng CNTT rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính giúp tăng sự hài lòng trong Nhân dân và doanh nghiệp.

- Thời gian tới, Cà Mau xác định mục tiêu hướng đến của chuyển đổi số ở các lĩnh vực nào, thưa đồng chí?

Ðồng chí Lê Quân: Cà Mau đã xác định gia tăng nhanh chóng tỷ trọng kinh tế biển và kinh tế số trong thời gian tới. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung ưu tiên chuyển đổi số trên một số lĩnh vực, như cải cách hành chính; phát triển nguồn nhân lực; an ninh trật tự; thuỷ sản; lâm nghiệp và du lịch.

Theo đó, Cà Mau sẽ xây dựng nền hành chính phục vụ tận tâm, hiệu quả thông qua các app và nền tảng công nghệ số, đẩy mạnh công tác kết nối người dân, doanh nghiệp và chính quyền, nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp, nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức. Song song đó, đẩy mạnh chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội (tỉnh sẽ xây dựng hệ thống dữ liệu lớn về dân cư, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trẻ em, người cao tuổi, bảo trợ xã hội…).

Mặt khác, chú trọng và phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống dữ liệu lớn về giáo dục - đào tạo, ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục, hướng nghiệp, phân luồng, dạy nghề, đưa người đi lao động ngoài nước…

Ðặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực lâm nghiệp, thuỷ sản. Tạo động lực phát triển chuỗi giá trị thuỷ sản từ quan trắc môi trường, thương mại điện tử đầu vào thuỷ sản, đầu ra, quản lý chất lượng nguồn giống, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu. Cũng như áp dụng hiệu quả công nghệ này trong phòng chống cháy rừng, chứng nhận nguồn gốc xuất xứ rừng trồng.

Ðồng hành với đó là xúc tiến ứng dụng hiệu quả công nghệ số trong quy hoạch, quảng bá và phát triển du lịch Cà Mau xứng tầm với tiềm năng và lợi thế.

- Xin cảm ơn đồng chí!

 

Phong Phú thực hiện

Giải quyết nhanh thủ tục cho người dân

Nỗ lực cải cách hành chính (CCHC), hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, chính quyền xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời tạo được niềm tin trong Nhân dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

Rạch Gốc quyết tâm xây dựng nền hành chính văn minh

Thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) gắn với chuyển đổi số, thị trấn Rạch Gốc đang dồn lực, quyết tâm cao để xây dựng nền hành chính “văn minh”, “hiện đại”, phục vụ tốt nhất cho người dân.

Hoà Mỹ - Hướng dẫn nhiệt tình, giải quyết nhanh gọn

Thời gian qua, UBND xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước nỗ lực thực hiện cải cách hành chính (CCHC), tạo chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Giải quyết toàn trình khi đăng ký, cấp biển số xe lần đầu

Thời gian qua, ngành thuế tích cực đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người nộp thuế (NNT). Trong đó, giải quyết thủ tục khai, nộp lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy đem lại hiệu ứng tích cực.

“Thị sát” bộ phận một cửa

Ðóng vai một người dân đến thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ phận một cửa ở một số xã trên địa bàn tỉnh, thành viên Ðoàn Kiểm tra cải cách hành chính (CCHC) tỉnh đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong thái độ tiếp công dân của công chức. Cũng từ những chuyến “thị sát” thực tế này đã ghi nhận nhiều hạn chế nhất định.

Cải cách mạnh mẽ nền hành chính ở cơ sở

Là nơi trực tiếp làm việc với công dân, chính quyền cơ sở (xã, phường, thị trấn) trên địa bàn tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc xây dựng chính quyền gần dân, vì dân được thể hiện rõ nét trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ, gần dân và sát dân.

Ðem lợi ích đến người dân

Thời gian qua, để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, huyện Ðầm Dơi không chỉ rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) mà còn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hoá phương thức chỉ đạo, điều hành và tiếp nhận, giải quyết TTHC, tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến.

Nỗ lực dỡ rào cản “Chi phí không chính thức”

Ðược đánh giá là chỉ số nhạy cảm nhất trong 10 chỉ số thành phần cấu thành Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số “Chi phí không chính thức” của tỉnh Cà Mau trong năm qua mặc dù ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vấn đề cải thiện đối với chỉ số này vẫn còn chậm so với mục tiêu đề ra.

Rõ người, rõ việc, rõ thời gian

“Việc cải cách hành chính (CCHC) cần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm... để dễ kiểm tra, dễ đánh giá, dễ thúc đẩy, khơi thông nguồn lực đất nước”, đây là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại nhiều lần trong các cuộc họp liên quan đến công tác CCHC với các địa phương.

Gỡ “điểm nghẽn” trong đào tạo lao động

Ðứng vị trí 52/63 tỉnh, thành cả nước, Chỉ số thành phần Ðào tạo lao động trong Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Cà Mau được đánh giá còn nhiều hạn chế, tiêu cực. Trong đó, nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ về công tác đào tạo lao động, tuyển dụng lao động, chất lượng lao động qua đào tạo, hướng đến cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).