(CMO) Trong không khí rộn ràng trên quê hương Cà Mau bước vào năm mới, chúng tôi có chuyến về lại xứ rừng tràm U Minh và vùng Ðất Mũi Cà Mau để gặp gỡ bí thư chi bộ, trưởng ấp mà bà con ở 2 địa phương quen gọi là “cán bộ tỷ phú” gần dân.
Bí thư có cơ ngơi “khủng” xứ Ðất Mũi
Đến vùng đất Khai Long, xã Ðất Mũi (huyện Ngọc Hiển) thật sớm để ngắm được bình minh, xem mặt trời ngoi lên từ lòng biển, để nghe nhiều câu chuyện hay về những tỷ phú là bí thư ấp làm giàu chính đáng nhờ chí thú làm ăn, trong đó có ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Chi bộ ấp Khai Long.
Trước khi tìm đến gia đình ông Dũng, tôi được ông Võ Công Trường, Chủ tịch UBND xã Ðất Mũi, giới thiệu: “Ông Dũng làm kinh tế giỏi, khi còn kinh doanh vật liệu xây dựng đạt doanh thu cả trăm triệu đồng/năm. Hiện nay, gia đình ông Dũng chuyển sang nuôi tôm, cua kết hợp trồng rừng, mỗi năm đem lại nguồn thu nhập cao. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Dũng còn là bí thư chi bộ ấp có trách nhiệm, năng nổ, nhiệt tình, công tác rất hiệu quả. Ông luôn sâu sát, nhiệt tình giúp đỡ các đảng viên, tận tâm giải quyết công việc nên được Nhân dân tin tưởng”.
Ấy vậy mà khi gặp mặt, ông Dũng lại khiêm tốn: “Cuộc sống gia đình tôi chỉ đủ ăn, ở ấp Khai Long nói chung, xã Ðất Mũi nói riêng, có nhiều người giỏi hơn tôi!”. Nói vậy, nhưng sau vài câu trao đổi, ông Dũng bắt đầu câu chuyện sản xuất kinh doanh của mình cũng như người dân trong ấp. Ông nói, từ khi chuyển đổi đất chuyên trồng rừng sang nuôi trồng kết hợp tôm, cua, cá… dưới tán rừng và phát triển làm du lịch sinh thái, đến nay đời sống người dân trong ấp đã thay da đổi thịt. Ðiện thắp sáng, lộ bê-tông vào tận xóm, ấp. Một bộ phận người dân khá lên sau những mùa tôm, chuyến biển; từ kinh doanh dịch vụ, du lịch sinh thái..., nhiều hộ có thu nhập ổn định. Nếu tính sơ bộ xã Ðất Mũi nói chung, ấp Khai Long nói riêng, nhiều hộ được xếp vào hàng giàu có. Bí thư Dũng là một minh chứng cho phong trào cán bộ, Nhân dân thi đua làm giàu từ sản xuất, mua bán, kinh doanh và nuôi thuỷ sản.
Ông Nguyễn Văn Dũng bên ngôi nhà khang trang nơi đất rừng Khai Long - Ðất Mũi. |
Ngoài sản xuất, kinh doanh giỏi để làm giàu chính đáng, ông Dũng tích luỹ nhiều năm liền để xây dựng cơ ngơi “khủng” trên phần đất của mình, trị giá hơn tỷ đồng. Với vai trò bí thư chi bộ, đảng viên gương mẫu, ông Dũng làm tốt việc vận động quần chúng thực hiện chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là khai thác hiệu quả tài nguyên biển và tham gia tích cực công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Những năm trước, Khai Long là ấp có tỷ lệ hộ nghèo cao trong xã Ðất Mũi. Cuộc sống của bà con chủ yếu làm nghề biển, rất bấp bênh. Tình trạng khai thác nguồn lợi thuỷ sản ven bờ diễn ra hết sức phức tạp, đặt ra trách nhiệm nặng nề đối với chính quyền địa phương cũng như Bí thư Chi bộ ấp Khai Long Nguyễn Văn Dũng. Vậy là, theo định kỳ sinh hoạt tại trụ sở văn hoá ấp, người ta còn thấy ông bí thư len lỏi từ rừng đước ra từng xóm nhà ven cửa sông, cửa biển để vận động bà con khai thác và nuôi thuỷ sản hiệu quả, phát huy tài nguyên rừng, biển để phát triển kinh tế gia đình hợp pháp và bền vững. Ðồng thời, hướng dẫn và giúp đỡ hộ nghèo cách làm ăn để phát triển kinh tế. Nhờ làm tốt công tác vận động mà tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Khai Long ổn định, bà con chí thú làm ăn, từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống…
Trưởng ấp cùng dân làm giàu
Tạm biệt ông Dũng, chúng tôi về xứ sở hương tràm U Minh mùa mật ngọt, ghé thăm "tỷ phú chân đất" - Trưởng ấp 12, xã Khánh Lâm, ông Phan Văn Quang. Ông Quang có gương mặt sạm đen rất nông dân và đôi bàn tay chân chai sần vì lao động. “Vừa xong vụ cây tràm giống lãi hơn 100 triệu đồng; 70 ha rừng tràm đến vụ khai thác, cầm chắc vài trăm triệu đồng, ông phấn khởi khoe”.
