(CMO) “Hiện giờ sức khoẻ con trai tôi chuyển biến tốt hơn, nhưng nó vẫn chưa tỉnh táo hoàn toàn và còn đang tiếp tục điều trị. Tôi mong vụ việc sớm được làm sáng tỏ và ai vi phạm phải bị xử lý trách nhiệm…”, bà Lê Thu Hồng, ngụ ấp Gành Hào 1, xã Hoà Tân, TP Cà Mau, bức xúc.
Theo trình bày của bà Hồng, con trai bà tên là Lâm Văn Thắng, xin vào làm việc tại Chi nhánh Bưu chính Viettel Cà Mau (toạ lạc tại số 18, đường Nguyễn Ngọc Sanh, Phường 5, TP Cà Mau) từ tháng 3/2016, với nhiệm vụ giao nhận hàng hoá. Đến tháng 9/2016 lãnh đạo chi nhánh cho rằng Thắng còn tồn 31 bưu phẩm không có hàng hoá và 9 bưu phẩm phát rồi nhưng không gạch báo phát. Sau đó, chi nhánh tiến hành lập biên bản công nợ trên 44 triệu đồng và buộc Thắng ký tên thừa nhận, thoả thuận trong 3 ngày phải trả, nếu không Thắng sẽ bị phạt tù.
Đơn tố cáo của bà Hồng và các biên bản làm việc giữa gia đình bà Hồng với các ngành chức năng liên quan. |
Bất ngờ trước sự việc xảy ra, lại bị hăm doạ tù tội nên Thắng quẫn trí, tìm đến cái chết để tự giải thoát. Tuy nhiên, phát hiện Thắng uống thuốc độc (thực hiện tại Chi nhánh Viettel), đồng nghiệp đã đưa Thắng đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau cấp cứu. Tuy thoát chết, nhưng toàn thân Thắng bị tê liệt, tiêu chảy, ói mửa liên tục, không ăn uống được… Nhiều ngày điều trị tại đây mà bệnh tình Thắng không thuyên giảm, gia đình lại không có điều kiện đưa Thắng đi bệnh viện tuyến trên, cuối cùng phải đưa Thắng lên tận tỉnh Đắk Nông để trị liệu cho đến nay.
“Sau nhiều tháng chạy lo chữa trị cho con, gia đình tôi phải vay mượn nợ hơn 50 triệu đồng. Hậu quả vụ việc này là Chi nhánh Bưu chính Viettel Cà Mau gây ra. Vì vậy, tôi mong các ngành chức năng sớm xác minh, điều tra thật sự công nợ có phải của con tôi hay không. Mặt khác, sau nhiều tháng làm việc tại chi nhánh, con tôi không được ký hợp đồng lao động nên những quyền lợi như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… con tôi cũng không có!”, bà Hồng khẩn khoản.
Có chăng việc Chi nhánh Bưu chính Viettel Cà Mau không thực hiện đầy đủ các quy định khi thuê lao động? Tạo sức ép để đòi công nợ dẫn đến hành vi tự tử của lao động? (như trình bày của bà Hồng). Những câu hỏi đặt ra được ông Huỳnh Trọng Khiêm, Giám đốc Chi nhánh Bưu chính Viettel Cà Mau, giãi bày: "Sau khi đưa Thắng vào bệnh viện cấp cứu, đại diện Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel đã đến thăm và hỗ trợ gia đình Thắng 5 triệu đồng. Về phía chi nhánh cũng đã vận động anh em đóng góp hỗ trợ thêm hơn 2 triệu đồng (nhưng phần này bà Hồng không nhận). Sau khi có đơn tố cáo của bà Hồng, tháng 11/2016, Trưởng Phòng Pháp chế thuộc Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel phối hợp với điều tra viên cơ quan Điều tra hình sự Khu vực 6 thuộc Quân khu 9 (đóng tại Cà Mau) và công an địa phương có đến gặp gia đình bà Hồng để ghi nhận tường trình của Thắng, nhưng thời điểm đó sức khoẻ của Thắng rất kém (luôn trong trạng thái mơ hồ), nên đoàn công tác đã thông báo với gia đình bà Hồng là đơn tố cáo của bà sẽ do cơ quan Điều tra hình sự Khu vực 6 xử lý, nhưng còn tuỳ thuộc vào tường trình của Thắng (vì Thắng mới là người biết rõ vấn đề).
Tiếp theo, tháng 12/2016, cơ quan Điều tra Khu vực 6 đã mời gia đình bà Hồng đến trụ sở (có đại diện của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel) tiếp tục giải thích những thắc mắc của bà Hồng. Đồng thời trả lại giấy tờ tuỳ thân, xe gắn máy… của Thắng đã để lại ở chi nhánh trước khi tự tử (chớ không phải chi nhánh giữ lại để đòi công nợ, như bà Hồng phản ánh).
“Việc Thắng tự tử là do ý thức chủ quan của cá nhân, chi nhánh không hù doạ hay gây áp lực mà chỉ thông báo với Thắng những quy định chung về thu hồi công nợ để Thắng tự giác chấp hành. Còn những vấn đề có liên quan đến quy chế, công nợ đối với Thắng thì chi nhánh có đầy đủ cơ sở để chứng minh”, ông Khiêm khẳng định.
Ông Khiêm cho biết thêm, xét thấy việc nợ của Thắng không trực tiếp đến chi nhánh mà chủ yếu là nợ khách hàng, nên hiện tại hồ sơ vụ việc này đã được chuyển sang cơ quan Điều tra Công an TP Cà Mau thụ lý. Mọi chuyện hãy chờ kết luận của cơ quan điều tra trong thời gian tới.
Bài và ảnh: MỸ PHA