Đám nhóm họ bên bờ sông Cái Tàu, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, gia đình giới thiệu có mời 2 vị khách và cũng là 2 người bạn rất “đặc biệt” từ TP Cà Mau về giúp vui. Sau lời giới thiệu của gia đình, từ trong đám đông, người đàn ông và người đàn bà ăn mặc có phần hơi “hổng giống ai” bước đến chỗ dàn nhạc. Cả hai đều đứng tuổi.
Đám nhóm họ bên bờ sông Cái Tàu, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, gia đình giới thiệu có mời 2 vị khách và cũng là 2 người bạn rất “đặc biệt” từ TP Cà Mau về giúp vui. Sau lời giới thiệu của gia đình, từ trong đám đông, người đàn ông và người đàn bà ăn mặc có phần hơi “hổng giống ai” bước đến chỗ dàn nhạc. Cả hai đều đứng tuổi.
Người đàn ông miệng móm xọm, tóc để dài cột đuôi gà phía sau như con gái. Người đàn bà đi giày da ống cao muốn tới đầu gối, mặt trang điểm diêm dúa như cô đào hát cải lương. Nhìn cả hai khác người và miệng cười rụng muốn gần hết răng bên dàn nhạc, mọi người thấy đã đủ “đặc biệt” rồi, không sao không thể ôm bụng cười, vỗ tay hoan nghênh chủ nhà có tiết mục “độc”, chuẩn bị tinh thần cho những trận cười tiếp theo.
Cả hai nghiêng người chào đám đông. Người đàn ông mang ra cuốn sổ bự có gáy dày, ông cho mọi người thấy và kiểm tra trong cuốn sổ chỉ là những trang giấy trắng tinh, chưa có gì trong đó cả. Sau đó, ông xoè bàn tay vẽ vẽ điều gì đó trong không khí như vẽ bùa, bốc ném vào cuốn sổ và đóng cuốn sổ lại. Ðám đông im phăng phắc, mọi người có phần ngạc nhiên, nóng lòng chờ xem ông già muốn "giở trò" gì. Ông từ từ mở cuốn sổ, đầy hồi hộp, trong những trang giấy trắng tinh mà mọi người vừa thấy đầy những hình ảnh vui nhộn của truyện tranh và màu sắc. Ðám đông há hốc miệng, không hiểu sao ông già làm được vậy và nhìn ông như người từ trên trời rơi xuống.
Vợ chồng ảo thuật gia Hoàng Hà được mời biểu diễn giúp vui chào mừng Trạm Y tế phường 1, TP Cà Mau đạt chuẩn quốc gia năm 2015. Ảnh: ÁI NHƯ |
Chưa thôi, người đàn bà bước tới giành lấy cuốn sổ trong tay của người đàn ông. Bà nghiêng người chào mọi người và mở cuốn sổ. Bà cho mọi người thấy và kiểm tra trong cuốn sổ chỉ có những hình vẽ. Bà lấy trong túi con chim được xếp bằng giấy học trò xinh xinh cho mọi người xem và nhét vào cuốn sổ. Bà đóng cuốn sổ lại, đám đông gần như nín thở nhìn bà. Người đàn ông hóm hỉnh đưa hai tay lên che mắt như sợ có điều gì đó khủng khiếp sắp xảy ra, khiến mọi người phải cười ùa theo. Bà hất mặt nhìn ông như ý muốn nói đừng coi thường mình, xoè bàn tay vẽ vẽ điều gì đó trong không khí hốt ném vào cuốn sổ như người đàn ông làm. Bà mở cuốn sổ, con chim được xếp bằng giấy học trò xinh xinh biến đi đâu mất, thay vào đó là con bồ câu thật vỗ cánh bay ra ngoài.
Cứ như vậy, người đàn ông và người đàn bà luân phiên nhau đưa đám đông đến hết bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Mọi người gần như quên cả đang dự tiệc đêm nhóm họ, rượu và thịt trên bàn lạnh tanh. Mắt mọi người dán chặt vào người đàn ông và người đàn bà bên dàn nhạc. Còn đám đông con nít ở xóm thì chen nhau vây cứng xung quanh rạp cưới.
