Vào khoảng cuối năm 1954, mấy chục căn nhà dọc theo sông Cái Bát (xã Tân Dân, huyện Ðầm Dơi ngày nay) đều có bộ đội đóng quân, riêng căn nhà 3 gian của tôi đủ chứa cả tiểu đội. Các anh di chuyển bằng những chiếc xuồng năm lá, từ Cần Thơ, Vĩnh Long... xuống. Chỉ ít hôm là các anh đi, về đâu tôi chẳng hề biết, chỉ để lại tình cảm quân - dân như cá với nước. Cho đến khi lớn lên, đi làm cách mạng, tôi mới biết Cà Mau là vùng tập kết 200 ngày, vậy là chắc các anh đi về Sông Ðốc để lên tàu tập kết ra Bắc.
Tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc được xây dựng tại thị trấn Sông Ðốc, nơi lưu dấu sự kiện tập kết ra Bắc cách nay 70 năm. Ảnh: HUỲNH LÂM
Cho đến những năm 1960-1964, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra đời, đường Trường Sơn được mở, cách mạng miền Nam đã trực tiếp đương đầu với đội quân nhà nghề của đế quốc Mỹ và một số chư hầu, là lúc các anh trở về với cái tên rất thơ: “Cán bộ mùa thu”. Ðôi dép râu, chiếc mũ tai bèo xuất hiện từ đó.
Cái tên “Cán bộ mùa thu” thì phải đi kèm với chân dung của nó. Phải thừa nhận, thời ấy, ngoài điểm tương đồng chung của người lính Cụ Hồ thì các anh có cái gì đó rất riêng, ngoài khẩu K54, vỏ bao màu da bò láng bóng. Các anh “Cán bộ mùa thu” thuộc khung từ đại đội trở lên, được Bác Hồ trực tiếp giáo dục, rèn luyện ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa nên là thần tượng của các cô gái lúc bấy giờ. Lăn lộn chiến đấu không bao lâu, các anh đã có nơi cập bến.
Từ Sông Ðốc các anh đi. Ông Trần Mười, 94 tuổi, ở ấp Xóm Lớn, xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau), đầu năm 1951 là chiến sĩ Tiểu đoàn 307, có mặt trong chuyến tàu đầu tiên rời bến Sông Ðốc. Ra Sầm Sơn, được đón tiếp nồng nhiệt, cờ hoa và khẩu hiệu. Vinh dự là những đứa con miền Nam đang có mặt trên đất Bắc, ông đã nhận được tình cảm thân thương như đứa con xa trở về. Ăn Tết năm 1955 xong, ổn định chỗ nơi, ông bắt tay vào học tập cải cách ruộng đất.
Ðầu năm 1960, ông cùng 3 đồng đội: Ðồng Văn Ðe, Nguyễn Văn Bảy và Nguyễn Tấn Ðức được chọn học lái máy bay. Qua sàng lọc sức khoẻ, ông và Nguyễn Tấn Ðức bị loại; riêng ông, với lý do có một cái răng bị hư. Ông vinh dự 3 lần được gặp Bác Hồ.
Ðầu năm 1961, ông với quân hàm Thiếu uý, Ðại đội trưởng, Trung đoàn 1, trong đội hình Sư đoàn 338, xuất phát từ Xuân Mai - Hoà Bình, bắt đầu lần xuống Thanh Hoá, Quảng Bình vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Sau 3 tháng đơn vị đã có mặt ở miền Ðông. Mang trong mình chiến tích đánh tàu trên sông Nhị Nguyệt, diệt đồn Hộ Phòng - ánh thép sáng ngời của Trung đội Mã Tấu trong chống thực dân Pháp, năm 1964, ông cùng đồng đội đánh và thắng lớn trận Bình Giã. Trong trận này, ông bị thương gãy lìa ống xương tay phải; trải qua 5 lần hụt chết, ông được xếp thương binh hạng 3/4.
Từ Sông Ðốc các anh đi. Ông Ðặng Bá Chữ (Năm Chữ, sinh năm 1933), năm 1950 là chiến sĩ địa phương quân Long Mỹ - Cần Thơ. Năm 1958, ông là Trung đội trưởng, Trường Pháo binh; năm 1974 là Ðại uý, Tham mưu trưởng Ðoàn 962 (Quân khu 9), gắn liền với đường Hồ Chí Minh trên biển, với di tích lịch sử bến Vàm Lũng anh hùng. Năm 1979, ông là Tham mưu trưởng Tiền phương Minh Hải; năm 1982 là Trung tá, Phó tham mưu trưởng, Phòng Tham mưu Tỉnh đội Minh Hải; năm 1987, được phong hàm Ðại tá.
