(CMO) Là 1 trong 4 chỉ số thành phần PCI của tỉnh chuyển biến tiêu cực trong năm 2019, chỉ số đào tạo lao động nhiều năm qua luôn đứng thứ hạng thấp so cả nước. Đây cũng là trăn trở không chỉ của địa phương mà còn của doanh nghiệp trên địa bàn về chất lượng nguồn lao động chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.
Đánh giá nội dung chỉ số thành phần đào tạo lao động năm 2019 của tỉnh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cà Mau Từ Hoàng Ân nhìn nhận: “Kết quả đào tạo lao động trên địa bàn tỉnh hàng năm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra nhưng vẫn chưa đáp ứng việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”.
Đào tạo và nhu cầu chưa gặp nhau
Chính vì lẽ đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đánh giá kết quả chỉ số này với số điểm 5,68, xếp hạng 59/63, giảm một hạng so với năm 2018. Cụ thể, trong 10 chỉ tiêu, có 2 chỉ tiêu chuyển biến tích cực, là doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm và doanh nghiệp có ý định sẽ sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm. Có tới 8 chỉ tiêu chuyển biến tiêu cực, như tỷ lệ người lao động qua đào tạo nghề/số lao động chưa qua đào tạo chỉ được 2%; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên tổng lực lượng lao động chỉ được 7%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đang làm việc tại doanh nghiệp chỉ đạt 49%...
Mặc dù trong năm vừa qua, theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và dạy nghề cho hơn 37.600 người/35.000 người, đạt 101% kế hoạch năm; cơ cấu ngành nghề đào tạo công nghiệp chiếm 20%, nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 60%, dịch vụ chiếm 20%. Có 207 doanh nghiệp đã kết nối sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm với gần 7.200 lượt nhưng tỷ lệ lao động làm việc phổ thông qua đào tạo ở các trường nghề trong lĩnh vực chế biến thuỷ sản trên địa bàn tỉnh còn rất thấp, chưa đến 35%...
Trong năm 2020, tính đến thời điểm này, tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu đào tạo nghề với gần 36.800 người/35.000 người. Có 8 doanh nghiệp ngoài tỉnh liên hệ Trung tâm Dịch vụ việc làm với nhu cầu tuyển dụng gần 4.500 lao động. Tuy hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch về đào tạo lao động nhưng chưa thật đáp ứng với việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến, dịch vụ thương mại, du lịch.
Hàng năm, tỉnh Cà Mau đào tạo nghề cho lao động nông thôn rất nhiều nhưng chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. |
Cần đào tạo kỹ năng mềm cho lao động
Nói về thực trạng lao động, ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Nhân sự Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, cho biết: “Thực trạng lao động trong ngành nghề thuỷ sản có hợp đồng lao động ở Cà Mau tầm 20.000-22.000 người và số lao động này hơn 10 năm nay không thay đổi, thậm chí ít hơn. Đó là chưa nói đến những lao động thời vụ. Chứng tỏ điều kiện phát triển của chúng ta chưa có”.
Phân tích về cái khó của đội ngũ lao động trong ngành chế biến thuỷ sản của tỉnh, ông Tâm cho biết thêm: “Lực lượng lao động trong nghề chế biến thuỷ sản là lao động giản đơn. Tại sao Cà Mau hay ĐBSCL không phát triển đào tạo nâng cao tay nghề đội ngũ này lên. Đơn giản vì các doanh nghiệp chỉ sử dụng lao động ở mức này, chúng tôi chỉ đào tạo thêm vấn đề an toàn lao động, quy định, quy chế, an toàn thực phẩm. Chỉ khoảng 10% doanh nghiệp thuỷ sản sử dụng lao động có tay nghề".
Điều đó đồng nghĩa với việc quy mô doanh nghiệp của tỉnh còn rất thấp, đúng như khảo sát và nhận định của bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tại Hội nghị “Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo lao động qua góc nhìn PCI của tỉnh Cà Mau” do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức vừa qua: “PCI về đào tạo lao động của tỉnh thấp, chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn cho chất lượng lao động, mà một phần do tỷ lệ doanh nghiệp Cà Mau còn quá ít về số lượng lẫn quy mô, dẫn đến môi trường cạnh tranh của tỉnh còn thấp”.
Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú hiện nay có 6.500 lao động, chủ yếu là lao động giản đơn, còn lại các cấp quản lý. Hiện nay ở Cà Mau, các doanh nghiệp sử dụng ngành nghề dịch vụ kỹ thuật cao rất ít. Chỉ có khu công nghiệp khí - điện - đạm công nhân có trình độ công nghệ cao.
“Chúng tôi là những nhà tuyển dụng, để trở thành công nhân tay nghề cao, chúng tôi phải đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, tổ chức, thuyết trình… điều này lao động chúng ta chưa đáp ứng yêu cầu. Trong tương lai, công ty sẽ mở thêm nhà máy ở xã Khánh An, cần vài trăm lao động tay nghề kỹ năng chuyên sâu, đào tạo tiếng nước ngoài, kỹ năng làm việc nhóm…".
Đại diện Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, bà Nguyễn Minh Thảo, định hướng: “Kỹ năng mềm là kỹ năng rất thiếu đối với lao động Việt Nam nói chung, Cà Mau nói riêng. Do vậy, cần mở rộng đào tạo kỹ năng mềm, học qua hành là tốt nhất. Tập trung học nghề, chú trọng định hướng nghề nghiệp từ phổ thông, vừa nâng cao tay nghề, vừa đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp”./.
Hồng Nhung