ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 16-5-24 21:46:18
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Vinh quang và bất tử

Báo Cà Mau Sau phong trào Ðồng khởi, tình thế cách mạng ở Cà Mau gặp nhiều khó khăn. Ðịch tăng cường lực lượng, khí tài tối tân, thực hiện chiến lược thâm độc, là dồn dân lập ấp chiến lược; tổ chức hàng loạt chiến dịch lớn như “Sóng tình thương”, “Ðức Thắng 1”, “Ðức Thắng 2”, “Lê Lợi” đánh phá mạnh vùng căn cứ.

Thực hiện nghị quyết của Trung ương Cục miền Nam, Khu uỷ và Quân khu miền Tây (T3), Cà Mau được chọn làm địa bàn điểm để triển khai chiến dịch phá “quốc sách ấp chiến lược” mà Mỹ, nguỵ đang ráo riết thực hiện. Ðầm Dơi và Cái Nước là 2 chi khu được Bộ Tư lệnh Quân khu và Tỉnh uỷ Cà Mau lựa chọn làm điểm mở màn chiến dịch, nhằm tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, hỗ trợ quần chúng nổi dậy, mở rộng vùng giải phóng Nam Cà Mau. Ngay sau đó là trận đánh cứ điểm Chà Là tạc vào sử sách.

Nhãn quan quân sự đúng đắn, tài tình

Ðại tá Lê Quang Luật, Phó chính uỷ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau, đánh giá: “Chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là được tạo nên bởi nhiều nguyên nhân, trong đó sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Trung ương Cục, trực tiếp là vai trò của Ðảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu và Tỉnh uỷ Cà Mau, trong chỉ đạo chiến dịch”.

Theo Ðại tá Lê Quang Luật, căn cứ theo bối cảnh lịch sử, tương quan lực lượng cụ thể, việc lựa chọn “điểm nổ” cho chiến dịch này có ý nghĩa hết sức quan trọng với tình thế cách mạng của Tây Nam Bộ thời điểm ấy.

“Một phương án khác, khi đó được Khu uỷ gợi ý, là tuyến kênh xáng Xẻo Rô, Vĩnh Thuận lên Vị Thanh ra Ngã Năm, nếu thắng lợi thì sẽ mở rộng vùng giải phóng rất lớn, nhưng ta sau khi trinh sát nắm thì thấy những nơi này dày đặc đồn bót, ấp chiến lược, sức đề kháng lớn, có thắng cũng không thắng to, đánh cũng chưa chắc thắng. Với mục tiêu phải thắng, nên tuyến Nam Cà Mau có nhiều điều kiện thuận lợi hơn cả, là địch mỏng, hậu phương ta rộng, phong trào 3 mũi giáp công khí thế đang cao”, Ðại tá Lê Quang Luật phân tích.

Một yếu tố khác tạo nên thắng lợi của chiến dịch, đó là quyết tâm tạo và nắm chắc thời cơ, kịp thời nổ súng tiến công, thực hiện đánh bồi, đánh nhồi để giành thắng lợi. Ðại tá Lê Quang Luật cho biết: “Diễn biến chiến dịch Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là thể hiện rõ vấn đề này. Như đã biết, lúc 0 giờ 40 phút ngày 10/9/1963, ta nổ súng tiến công Chi khu Cái Nước, chỉ trong 1 giờ chiến đấu, ta đã tiêu diệt và bắt sống gần như toàn bộ quân địch. Lúc này, ở Chi khu Ðầm Dơi, giặc được báo động nên tăng cường cảnh giác, ta mất đi yếu tố bí mật, bất ngờ. Trước khó khăn này, lãnh đạo, chỉ huy Tiểu đoàn U Minh ở phía Ðầm Dơi vẫn bình tĩnh, ém quân chờ thời cơ. Ðến 4 giờ 10 phút sáng, khi địch lơi lỏng cảnh giác, ta đã nổ súng tiến công giành thắng lợi”.

Sau khi đánh Chi khu Ðầm Dơi xong, trên đường lui quân, Tiểu đoàn U Minh và các lực lượng phối thuộc tiếp tục đánh quân can viện đến giải cứu đồng bọn. Với tinh thần, ý chí quyết tâm, quyết chiến, quyết thắng dù gặp nhiều bất lợi, ta tiêu diệt hơn 100 tên, gây tổn thất lớn cho địch. Hãng thông tấn Mỹ UPI, ngày 12/9/1963, thú nhận: “2 trận tấn công dữ dội vào Cái Nước và Ðầm Dơi thực tế là một thắng lợi lớn của du kích cộng sản”.

