ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 23-11-24 15:11:28
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Trường Sa - Hải trình thiêng liêng

Báo Cà Mau Những ngày cận kề Tết Giáp Thìn 2024, phóng viên báo Cà Mau vinh dự tham gia đoàn công tác thăm, chúc Tết quân và dân quần đảo Trường Sa. Vượt qua muôn trùng sóng gió, Trường Sa hiện ra hùng vĩ, tươi đẹp, yên bình giữa biển Ðông Tổ quốc. Trong chuyến hải trình đầy ắp kỷ niệm, dạt dào cảm xúc và vô cùng ý nghĩa này, những người con từ mảnh đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đã cố gắng ghi lại thật nhiều hình ảnh, câu chuyện về Trường Sa thân yêu. Nơi đó có những người chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam ngày đêm chắc tay súng, coi đảo là nhà, biển cả là quê hương, nguyện hiến dâng đời mình vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, vì sự trường tồn của cơ đồ Tổ quốc Việt Nam.

Bài 1: “Mái nhà” 571

Trước khi đoàn công tác khởi hành từ Quân cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà, Ðại tá Nguyễn Hữu Minh, Phó chính uỷ Vùng 4 Hải quân đã lưu ý rằng: “Những người tham gia hải trình lần này phải chuẩn bị chu đáo mọi mặt, nhất là về sức khoẻ, chấp hành nghiêm quy định của đoàn công tác để đảm bảo an toàn tuyệt đối, bởi mùa cuối năm biển có gió to, sóng lớn. Càng ý nghĩa hơn khi đoàn công tác sẽ mang hương vị, tình cảm từ đất liền để cho cái Tết của quân và dân ở biển đảo Trường Sa thêm đủ đầy, ấm áp”.

Gần 50 anh em phóng viên được “biên chế” ở tàu Trường Sa 571, đây cùng là mái nhà chung của tất cả mọi người trong những ngày đến với Trường Sa thân yêu.

“Mái nhà” 571 giữa trùng khơi biển cả Trường Sa. Ảnh: QUỐC RIN

Những kỷ niệm khó quên

Rời vịnh Cam Ranh, các thành viên đoàn công tác bắt đầu cảm nhận được sự khắc nghiệt của sóng gió biển khơi. Dù mọi người đã chuẩn bị đủ các loại thuốc men và cả những kinh nghiệm chống say sóng nhưng cảm giác nôn nao, chếnh choáng khiến đa phần đều thấm mệt.

Ðến bữa ăn thứ 2 trên tàu, kiểm đi, đếm lại chỉ có 7 anh em phóng viên còn trụ vững. Ðêm đầu tiên hải trình, những cơn dông biển quần thảo liên hồi, Tàu 571 tròng trành, cả những anh em phóng viên đã nhiều lần tác nghiệp ở Trường Sa như Nhà báo Nguyễn Phước Minh Tuệ, Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Khánh Hoà, cũng thở dốc: “Chuyến này sóng gió dữ quá, mình cũng nằm bẹp, ăn không nổi luôn!”.

An toàn tuyệt đối là mệnh lệnh của lãnh đạo đoàn công tác và các lực lượng trên tàu 571

Sáng hôm sau, toàn tàu thông báo: “Do dông gió, chuồng heo trên Tàu 571 đã sập, đề nghị các lực lượng hỗ trợ việc dựng lại chuồng heo”. Ðại uý Lê Vũ Nhâm, Chính trị viên Tàu 571, cho biết: “Sóng gió kiểu này thì 10 người hết 9 người say, kể cả những người dày dạn kinh nghiệm đi biển nhất”. Những "chú heo" ngơ ngác chạy khắp boong tàu, bầu trời, mặt biển xám xịt, sóng tung ngọn bạc đầu. Rất may, “quân số” của bầy heo vẫn nguyên vẹn. Bữa sáng, đội phục vụ Tàu 571 chuẩn bị cháo cho đoàn công tác, cũng chỉ có vài người vừa húp cháo tay vừa vịn nồi vì sóng gió xô lệch.

Ðại uý Ðỗ Văn Công, tham gia tổ phục vụ Tàu 571, chia sẻ: “Sóng to quá, nhiều người không ăn được cơm, tổ phải nấu cháo. Vừa nấu xong thì sóng đánh lật, nồi cháo đổ hết, có đồng chí bị bỏng, nhưng vẫn phải nấu lại”. Phần lớn thành viên đều nằm tại giường, tổ phục vụ cắt cử người mang cháo đến tận nơi.

Chú Nguyễn Mạnh Hùng, 72 tuổi, thành viên cao niên nhất đoàn công tác thuộc Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh, vừa ăn cháo vừa rưng rưng nước mắt: “Nhìn thấy bộ đội bưng cháo đi liêu xiêu, tôi thấy thương anh em đứt ruột. Càng cảm nhận được tình cảm, sự chu đáo và quyết tâm vượt mọi khó khăn để chăm lo cho thành viên đoàn của anh em Tàu 571. Ðã lên tàu thì tất cả chúng ta là một gia đình”.