Từ Sông Ðốc các anh đi. Ông Ðặng Hùng Giỏi (1933-2016), quê ở Thăm Trơi (Trần Hợi - Trần Văn Thời). Năm 1953-1957, ông là chiến sĩ Ðại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 2, Sư đoàn 320; năm 1963 được chuyển ngành sang Xí nghiệp than Cửa Ông - Quảng Ninh. Ðặt chân vào lĩnh vực mới, chàng thanh niên Ðặng Hùng Giỏi luôn học tập, phấn đấu để xứng với cái tên Giỏi của mình, tỏ ra trách nhiệm và vinh dự khi mình là người miền Nam có mặt tại đây. Ngày hiệp thương Tổng tuyển cử đi qua, người thân thuộc, đồng bào miền Nam đang rên siết dưới chế độ độc tài Ngô Ðình Diệm. Chẳng những 2 ngón tay khi từ giã ngày đưa tiễn, nay cả bàn tay cũng chưa có ngày về.
Thương con trai miền Nam trên đất Bắc hiền hậu, lao động giỏi, xa nhà, bà mẹ nuôi của ông đã mai mối với chị Lương Thị Gái, cùng công tác chung ở xí nghiệp, nên duyên vợ chồng. Cửa Ông - Quảng Ninh gắn bó với ông bằng 2 đứa con trai được đặt tên là Giang, Sơn. Cuối năm 1976, ông được chuyển về Ty Xây dựng Minh Hải, đồng thời ngày 20/9/1976, bà Lương Thị Gái cũng được Bộ trưởng Ðiện và Than ký quyết định cho chuyển về Minh Hải theo chồng. Năm 1989, ông là Phó giám đốc Xí nghiệp Liên hiệp Xây dựng tỉnh Minh Hải.
Từ Sông Ðốc các anh đi. Ông Nguyễn Tường Nuôi (1932-2019), chiến sĩ Tiểu đoàn 307, quê ở Giao Vàm (Lợi An - Trần Văn Thời). Qua 70 năm, 2 quyển nhật ký đã rời ra từng trang, đôi chỗ chữ đã nhoà. Từ khi lên chiếc tàu Ác-khăng-ghen của Liên Xô (ngày 5/1/1955), đưa 2 ngón tay chào tạm biệt hẹn 2 năm trở lại đến khi về lại quê nhà với vai Phó ban Quân báo Tỉnh đội Cà Mau ngót 18 năm. Hai quyển nhật ký cũng được ghi chép liền mạch suốt 18 năm ấy - những chặng đường học tập, rèn luyện ở miền Bắc, sang đất Vạn Tượng giúp bạn Lào, vượt Trường Sơn trở về Nam, rồi qua đánh bọn Pôn Pốt ở Campuchia. Những ngày Bắc đêm Nam, ngày Lào đêm Hà Nội, ngày Campuchia đêm Cà Mau đã hiện lên trong từng nhịp thở của thời cuộc, trải lòng với những cảm xúc miên man, đã làm cho anh thêm rắn rỏi, trưởng thành qua từng trang nhật ký. Thấy như anh viết không chỉ dành riêng cho cái sự chơi tao nhã của mình mà cho cả những người lính của một quân đội anh hùng, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu. Ngày 5/10/2024, 2 quyển nhật ký đã được hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh lưu giữ.
Một đời lính 40 năm trong quân ngũ, bước chân qua khắp chiến trường 3 nước Ðông Dương, đánh 35 trận cấp đại đội trở lên với 6 kẻ thù: thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, chư hầu Úc, nguỵ Sài Gòn, nguỵ Lào và Pôn Pốt Campuchia, ông được tặng thưởng 10 huân, huy chương các loại; là thương binh hạng 2/4.
Hàng vạn các anh, các chị từ Sông Ðốc ra đi, một số về với danh xưng “Cán bộ mùa thu” vượt Trường Sơn với phương châm “đi không dấu, nấu không khói”, số về trên con đường Trường Sơn, số về sau cánh cổng dinh Ðộc Lập bị hút đổ.
70 năm chuyến tàu tập kết ra Bắc, mỗi người trong cuộc đều có những kỷ niệm không thể phai mờ trong đời mình, nhiều người đã ngã xuống, yên nghỉ khắp mọi miền Tổ quốc. Ðất Bắc còn là quê hương thứ hai của nhiều chàng trai, cô gái ra đi trong những chuyến tàu ấy. Lịch sử đã để lại những cuộc chia ly và sum họp có một không hai trong cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước./.
Nguyễn Thái Thuận