Theo số liệu thống kê của Bộ TT&TT, từ khi thành lập vào năm 2021 đến nay, hằng năm, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam tiếp nhận và xử lý hàng ngàn tin giả, tin sai sự thật, dán nhãn tin giả và công bố công khai trên website www.tingia.gov.vn, bước đầu tạo được niềm tin trong Nhân dân.
- 40 tác phẩm xuất sắc đạt giải Cuộc thi chính luận Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Phát huy hệ thống chính trị cơ sở bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Lễ trao giải Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ tư năm 2024
- Tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tại tỉnh Cà Mau
Đối với địa phương, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, Sở TT&TT Cà Mau tham mưu lãnh đạo tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức tuân thủ quy định khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng. Ðồng thời, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân, để kịp thời nắm bắt, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng, tác động của các luồng thông tin xấu độc từ các thế lực chống phá.
Bên cạnh đó, Sở tham mưu UBND tỉnh thành lập Kênh quảng bá tỉnh Cà Mau trên các nền tảng mạng xã hội: Facebook, YouTube và Zalo, cập nhật kịp thời các thông tin chỉ đạo, điều hành của tỉnh để người dân theo dõi.
Tranh: Kiều Loan
Tính đến thời điểm hiện tại, Fanpage Cà Mau thu hút 235.857 lượt theo dõi, 226.589 lượt yêu thích, 1.566.892 triệu lượt tiếp cận, tương tác, chia sẻ; Zalo page Cà Mau thu hút 8.880 lượt quan tâm, 1.577 lượt đăng bài viết; 261.746 lượt xem, 11.028 lượt tương tác; kênh YouTube Cà Mau thu hút 3.119 lượt đăng ký, 55.110 lượt xem.
Thời gian qua, các kênh này đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, đấu tranh phản bác, ngăn chặn sự phát tán các thông tin xấu độc, nhất là thời kỳ diễn ra đại dịch Covid-19, Ðại hội Ðảng lần thứ XIII, Bầu cử đại biểu Quốc hội và HÐND các cấp.
Ngoài ra, Sở thành lập Tổ 35 để theo dõi, thường xuyên rà soát trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội, nhằm sớm phát hiện thông tin xấu độc, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan để ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Những năm qua, hoạt động của Tổ 35 gặt hái kết quả tích cực, số trường hợp vi phạm bị xử lý giảm đều qua các năm. Cụ thể: Năm 2021, phát hiện và ngăn chặn 145 bài đăng vi phạm trên Facebook với số lượt bình luận, chia sẻ là 41,140 lượt; gỡ bỏ hơn 400 tin, bài; phối hợp với Thanh tra Sở và đơn vị có liên quan xử phạt 18 tài khoản trên Facebook với tổng số tiền xử phạt là 149,5 triệu đồng. Năm 2022, phát hiện và ngăn chặn 52 tài khoản trên Facebook; phối hợp xử phạt tổng số tiền là 62,5 triệu đồng. Năm 2023, phát hiện và ngăn chặn 22 tài khoản trên Facebook; phối hợp xử phạt tổng số tiền 45 triệu đồng.
Ðể đạt được kết quả tích cực nêu trên, Sở chỉ đạo tổ chuyên môn và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp:
Thứ nhất, thành lập và cơ cấu thành viên Tổ 35 là những công chức, viên chức nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ; am hiểu sâu về Internet và đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội.
Thứ hai, nhận diện và phân loại nhóm các đối tượng vi phạm để áp dụng biện pháp đấu tranh, ngăn chặn phù hợp. Có hai nhóm chính: nhóm thực hiện các âm mưu, thủ đoạn chống phá Ðảng và Nhà nước của các thế lực thù địch trong và ngoài nước; nhóm vi phạm do thiếu hiểu biết hoặc cố tình vi phạm vì lợi ích cá nhân, tổ chức. Ðối với nhóm thứ nhất, lập danh sách theo dõi và đấu tranh lâu dài, kết hợp với cơ quan chuyên môn của Bộ để khoá tài khoản vi phạm. Với nhóm thứ hai, thực hiện tuyên truyền để đối tượng vi phạm hiểu và tự giác tháo gỡ nội dung vi phạm, yêu cầu viết cam kết không tái phạm. Ðối với các trường hợp cố tình vi phạm, tiến hành xử phạt theo quy định.
