Mùa mưa đến cũng là thời điểm thường xảy ra sạt lở. Để giảm thiểu những nguy cơ, tác động trực tiếp từ thực trạng này, có rất nhiều mô hình, giải pháp được các ngành chức năng, người dân đưa ra. Trong đó, trồng mắm chống sạt lở được cho là hiệu quả mang lại nhiều hiệu ứng tích cực.
Mùa mưa đến cũng là thời điểm thường xảy ra sạt lở. Để giảm thiểu những nguy cơ, tác động trực tiếp từ thực trạng này, có rất nhiều mô hình, giải pháp được các ngành chức năng, người dân đưa ra. Trong đó, trồng mắm chống sạt lở được cho là hiệu quả mang lại nhiều hiệu ứng tích cực.
Huyện Ðầm Dơi là một trong những địa phương được đánh giá có nguy cơ sạt lở rất cao. Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ðầm Dơi Nguyễn Quốc Thống cho biết: “Với địa thế sông ngòi chằng chịt, cùng với mức thuỷ triều chênh lệch rất cao, dòng chảy mạnh trong khi thổ nhưỡng lại không rắn chắc nên dễ xảy ra sạt lở. Nhưng từ khi phát động mô hình trồng mắm chống sạt lở, tỷ lệ sạt lở ven sông giảm đi rất nhiều”.
Dọc bờ kinh Lung Sình, ấp Tân Hoà, xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi có rất nhiều hàng mắm được trồng ven sông để chống sạt lở. |
Xuất phát từ ý tưởng của Liên đoàn Lao động huyện, năm 2009, những mô hình trồng mắm ven sông đầu tiên được nhen nhóm hình thành. Bằng cách vận động công đoàn cơ sở các đơn vị xã, trường học trồng tại trụ sở rồi mở rộng sang các khu vực khác. Ðến nay, có hơn 10.000 m lộ ven sông được trồng mắm và cho hiệu quả thiết thực. Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Ðầm Dơi Nguyễn Văn Thẩm tâm đắc: “Sau khi phát động phong trào được các đoàn thể đồng tình rất cao. Mô hình đã chính thức được huyện công nhận công trình mang tên công đoàn và được công nhận trong Hội thi Sáng tạo Khoa học - Kỹ thuật tỉnh Cà Mau”.
Ði dọc tuyến lộ xe về xã Trần Phán sẽ bắt gặp hình ảnh những cây mắm đang “bám đất giữ bờ” cho con lộ thêm chắc chắn. Ông Trần Văn Hùng, ấp Chà Là, xã Trần Phán, khoe: “Trước đây, khu vực này bị sạt lở rất nhiều. Con lộ cũ trước đây đã nằm dưới sông cũng vì sạt lở. Nhưng cũng nhờ những cây mắm mà con lộ mới có thể giữ nguyên hiện trạng đến bây giờ”.
Thay vào những cây cừ, cây tràm cặm tạm, giờ đây, dọc theo nhiều tuyến sông của Ðầm Dơi, những hàng mắm được dân tự tay trồng xanh mướt. Anh Trần Quốc Tuấn, ấp Tân Hoà, phấn khởi: “Ở đây bà con ý thức lắm, mỗi nhà đều tự trồng 1 hàng mắm để chống sạt lở. Bởi hiện nay xói lở ngày càng nhiều. Gia đình trồng mắm vào năm rồi giờ đã cao 5-6 tấc, khi con lộ được xây dựng thì mắm cũng đã lớn, chắc chắn sẽ giữ được lộ không bị sạt lở nữa”.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng mắm, anh Tuấn bộc bạch: “Ðể có hàng mắm như ngày hôm nay, gia đình phải trồng giặm nhiều lần. Ðể chắc chắn và tránh hao hụt, nên trồng bằng trái mắm sẽ cho tỷ lệ sống cao hơn. Nếu trồng bằng cây mắm rất dễ bị chết vì nó không bám rễ được”.
Cây mắm đã và đang là giải pháp hữu hiệu để chống sạt lở ven sông. Bởi ít tốn công cũng không tốn kém quá nhiều chi phí như bờ kè. Trong khi đời sống của người dân còn khó khăn, muốn làm được bờ kè không phải chuyện dễ dàng. Tuy nhiên, mô hình này chỉ có thể áp dụng ở những khu vực có bãi bồi, những nơi có dòng chảy chậm./.
Bài và ảnh: Ðào Hồng