Ông Phan Văn Quang bên cánh rừng tràm bạt ngàn đến ngày khai thác. |
Không chỉ kinh doanh tràm giống, ông Quang còn kê liếp trồng rừng thâm canh, chăn nuôi gia súc để tăng thu nhập. Ðồng thời, ông tích cực hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật trồng rừng cho những hộ khó khăn trong ấp.
Những ngày này, bà con đang khẩn trương cải tạo liếp vườn, bờ bao chuẩn bị cho vụ rau màu Tết. Trong tiết trời ấm áp của mùa xuân, không khí lao động sản xuất ở nơi đây thật nhộn nhịp, sôi động. Ông Phan Văn Quang cho biết: “Bây giờ, chuyện các hộ dân sống trên đất rừng U Minh này thành tỷ phú không còn hiếm, chỉ cần trúng vài mùa rừng, lúa, mật ong, cây ăn trái là có tiền trăm triệu trong tay, lâu ngày tích tiểu thành đại".
Ấp 12 tuy là vùng đất rừng hoang hoá mới được cải tạo bởi con kênh thuỷ lợi dẫn nước xổ phèn ra biển Tây, nên mọi người quyết tâm chinh phục đất đai để phát triển sản xuất. Cán bộ, đảng viên và mỗi người dân trong ấp luôn ý thức trách nhiệm rất cao về việc xây dựng và giữ gìn danh hiệu ấp văn hoá, ấp nông thôn mới; các tổ, hội trong ấp luôn ra sức xây dựng làng quê, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp.
Nhìn lại quãng thời gian hơn 30 năm gắn bó với xứ rừng U Minh, ông Quang bộc bạch: “Ngày mới đến Khánh Lâm lập nghiệp, ở đây không có kênh thuỷ lợi, không lộ làng, điện, nước ngọt…, tôi chỉ mong sao cuộc sống đỡ vất vả chứ đâu nghĩ sẽ có được cơ ngơi, sự nghiệp như hôm nay”. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Quang còn là trưởng ấp được người dân địa phương tín nhiệm. Qua 3 nhiệm kỳ làm Trưởng ấp 12, ông Quang luôn gắn bó với bà con, kịp thời triển khai, phổ biến chủ trương, chính sách của cấp trên về công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đất Khánh Lâm.
Với phong thái nhanh nhẹn, cách nói chuyện gần gũi, chân chất, luôn hết mình vì công việc chung, ông Quang đã chinh phục được người dân vùng rừng tràm bằng sự tin tưởng, mến mộ. Ông luôn tâm niệm, ngoài việc làm giàu cho bản thân, gia đình, với vai trò là đảng viên, ông phải có trách nhiệm với xã hội, cùng tham gia gánh vác công việc chung để giúp đỡ những hộ hoàn cảnh khó khăn, gia đình không may mắn, nhất là trong thời buổi dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp. “Bà con tín nhiệm bầu tôi làm trưởng ấp thì phải nỗ lực, phấn đấu hoàn thành công việc được giao, nhất là vận động mọi người, mọi nhà vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa chung tay phòng, chống dịch Covid-19”, ông Quang tâm sự.
Không khí ấm áp của tiết trời xuân ánh trên nét mặt, nụ cười hiền hậu, chân chất của người dân Khánh Lâm vừa trúng đậm mùa thu hoạch tràm, cây ăn trái... khiến tôi càng thêm vui, yêu mến cuộc sống thanh bình, trù phú của xứ sở có cánh rừng đước bạt ngàn Ðất Mũi Cà Mau và vùng quê U Minh thơm ngát hương tràm, những nơi ấy mùa xuân đang hiện hữu./.
Huỳnh Lâm