Các chị em phóng viên trên Tàu 571 được quan tâm chăm sóc đặc biệt. Tổ phục vụ luộc khoai lang, loại thực phẩm lót dạ, chống say sóng “thần kỳ” của những người đi biển. Chị Ðặng Thị Phương Hoa, Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang, người có kinh nghiệm nhiều nhất cổ vũ: “Phía trước chúng ta là Trường Sa thân yêu. Mệt nhất là những ngày đầu trên biển, sau đó sẽ khoẻ lại ngay thôi. Mọi người cố lên!”.

Và khi đảo Song Tử Tây hiện ra trước mặt. Toàn bộ đoàn công tác dồn về phía boong tàu. Trường Sa đây rồi! Ðã ở ngay trước mắt mọi người rồi!

Tổ phục vụ trên Tàu 571 chăm lo chu đáo cho đoàn công tác xuyên suốt, tận tâm trong suốt hành trình. Ảnh: QUỐC RIN

Chạm vào Trường Sa

Tàu 571 neo lại. Sóng gió vẫn liên hồi. Ðoàn công tác tính toán phương án an toàn nhất để cho đoàn công tác lên đảo Song Tử Tây. Trung tá Bùi Văn Quê, Phó chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải Quân, cho biết: “Năm rồi, đoàn công tác không thể lên được đảo Song Tử Tây vì điều kiện thời tiết sóng gió. Năm nay, quyết tâm để đoàn công tác lên đảo thăm, chúc Tết quân và dân trên đảo”.

2 chuyến xuồng vào bờ, chúng tôi chuẩn bị kỹ càng để lên chuyến tiếp theo thì có lệnh tất cả dừng lại, chờ điều kiện thời tiết tốt lên. 13 anh em phóng viên chưa lên đảo phải ở lại tàu, cứ trằn trọc, đau đáu hướng mắt về phía đảo.

Để vào các đảo, đoàn công tác phải di chuyển bằng các xuồng nhỏ trong điều kiện sóng gió cuối năm.

Nhật ký của tôi ghi: “Ðảo Song Tử Tây đã hiện ra trước mắt rồi, vậy mà chưa thể lên đảo cùng mọi người. Ăn cũng không thấy ngon, ngủ cũng không yên, cứ nhấp nhổm ra mũi tàu ngóng vào đảo. Có khi nào mình cùng hơn 10 anh em kẹt lại không lên được? Vậy thì tiếc nuối lắm, buồn lắm. Nhưng vì sự an toàn, biết làm sao hơn. Mong sao sóng gió êm hơn để được cùng đồng nghiệp lên đảo”.

Sau 2 đêm trên tàu, chúng tôi nhận được lệnh hành quân vào đảo từ Trung tá Bùi Văn Quê. Tất cả các thiết bị máy móc gọn nhẹ, cơ động, được nai buộc cẩn thận trong túi chống nước được cấp. Tôi bước chân mình xuống bờ cát của Song Tử Tây, lần đầu tiên trong đời được chạm vào Trường Sa bằng xương, bằng thịt. Từng ánh mắt, mặt người, cái nắm tay mạnh chắc khiến mọi khó khăn, nhọc nhằn tan biến đâu mất. Chúng tôi hoà mình vào với nhịp sống của đảo Song Tử Tây bằng tất cả sự háo hức, yêu thương.

Trung tá Bùi Văn Quê, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải Quân quán triệt một số quy định cho thành viên đoàn công tác.

Thượng tá Nguyễn Văn Thọ, Phó Lữ đoàn Trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác, chia sẻ với mọi người rằng: “Ðảo Song Tử Tây là một trong những đảo đẹp nhất, xanh nhất ở Trường Sa. Nơi đây ngoài các lực lượng bộ đội còn có chùa chiềng, có người dân, có UBND xã, có trường học. Nhịp sống của Song Tử Tây giờ đây không còn cách biệt với đất liền. Ðời sống của bộ đội và Nhân dân đã được cải thiện vượt bậc so với trước. Nói về Trường Sa bây giờ là nói về vùng biển đảo trù phú, xinh đẹp, bình yên!”.

Thành viên đoàn công tác được quán triệt đầy đủ, cẩn thận các nguyên tắc tác nghiệp trên đảo. Anh em phóng viên cùng chia sẻ, phân công nhiệm vụ tác nghiệp. Hương vị của Tết Trường Sa đã thật nồng, thật đượm trong tình nghĩa son sắt, yêu thương của quân dân trên đảo và những người làm báo đến từ mọi miền Tổ quốc./.

 

Bài 2: Song Tử Tây tươi đẹp

Ghi chép của Phạm Quốc Rin

 

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài cuối: Thầm lặng việc thiện nguyện

Gương mặt đôn hậu, nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi là điều dễ tạo thiện cảm với bất cứ ai khi gặp cô Phạm Thị Ngọc Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Phường 6/2, TP Cà Mau. Nhiều năm duy trì “Tủ bánh mì yêu thương”, lặng thầm trao hàng trăm món quà thiết thực tới những hoàn cảnh kém may mắn, cô Thảo cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được sẻ chia.