Thứ ba, xác định thời điểm các đối tượng vi phạm tăng cường các hoạt động chống phá. Thực tiễn cho thấy, các hoạt động này thường tập trung vào thời điểm tổ chức sự kiện, kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm; trước, trong và sau các kỳ đại hội Ðảng, Hội nghị Trung ương, các kỳ họp Quốc hội, HÐND các cấp; sự kiện các điểm nóng; các sự kiện nổi bật trong nước, quốc tế liên quan đến tình hình chính trị, an ninh, quốc phòng. Từ đó, bộ phận chuyên môn tăng cường theo dõi, rà soát để sớm phát hiện, xử lý.
Thứ tư, xác định rõ các nền tảng chủ yếu mà đối tượng vi phạm tập trung khai thác, hướng đến. Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, các nền tảng mạng xã hội đã được chúng tập trung khai thác để phát tán thông tin xấu độc: Facebook, YouTube, TikTok, Instagram, LinkedIn và Twitter. Trong đó, Facebook, YouTube và TikTok được đối tượng vi phạm khai thác nhiều nhất do dễ tạo lập tài khoản, dễ ẩn danh, lượng người tham gia lớn, phạm vi phát tán rộng, nội dung phong phú, đa dạng, thu hút nhiều người tham gia.
Thứ năm, xác định cách thức khai thác, phát tán thông tin xấu, độc của đối tượng vi phạm. Thông thường, sau khi thu thập được thông tin liên quan đến các sự kiện mà dư luận đang quan tâm, các đối tượng điều chỉnh, bóp méo sự thật, bịa đặt thông tin dễ gây bức xúc trong xã hội. Tiếp theo, tiến hành phát tán thông qua các hình thức: đăng tải trên các nhóm, Fanpage có nhiều lượt theo dõi; sử dụng các gói dịch vụ chạy quảng cáo để tăng lượt người tiếp cận; sử dụng công nghệ để thiết kế các đoạn video clip và lồng ghép hình ảnh các phát thanh viên nổi tiếng, logo của các cơ quan báo chí để tạo lòng tin cho người xem.
Thứ sáu, lựa chọn giải pháp, công nghệ phù hợp để phản bác thông tin xấu, độc. Trong đó, ưu tiên sử dụng các biện pháp tương tự mà đối tượng vi phạm thực hiện để phản bác lại các lực lượng chống phá. Ðối với các đối tượng vi phạm không nhằm mục tiêu xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, tiến hành áp dụng các biện pháp theo trình tự tuyên truyền, giáo dục, cam kết và cuối cùng là xử phạt nếu tái phạm hoặc cố ý không tuân thủ pháp luật.
Thứ bảy, phối hợp cùng các cơ quan báo, đài đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân đặc biệt là người dùng mạng xã hội nhận diện được tin giả, tin xấu độc; các phương thức, thủ đoạn mà đối tượng vi phạm thường sử dụng. Ðồng thời, giúp người dùng tránh trường hợp vô tình trở thành lực lượng phát tán thông tin xấu, độc cho đối tượng vi phạm thông qua các hoạt động chia sẻ, bình luận trên các nội dung đăng tải.
Thứ tám, sử dụng các kênh quảng bá của tỉnh kết hợp với các cơ quan báo chí công khai kết quả xử lý các trường hợp vi phạm để giáo dục, răn đe và hạn chế các hành vi vi phạm của người dùng trên không gian mạng. Từng bước hướng người dùng mạng xã hội thành lực lượng tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch./.
Lâm Thành Thép