Mọi người chỉ thật sự tỉnh khi người đàn ông và người đàn bà cúi đầu chào kết thúc những tiết mục của mình. Ðến lúc này, mọi người như mới sực nhớ đến những cái vỗ tay của mình. Những tràng vỗ tay như pháo thi nhau nổ giòn trong đêm nhóm họ. Bấy giờ, mọi người mới biết ông là Nghệ sĩ ảo thuật Hoàng Hà, còn bà là Nghệ sĩ ảo thuật Ánh Tuyết. Cả hai không phải là dân Cà Mau nhưng từng là thành viên của Ðoàn Nghệ thuật ca múa Tam Giang, Ðoàn Nghệ thuật Samaki Minh Hải, mang đến không biết bao nhiêu tiếng cười cho đồng bào trong, ngoài tỉnh những năm đầu mới giải phóng và suốt những năm bao cấp nhiều khó khăn.
Cuộc đời và sự nghiệp của ông Hoàng Hà và bà Ánh Tuyết khá thăng trầm và lãng tử. Ông Hoàng Hà tên thật là Huỳnh Hà, sinh năm 1953, quê quán ở chợ Vườn Chuối, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Bà Ánh Tuyết tên đầy đủ là Nguyễn Thị Ánh Tuyết, sinh năm 1955, tại thị xã Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.
Thuở còn học tiểu học, ông Hoàng Hà rất mê xem ảo thuật, thường trốn nhà lân la theo các sư phụ ảo thuật ở Sài Gòn để được các sư phụ sai vặt, làm quen và bị nhà đánh đòn không ít. Tới lên học trung học, ông được các sư phụ ảo thuật có tên tuổi lớn vào thời đó ở Sài Gòn như ảo thuật gia Bảo Thu, ảo thuật gia Nguyễn Ðức Trường hay còn gọi Z27, ảo thuật gia Tony Quang truyền nghề "trả lễ" cho chú bé sai vặt lâu nay.
Có lẽ có máu mê ảo thuật và thường được xem các sư phụ biểu diễn sau cánh gà sân khấu, ông Hà học và làm được rất nhanh. Chỉ 1 năm sau, ông đã có thể tự tin biểu diễn ảo thuật giúp vui văn nghệ ở trường và được các sư phụ ở Sài Gòn cho phép lên biểu diễn trên sân khấu những tiết mục nhỏ như ảo thuật bài, bồ câu, biến hình.
Năm 1970, ông Hà mấp mé tuổi bị bắt quân dịch, ông xin nhà cho theo các đoàn ảo thuật để khỏi bị bắt lính. Ông Hà may mắn được các sư phụ ở Sài Gòn giới thiệu vào đoàn ảo thuật chuyên nghiệp của ông Quách Ngọc Lai (còn được gọi là đoàn ca múa ảo thuật của ông Bầu Lái), khá nổi tiếng ở miền Tây. Ðoàn ca múa ảo thuật của ông Bầu Lái có hơn 50 người, tất cả sống trên 2 chiếc ghe tam bản lớn, biểu diễn khắp nơi trên sông nước ở các tỉnh ÐBSCL.
Về đoàn của ông Bầu Lái, ông Hà được đào tạo bài bản và trở thành ảo thuật gia chuyên nghiệp. Năm 1972, đoàn của ông Bầu Lái biểu diễn ở thị xã Vĩnh Long, ông Hà không ngờ gặp được cô nữ sinh của Trường Trung học thị xã Vĩnh Long mê ảo thuật còn hơn mình, dám trốn nhà đi theo đoàn ảo thuật học nghề. Cô nữ sinh theo đoàn của ông Bầu Lái học nghề không bao lâu cũng trở thành ảo thuật gia chuyên nghiệp, lấy nghệ danh là Ánh Tuyết và là người bạn đời của ông Hà.
Năm 1975, ông Bầu Lái mất, đoàn ca múa ảo thuật của ông Bầu Lái tan rã, ông Hà cùng vợ trở về Sài Gòn. Hai vợ chồng kiếm sống bằng biểu diễn ảo thuật ở các chợ, đường phố, công viên. Nhưng có lẽ vợ chồng ông Hà có duyên với miền Tây hơn Sài Gòn. Ðầu năm 1976, ông Hà không biết được ai giới thiệu mà ông Ðinh Hoàng Chiến, Phó Trưởng Ðoàn Nghệ thuật ca múa Tam Giang lúc bấy giờ, đến tìm và mời vợ chồng ông về Ðoàn Nghệ thuật ca múa Tam Giang. Cả hai nhớ ánh đèn sân khấu da diết nên mau mau cuốn gói theo ông Chiến về Minh Hải.
Vợ chồng ông Hà theo Ðoàn Nghệ thuật ca múa Tam Giang gần 5 năm, biểu diễn khắp nơi ở các tỉnh ÐBSCL. Những tiết mục ảo thuật của vợ chồng ông đóng góp không nhỏ vào sự thành công chung của đoàn. Lúc ấy, hai vợ chồng sống trong khu tập thể của đoàn là khu vực Nhà khách Công đoàn Cà Mau hiện nay.