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài 2: Người gieo hạnh phúc

Mỗi ngày trôi qua, trên khắp quê hương Cà Mau xuất hiện nhiều tấm gương bình dị mà cao quý. Ðó là câu chuyện của người phụ nữ vượt qua nỗi đau của bản thân để dìu dắt những người khuyết tật hoà nhập cộng đồng, là câu chuyện của những cựu chiến binh giàu nghĩa cử cao đẹp... Họ thầm lặng đóng góp cho đời, gieo hạt giống yêu thương, điểm tô cho cuộc sống thêm những gam màu tươi sáng.

Tô thắm vườn hoa tử tế

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường nói, xã hội ta có rất nhiều những tấm gương người tốt, việc tốt. Họ có mặt khắp nơi, đó là những bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp. Ðiều đó được minh chứng ở Cà Mau, nơi tình đất - tình người bền chặt thuỷ chung, sâu nặng nghĩa tình. Trong hành trình phát triển quê hương, bằng những việc làm trượng nghĩa, người Cà Mau đã tô thắm thêm vườn hoa tử tế, làm lay động bao trái tim và lan toả giá trị sống tốt đẹp.

Cửa Lớn mở tương lai

Những năm 1990 của thế kỷ trước, mỗi dịp nghỉ hè, tôi lại được theo ghe bán hàng bông của ba má, xuôi ngược từ xứ ngọt Trần Văn Thời về đất mặn Ngọc Hiển xa xôi và lạ lẫm.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài cuối: Bàn về giải pháp

Thực tiễn công tác xây dựng đội ngũ người hoạt động ở ấp, khóm kế cận ở Cà Mau đầy sinh động, với nhiều cách làm hay, kinh nghiệm hữu ích. Bằng việc kết nối, đảm bảo tính kế thừa để phát huy tối đa những ưu điểm, bổ trợ những hạn chế giữa các thế hệ; đội ngũ này vừa ổn định vừa có những điểm sáng đột phá gắn với xu hướng trẻ hoá, chuẩn hoá. Bên cạnh đó, sự phát triển khởi sắc của tỉnh nhà cũng đang tạo ra môi trường tốt để nhiều người trẻ chọn trở về gắn bó lập thân, lập nghiệp.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài 2: Những tín hiệu tích cực

Năng nổ, nhiệt huyết, nhạy bén và dám nghĩ, dám làm đang là những ghi nhận, đánh giá của các cấp uỷ đảng, chính quyền và Nhân dân khi nói về những người trẻ tuổi hoạt động ở ấp, khóm. Không khí tươi mới với nguồn năng lượng tích cực của đội ngũ trẻ đã thực sự trở thành điểm sáng ở nhiều địa bàn ấp, khóm ở Cà Mau trong hành trình phát triển. Ðó cũng là gợi ý hữu ích để Cà Mau tiếp tục công việc chuẩn hoá, trẻ hoá; tăng cường chất lượng và xây dựng đội ngũ kế thừa đảm đương nhiệm vụ ở khóm, ấp trong bối cảnh hiện nay.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng

Thực tế đã khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm trong việc cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn đời sống. Ðây là cánh tay nối dài của cấp uỷ, chính quyền cơ sở, nơi trực tiếp, sâu sát nhất với Nhân dân. Mọi chuyển động của cấp “cơ sở của cơ sở” sẽ quyết định đến việc thành hay bại của một quyết sách, một chủ trương, một phong trào... gắn với nhiệm vụ chính trị và sự phát triển của từng địa phương.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài cuối: Hướng đến tín dụng "xanh"

Thông qua các khoản vay ưu đãi, nông dân và các hợp tác xã (HTX) có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến, từ đó xây dựng nền tảng cho các mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, tín dụng chính sách (TDCS) không chỉ giới hạn trong việc hỗ trợ sản xuất mà còn mở rộng sang các lĩnh vực quan trọng, như bảo vệ môi trường và phát triển tín dụng xanh.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững

Tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của các nhóm yếu thế và phát triển kinh tế địa phương. Các chính sách đổi mới đã giúp hàng ngàn người tiếp cận vốn hỗ trợ, vượt qua khó khăn và xây dựng sinh kế bền vững. Bên cạnh đó, các hợp tác xã và mô hình nông nghiệp xanh ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương. Nỗ lực đổi mới trong quản lý và triển khai tín dụng đã phá vỡ rào cản, mở ra cánh cửa cho một tương lai phát triển toàn diện.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài 2: Xoá rào cản, mở cửa cơ hội

Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tín dụng chính sách xã hội (CSXH) không chỉ là công cụ hỗ trợ người dân thoát nghèo mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương. Các khoản vay ưu đãi đã tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ khởi nghiệp, mở rộng sản xuất, cải thiện đời sống và đóng góp vào sự phát triển bền vững. Ðặc biệt, CSXH đã hỗ trợ những nhóm yếu thế và các cá nhân chấp hành xong án phạt tù vượt qua rào cản xã hội, tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng và xây dựng cuộc sống mới. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tài chính, tín dụng này đã trở thành nền tảng vững chắc để họ từng bước vươn lên, thay đổi cuộc sống.