Bên căn nhà được sửa chữa không còn mưa dột như trước, chị Hồ Hồng Lem, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, chia sẻ: “Trước đây, vào mùa mưa, nhà cửa dột tứ tung, gia đình không có khả năng cất mới. Nhờ Hội Phụ nữ xã Viên An Đông cho mượn 10 triệu đồng, tôi sửa lại căn nhà của mình và còn mua được 3 con heo nuôi”.
Bên căn nhà được sửa chữa không còn mưa dột như trước, chị Hồ Hồng Lem, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, chia sẻ: “Trước đây, vào mùa mưa, nhà cửa dột tứ tung, gia đình không có khả năng cất mới. Nhờ Hội Phụ nữ xã Viên An Đông cho mượn 10 triệu đồng, tôi sửa lại căn nhà của mình và còn mua được 3 con heo nuôi”.
Đồng vốn tương trợ đã phát huy được hiệu quả. Nhiều hội viên phụ nữ hoàn cảnh khó khăn được xét cho mượn, đến khi điều kiện kinh tế ổn định thì hoàn vốn để tiếp tục cho hội viên khác mượn. Vốn tương trợ cứ luân phiên xoay vòng và mỗi ngày thêm lớn mạnh.
Bà Bùi Ngọc Dung, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ngọc Hiển, cho biết, toàn huyện hiện có 70 tổ nuôi heo đất ở 7/7 xã, thị trấn, thu hút gần 2.000 thành viên tham gia, tổng số tiền tiết kiệm được gần 800 triệu đồng. Song song đó, 88 chi hội phụ nữ của các ấp còn thành lập được nguồn vốn tương trợ với 13.000 hội viên tham gia, tổng nguồn quỹ lên đến 4 tỷ đồng. Các nguồn vốn này đã giúp nhiều chị em phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Phong trào nuôi heo đất của chị em phụ nữ huyện Ngọc Hiển giúp nhiều chị thoát nghèo. Ảnh: CHÍ HIỂU |
Ấp Xẻo Lá, xã Viên An Ðông có nhiều hội viên phụ nữ hoàn cảnh khó khăn, Chi hội Phụ nữ ấp được thành lập và đi vào hoạt động năm 2004. Lúc đầu chi hội chỉ có vài chục hội viên, đến nay đã thu hút được 248 hội viên tham gia sinh hoạt tại 8 tổ hội. Từ phong trào phụ nữ làm theo gương Bác tiết kiệm chi tiêu để giúp hội viên hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, chị em thực hiện bỏ ống gây quỹ tiết kiệm. Với cách làm: mỗi ngày, mỗi hội viên tiết kiệm từ 3.000-5.000 đồng bỏ vào heo đất. Ðến nay chi hội tiết kiệm được số tiền gần 350 triệu đồng, từ đó đã giải quyết đồng vốn cho 50 lượt hội viên mượn làm kinh tế. Mỗi hội viên được mượn từ 10-15 triệu đồng, vốn cứ luân phiên cho hội viên mượn xoay vòng, không tính lãi.
Bà Huỳnh Thị Thanh, ấp Xẻo Lá, 69 tuổi, sống độc thân, không đất sản xuất, đã được chi hội vận động hội viên cho mượn đất và cho mượn 10 triệu đồng. Với diện tích khoảng 1.000 m2, bà Thanh trồng các loại rau màu như: cải xanh, nụ áo, rau lang, rau má, rau cần nước…, mỗi ngày thu nhập từ 50.000-70.000 đồng. Nhờ cần cù lao động, biết tiết kiệm chi tiêu, đầu năm 2015, bà Huỳnh Thị Thanh đã trả được 10 triệu đồng và mua được 1 công đất để trồng rau màu. Hiện bà Thanh đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài trồng màu, phụ nữ ấp Xẻo Lá còn phát động chị em mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng thu nhập, phát triển kinh tế theo hướng bền vững, nhằm hạn chế tối đa tình trạng tái nghèo trong hội viên. Từ ấp có số hội viên phụ nữ nghèo trên 50%, đến nay, Chi hội Phụ nữ ấp Xẻo Lá có khoảng 35% hội viên phụ nữ thuộc diện khá, giàu, 60% hội viên có cuộc sống trung bình, đủ ăn.
Cũng cách làm bỏ ống heo đất, Hội LHPN thị trấn Rạch Gốc đã gây quỹ được gần 300 triệu đồng, giúp cho 30 hội viên có vốn sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Bà Phan Huyền Trân, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Rạch Gốc, chia sẻ, nhờ đồng vốn của quỹ heo đất, quỹ tương trợ, năm 2014, thị trấn Rạch Gốc đã có khoảng 15 hội viên hoàn cảnh khó khăn vươn lên mức sống trung bình bằng những mô hình như: chăn nuôi heo, nuôi gà, vịt xiêm, cua, trồng màu, cây ăn trái…
Còn ở xã Tân Ân Tây, với 10 tổ hội thực hiện mô hình hội viên góp vốn, hội thành lập quỹ tương trợ được trên 800 triệu đồng để hỗ trợ và giúp nhau phát triển kinh tế. Trong năm 2014, có 20 chị em hội viên vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình trồng rau màu, chăn nuôi heo.
Ðó là kết quả quan trọng mà các cấp hội phụ nữ huyện Ngọc Hiển đạt được trong thời gian qua. Ðây là bước đệm khởi sắc để chị em phụ nữ có điều kiện tiếp cận đồng vốn phát triển kinh tế bằng những mô hình phù hợp với vùng đất nhiễm mặn quanh năm.
Ngoài việc thành lập các nguồn quỹ giúp nhau phát triển kinh tế, những năm qua, các cấp Hội LHPN huyện Ngọc Hiển đã tín chấp với ngân hàng đầu tư hơn 50 tỷ đồng, huy động vốn nội lực thông qua mô hình tiết kiệm - tín dụng trong các tổ phụ nữ hơn 4 tỷ đồng, giúp hơn 6.000 lượt phụ nữ nghèo có vốn sản xuất, cải thiện đời sống gia đình. Ngoài ra, Hội LHPN huyện Ngọc Hiển còn phối hợp với Phòng NN&PTNT tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật khuyến nông - khuyến ngư, cho phụ nữ vay vốn, xây dựng các tổ hợp tác sản xuất, tổ chăn nuôi, tổ trồng màu… nhằm tăng năng suất, tạo thu nhập ổn định cho hội viên. Với nhiều cách làm thiết thực, năm 2014, đã có 98 hộ hội viên phụ nữ trong toàn huyện vươn lên thoát nghèo./.
Minh Văn