(CMO) Năm nay, vùng chuyên canh dưa hấu xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau xuống giống vụ dưa phục vụ Tết Nguyên đán được 73 ha, tăng 13 ha so với năm trước. Vùng xuống giống tập trung chủ yếu ở các ấp: Thạnh Điền, Bào Sơn, Bà Điều và ấp Chánh.
Nhiều thuận lợi
Năm nay, những giống dưa được người dân đưa vào canh tác như Hương nông, Trung nông, An Tiêm, dưa vỏ vàng, dưa Mỹ, dưa hạt lép, không hạt, đây là những giống dưa cho năng suất và chất lượng cao. Đồng thời, người dân cũng sử dụng màng phủ sinh học để hạn chế cỏ dại và giảm chi phí công tưới nước, giúp dưa hấu phát triển tốt hơn.
Có kinh nghiệm trồng dưa hấu hơn 20 năm, là một trong những người tiên phong trồng dưa hấu tại địa phương, ông Lê Văn Thanh (ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm) chia sẻ: “Trồng dưa hấu đươc xem là nghề "hốt bạc" dịp Tết vì điều kiện đất đai ở đây phù hợp với loại dưa này. Vài năm trở lại đây, dưa hấu đem lại lợi nhuận khá cao, nhất là vào dịp Tết nên bà con rất phấn khởi và yên tâm mở rộng diện tích”.
Hiện số hộ tham gia trồng dưa hấu tại vùng chuyên canh xã Lý Văn Lâm tăng lên 108 hộ. Hội Nông dân cũng mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật như: xử lý hạt giống, bón phân, tạo mầm hoa, chọn trái, nuôi trái… giúp nông dân áp dụng vào thực tiễn sản xuất đạt hiệu quả.
Năm nay, giá giống, phân bón và giá nhân công khá ổn định nên người trồng dưa cũng yên tâm về các yếu tố đầu vào. Cộng thêm thời tiết đầu vụ khá thuận lợi, mưa rào nhẹ, tạo điều kiện cho ruộng dưa phát triển tốt.
Ông Lê Văn Đa (ấp Chánh, xã Lý Văn Lâm) cho biết: “Năm rồi tôi trồng 3 công, năm nay có kỹ sư vô hướng dẫn kỹ thuật nên tôi trồng thêm 3 công nữa. Lúc mới xuống giống nước dâng cao, tôi cố gắng be bờ, giữ được nước nên dưa rất tốt, ít sâu rầy. Mỗi công dưa cho trên 3 tấn trái. Nếu giá cả ổn định và thời tiết thuận lợi đến khi thu hoạch thì mỗi công có thể thu lời trên 20 triệu đồng”.
Anh Nguyễn Văn Phong (xã Tân Lộc, huyện Thới Bình) cho biết: “Vào vụ dưa hấu đi làm công một ngày được 200.000 đồng, làm suốt 3 tháng cũng có tiền trang trải trong gia đình, sắm sửa chuẩn bị Tết”.
Tăng nhanh diện tích trồng dưa chuẩn VietGAP
Để giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau phối hợp Phòng Kinh tế TP Cà Mau triển khai thí điểm Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất dưa hấu đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau”. Đây là mô hình thí điểm trồng dưa đạt tiêu chuẩn VietGAP đầu tiên tại tỉnh Cà Mau. Dự án triển khai thực hiện năm 2016 với diện tích ban đầu là 4 ha, đến nay đã nhân rộng thêm 17 ha với 21 hộ dân tham gia.
Ươm hạt giống dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP để chuẩn bị đưa xuống ruộng. |
Ông Nguyễn Đông Dương, Giám đốc HTX Lý Văn Lâm, cho biết: “Trồng dưa theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân bón, góp phần giảm thiểu chi phí đầu vào. Đặc biệt là phải đạt tiêu chuẩn từ khâu chọn giống, chăm sóc nên dưa VietGAP sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao, sản phẩm đảm bảo an toàn so với dưa hấu trồng theo cách truyền thống, được đưa vào siêu thị với giá 10.000 đồng/kg. Với diện tích dưa hấu VietGAP được mở rộng, năm nay sản lượng sẽ cao gấp 3-4 lần so với năm trước”.
Hiện Hội Nông dân xã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau tích cực hỗ trợ người dân kỹ thuật chăm sóc ruộng dưa, chủ động đủ nguồn nước tưới tiêu và thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, nhằm giúp ruộng dưa phát triển tốt, đạt năng suất cao.
Ông Nguyễn Văn Nhàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Văn Lâm, phấn khởi: “Trồng dưa hấu được xem là mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ cây trồng này. Vụ dưa này trung bình mỗi công chi phí đầu tư từ 4-5 triệu đồng, nếu giá cả bình ổn như mọi năm thì người trồng dưa có thể thu lời trên 15 triệu đồng/công, không chỉ giúp thương hiệu dưa hấu Lý Văn Lâm ngày càng phát triển mà còn giúp người dân đón Tết sung túc hơn”./.
Thảo Mơ