(CMO) Rừng phòng hộ bảo vệ đê biển. Ðê biển bảo vệ đời sống và sản xuất của người dân. Tuy nhiên, trên 10 năm qua, trước tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu (BÐKH), một diện tích rất lớn đất ven biển và rừng phòng hộ ở Cà Mau đã bị sóng biển cuốn trôi.
“Trên giấy thì chúng ta còn rừng, nhưng trên thực tế thì sóng biển đã đánh tan”. |
Ðối với tuyến biển Tây, dù có hình thành đê biển, nhưng bức tường thành cuối cùng này đã trở nên khá mong manh, liên tục phải công bố tình huống khẩn cấp để hộ đê, nhất là vào mùa mưa bão, khi mà đai rừng đã và đang tiếp tục mất đi.
Cây rừng phòng hộ tại một vị trí trên bờ biển Tây Cà Mau đang chết dần. |
Tham vấn tại Hội nghị sơ kết sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ÐBSCL thích ứng với BÐKH vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân khẳng định: “Trên giấy thì chúng ta còn rừng, nhưng trên thực tế thì sóng biển đã đánh tan”.
Ðã qua, nhiều giải pháp giữ rừng, giữ đất, nhưng với cách tiếp cận cũ về cơ chế quản lý lâm nghiệp, cùng với đó là nguồn đầu tư công nhỏ giọt, phải trên 40 năm nữa mới có thể hoàn thiện hệ thống đê, kè ven biển, trong khi mỗi năm Cà Mau phải mất đi từ 450 ha đất ven biển, diện tích rừng phòng hộ.
Mọi sự cố gắng giữ đất đã bất thành. |
Ðai rừng phòng hộ ở Cà Mau trước năm 2009 có bề dày từ 500 m đến trên 1.000 m ra biển và ngày càng lấn biển vì sự bồi lắng của phù sa, nhưng nay một vài nơi chỉ còn sót lại những thân cây cuối cùng. |
Giữ đất vốn đã hụt hơi, mong chi giữ được rừng. Trong cuộc chiến này, Cà Mau luôn bị động, chỉ là lở đến đâu thì kè đến đó theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Cần có tư duy mới, phù hợp với thực tế diễn tiến của BÐKH, hành động quyết liệt và trách nhiệm, một cách kịp thời dù thực sự đã muộn./.
Trần Nguyên thực hiện