Trận cứ điểm Chà Là diễn ra vào ngày 23/11/1963, hơn 2 tháng sau trận mở màn của chiến dịch, là chiến thuật đánh bồi, đánh nhồi của ta. Lúc này, sau thất bại ở Chi khu Ðầm Dơi, Cái Nước, địch tăng cường, tô dày các vị trí phòng thủ còn lại phía Tây Nam Cà Mau, yểm trợ âm mưu “bình định”, lấn chiếm. Chà Là đã trở thành cứ điểm quân sự đầu não của địch ở quận Cái Nước, sức đề kháng cả về khí tài và lực lượng được tăng cường, xây dựng trận địa phòng thủ liên hoàn, vững chắc.

Trong trận đánh cứ điểm Chà Là, chúng ta đã dùng cách đánh táo bạo, vào nơi địch tự cho là an toàn để tạo yếu tố bất ngờ. Bên cạnh đó, chiến thuật “công đồn đả viện”, nghi binh lừa địch, bài học quý giá vừa mới đúc rút từ trận Chi khu Ðầm Dơi, đã giáng cho kẻ địch những đòn đánh liên hồi, không kịp trở tay. Ðại tá Lê Quang Luật cho biết: “Khi ta tiến công dồn dập cứ điểm Chà Là, buộc địch ở Tiểu khu An Xuyên phải tăng viện. Giặc đưa quân đổ bộ đường không cứu viện như đoán định của ta. Tiểu đoàn U Minh, Ðại đội địa phương quân Cái Nước, Ðầm Dơi và Tiểu đoàn 306, Tiểu đoàn súng máy phòng không 12,7 mm của Quân khu đã thực hiện các trận đánh bồi, đánh nhồi tiêu diệt phần lớn quân cứu viện, diệt và bắt sống gần 600 tên địch, bắn cháy đến 19 máy bay các loại. Ðây là trận chiến đấu đạt hiệu suất rất cao”.

Chiến công vang dội

60 năm đã qua, nhưng hồi nhớ của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Võ Văn Khởi (Năm Khởi), nhân chứng tham gia sự kiện chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là, vẫn còn nguyên vẹn. Tháng 7/1962, ông Năm Khởi biên chế về Tiểu đoàn U Minh. Trước trận đánh Chi khu Ðầm Dơi, Cái Nước 6 ngày (3/9/1963), ông Năm Khởi vinh dự đứng vào hàng ngũ của Ðảng. Nói về không khí trước trận đánh lớn cách đây 60 năm, ông Năm Khởi xúc động: “Tinh thần của anh em lên rất cao, thề quyết đánh, quyết thắng. Còn bà con thì dốc sức ủng hộ cách mạng, từ bí mật vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm đến che chở, cưu mang bộ đội từ lúc chuẩn bị cho đến lúc tiến công giành thắng lợi”.

60 năm chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là cũng là dấu mốc Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Võ Văn Khởi vinh dự nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. (Trong ảnh: Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Thành Ngại trao tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng cho Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Võ Văn Khởi).

Trong chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là, ngoài lực lượng vũ trang chủ lực, còn có sự phối thuộc, chiến đấu anh dũng của lực lượng địa phương quân và du kích, cùng sự giúp đỡ, bao bọc của Nhân dân. Quá trình chiến đấu, trên 100 cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống, trong đó có những người con máu thịt của Cà Mau.

Chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là đã giáng cho địch một đòn chí mạng, được tổng kết là 1 trong 7 chiến thắng lớn nhất của miền Nam trong năm 1963. Ðây cũng là lần đầu tiên, miền Nam cùng thời điểm tiêu diệt được 2 chi khu; riêng trận cứ điểm Chà Là, ta tiêu diệt được nhiều máy bay địch nhất lúc bấy giờ. Chiến công vang dội này đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc trong phong trào đấu tranh cách mạng của Ðảng bộ, dân và quân Cà Mau sau Ðồng khởi. Từ đây, mở màn cho phong trào các lực lượng vũ trang đánh vào chi khu khác của địch; cổ vũ mạnh mẽ phong trào phá ấp chiến lược của địch trên khắp chiến trường Cà Mau. Vùng giải phóng của Cà Mau mở rộng với 17 xã ở Nam Cà Mau và hàng chục xã Bắc Cà Mau, xã liền xã, huyện liền huyện; bảo vệ được khu căn cứ cách mạng và tạo được nguồn lực cho kháng chiến.

Chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là là vinh quang và bất tử đối với quê hương Cà Mau. Ðại tá Lê Quang Luật đúc kết: “Tầm vóc và ý nghĩa của chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là là hết sức to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân Cà Mau, càng có ý nghĩa, giá trị cho hôm nay. Chiến thắng ấy là kết tinh của những bài học kinh nghiệm quý báu để nghiên cứu, tổng kết, vận dụng sáng tạo vào việc xây dựng thế trận lòng dân, xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng lực lượng vũ trang Nhân dân vững mạnh; xây dựng và phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng - an ninh. Sự kiện này tô thắm thêm truyền thống anh hùng, bất khuất, anh dũng chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao để đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới của lực lượng vũ trang Nhân dân”./.

 

Phạm Quốc Rin

 

Vinh quang bất tử

Mỗi câu chuyện từ những nhân chứng đi ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đều là những trang sử sống quý giá, sinh động, mà may mắn thay, hậu thế chúng tôi, những người không biết đến bom đạn chiến tranh còn có thể nghiêng mình chiêm ngưỡng.

CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ - SỨC MẠNH VIỆT NAM, TẦM VÓC THỜI ĐẠI - Phần II: Diễn biến, kết quả của chiến dịch

Sau khi công tác chuẩn bị hoàn thành, ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ. Chiến dịch diễn ra thành ba đợt trong gần hai tháng. Với địa hình hiểm trở, việc kéo pháo vào tập trung tại trận địa đã vô cùng khó khăn.Tuy nhiên, với tinh thần quả cảm, không quản ngại gian khổ, hy sinh, quân và dân ta đã tìm mọi cách vượt qua thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ - SỨC MẠNH VIỆT NAM, TẦM VÓC THỜI ĐẠI - Phần III: Nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ của dân tộc ta đã chứng minh một chân lý của thời đại: các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập tự do thì dân tộc đó nhất định thắng lợi.

CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ - SỨC MẠNH VIỆT NAM, TẦM VÓC THỜI ĐẠI - Phần I: Bối cảnh lịch sử, âm mưu của thực dân Pháp và sự chỉ đạo chiến lược của ta

70 năm đã trôi qua, Chiến dịch Điện Biên Phủ (07.5.1954 - 07.5.2024) là chiến thắng vĩ đại đã ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son rực sáng nhất trong thế kỷ XX. Đây là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử... Ý nghĩa, tầm vóc, những bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca bất diệt của thời đại Hồ Chí Minh

Đúng ngày này 70 năm trước, bộ đội ta đã nổ những phát súng đầu tiên mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, tiến công tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp mà ngay cả trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ II cũng không có tập đoàn cứ điểm nào mạnh bằng. Trải qua 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non (thơ Tố Hữu), bộ đội Việt Nam anh hùng đã vượt lên bao mưa bom, bão đạn và cắm lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng của Bác Hồ trao trên nóc hầm Đờ Cát, vào giữa tim con nhím Điện Biên Phủ, kết liễu số phận của nó.

Ðong đầy ký ức Ðiện Biên

Chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954 là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. 70 năm trôi qua, những người lính Bộ đội Cụ Hồ, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến từng tham gia Chiến dịch Ðiện Biên Phủ luôn tự hào về những năm tháng gian khổ nhưng đầy oanh liệt ấy.

Chiến thắng Điện Biên Phủ, thắng lợi vĩ đại của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Cách đây vừa tròn 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã tiến hành trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đây là thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam, minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh.

Những năm tháng mãi trong tim...

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, với quyết định mang tầm chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng, những chuyến tàu năm 1954 đã đưa nhiều người con miền Nam tập kết ra Bắc tiếp tục học tập, nhằm đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Ðảng. Trong số đó, có những người con Cà Mau. Ðến nay, dù đã 7 thập kỷ trôi qua, nhưng họ vẫn nhớ như in cái ngày lịch sử ấy.

Vẹn nguyên giá trị ngày toàn thắng

49 năm, ngót nửa thế kỷ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với tầm vóc lịch sử đã được đúc kết: “Thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta, một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc” (Báo cáo chính trị tại Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ IV của Ðảng).

Ðội quân kiến vàng

Thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một số địa phương ở miền Nam, như Bến Tre, sáng tạo cách đánh giặc bằng hầm chông kết hợp ong vò vẽ, làm cho kẻ địch bao phen bạt vía... Ở Cà Mau, lại có loại vũ khí lợi hại chẳng kém ong vò vẽ, khiến quân nguỵ bị một phen điếng hồn, bỏ chạy, đó là “đội quân kiến vàng”, không phải nuôi và cũng không huấn luyện gì.