Ðến năm 1980, Ðoàn Nghệ thuật ca múa Tam Giang khá nổi tiếng ở miền Tây, thu hút nhiều nghệ sĩ tên tuổi về đoàn, vợ chồng ông Hà được tăng cường về phục vụ Ðoàn Nghệ thuật Samaki Minh Hải. Tầm hoạt động của Ðoàn Nghệ thuật Samaki Minh Hải cũng không thua kém gì Ðoàn Nghệ thuật ca múa Tam Giang, vợ chồng ông Hà tiếp tục có điều kiện phát huy nghề ảo thuật của mình, mang đến tiếng cười cho đồng bào khắp nơi trong tỉnh và các tỉnh bạn trong khu vực. Hai vợ chồng ở trong khu tập thể của đoàn, ở khóm 3, phường 1, thị xã Cà Mau và xem đây là bến đậu của mình.
Ông Đinh Hoàng Chiến, nguyên Phó Trưởng Đoàn Nghệ thuật ca múa Tam Giang, chia sẻ: “Hồi trước, tôi đã nghe nói nhiều về đoàn ca múa ảo thuật của ông Bầu Lái và những học trò của ông biểu diễn ở miền Tây. Sau giải phóng, tôi về Sài Gòn tìm được vợ chồng Hoàng Hà và mời cả hai về đoàn. Những tiết mục ảo thuật của vợ chồng Hoàng Hà có sức hấp dẫn và cuốn hút người xem rất lớn. Vợ chồng ảo thuật gia Hoàng Hà có công rất nhiều với đoàn trong những năm mới giải phóng”. |
Nhưng không vui là cuối năm 1996, Minh Hải tách tỉnh, Ðoàn Nghệ thuật Samaki Minh Hải tan rã, Ðoàn Nghệ thuật ca múa Tam Giang cũng không còn, nhiều nghệ sĩ của đoàn phải cuốn gói trở về quê làm ruộng, hoặc đi kiếm sống bằng nhiều ngành nghề khác, có người chạy xe ôm, có người khá hơn xin được việc ở các nhà văn hoá huyện. Vợ chồng ông Hà đã có tuổi, con cái đã ăn học ổn định ở Cà Mau, việc đưa cả gia đình trở lại TP Hồ Chí Minh làm lại từ đầu là điều không thể, ông bà có nguy cơ phải trở lại biểu diễn trên đường phố để nuôi nghề, mưu sinh.
Có điều thú vị là trong khó khăn như vậy, vợ chồng ông Hà đi đến quyết định khá táo bạo, hiếm có trong làng ảo thuật là chấp nhận “bán nghề” kiếm sống. Trong giới ảo thuật thường hay có một cụm từ là "những bí mật không thể bật mí”. Nhưng khi quyết định “bán nghề”, không biểu diễn ảo thuật trên đường phố kiếm sống, với vợ chồng ông Hà không còn bí mật nào là không thể không bật mí được.
Từ năm 1997-2015, vợ chồng ông Hà bôn ba khắp nơi trong tỉnh và các tỉnh ÐBSCL biểu diễn ảo thuật, kèm theo bán đồ nghề ảo thuật và dạy mọi người làm ảo thuật ở các chợ, đường phố, công viên. Việc truyền nghề, nhận đệ tử, dạy nghề, mở lớp dạy ảo thuật trong giới ảo thuật là chuyện bình thường. Nhưng với việc biểu diễn ảo thuật, bán đồ ảo thuật và hướng dẫn ngay cho người mua món đồ ảo thuật biết được “bí quyết” của dân ảo thuật, thực hiện được ngay trò ảo thuật đó là hiếm có.
Chính điều hiếm có đó giúp vợ chồng ông Hà thành công. Mọi người biết đến vợ chồng ông nhiều hơn. Mọi người nhận ra ảo thuật là nghệ thuật độc đáo, có sức hấp dẫn và cuốn hút đám đông. Mọi người mời vợ chồng ông biểu diễn giúp vui đám cưới, sinh nhật, tiệc tùng, lễ hội ngày càng nhiều. Từ đó, dù sân khấu không còn, vợ chồng ông Hà vẫn không thiếu đất biểu diễn và nghề ảo thuật của vợ chồng ông còn được truyền lại rộng rãi cho nhiều người./.
Bút ký của Ái Như