(CMO) Phân hoá trong sản xuất nông nghiệp vùng Bắc Cà Mau luôn là vấn đề thời sự nóng bỏng, mâu thuẫn giữa đôi dòng mặn - ngọt tiềm ẩn nguy cơ mất mùa, dịch bệnh gia tăng. Đó là vấn đề lớn mà ngành nông nghiệp Cà Mau đã và đang gặp phải, tồn tại và kéo dài, thật sự chưa có lời giải, dẫn đến hệ luỵ là người dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất.
Mặn - ngọt đan xen
Những năm gần đây, việc sản xuất lúa ở vùng ngọt hoá ngày càng khó khăn, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng diễn biến phức tạp. Giá lúa thấp, lợi nhuận ít, bấp bênh, thiếu bền vững; đồng thời giá trị kinh tế của con tôm so với lúa cao hơn gấp nhiều lần. Vì thế, nhiều hộ nông dân tự phát chuyển đổi đất chuyên trồng lúa sang nuôi tôm.
Sản xuất mặn - ngọt đan xen, từ đó diện tích chuyên lúa ngày càng bị thu hẹp. (Ảnh chụp tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời). |
Ngay cùng vùng đất, trong cùng một vùng sản xuất, điều kiện sản xuất cũng đã gặp khó. Như huyện Trần Văn Thời, nếu ở các xã Khánh Bình, Khánh Bình Đông, Trần Hợi, thị trấn Trần Văn Thời, lượng nước phù hợp cho cây lúa phát triển, thì vùng Khánh Lộc, Khánh Hải, Khánh Bình Tây lại ngập sâu. Chính vì những bất lợi này nên người dân tự đưa nước mặn vào đất chuyên lúa để nuôi tôm. Hay như trong cùng một xã, nhưng nhiều vùng đất ở xã Tân Lộc, huyện Thới Bình cao, thấp khác nhau, chỗ đồng trũng, chỗ gò cao. Đây là vùng phần lớn sản xuất theo hệ sinh thái ngọt nhưng hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước mưa. Thế nên, nhiều tiểu vùng, nguồn nước nội đồng luôn giữa dòng phân tranh mặn - ngọt, từ đó đan xen nhiều loại hình canh tác khác nhau.
Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình Lý Minh Vững cho biết, hiện vùng ngọt hoá nằm xen kẽ với vùng sản xuất vụ lúa - vụ tôm. Chính sự đan xen phân dòng mặn, ngọt làm cho diện tích quy hoạch sản xuất lúa 2 vụ của địa phương giảm nhanh qua từng năm. Theo ông Vững, hiện nay vùng chuyên canh lúa còn khoảng 700 ha, nằm ở các xã Tân Lộc, Tân Lộc Bắc và Tân Phú, diện tích này giảm dần qua từng năm do nhiễm mặn. Dự kiến đến năm 2025 diện tích chuyên lúa trên địa bàn huyện giảm còn khoảng 400 ha, diện tích còn lại do nhiễm mặn phải chuyển sang sản xuất lúa - tôm kết hợp.
Từ con số trên cho thấy, một diện tích lớn từ sản xuất theo sinh thái ngọt chuyển sang mặn, lợ. Sự chuyển đổi này một phần do giá cả thị trường có nhiều biến động, giá lúa thấp, khó tiêu thụ nông sản, làm cho thu nhập của người trồng lúa giảm. Trong khi đó nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều mô hình cây ăn trái trên vùng ngọt cho hiệu quả kinh tế cao. (Trong ảnh: Vườn cây ăn trái tại Ấp 13, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh). |
Cùng chung thực trạng này, Chủ tịch UBND huyện U Minh Nguyễn Thanh Toản cho biết, những năm qua con tôm có giá trị kinh tế cao, tiêu thụ ổn định. Trong khi đó giá lúa bấp bênh, người dân tự ý đưa nước mặn, chuyển một phần diện tích sản xuất lúa 2 vụ trong vùng ngọt hoá và một phần diện tích đất lâm nghiệp sang nuôi tôm, phá vỡ hệ sinh thái vùng ngọt.
Ông Toản cho biết thêm, huyện U Minh xác định công tác quy hoạch và bố trí sản xuất mang định hướng chiến lược trong phát triển kinh tế của điạ phương. Hàng năm, UBND huyện xây dựng kế hoạch chuyển đổi sản xuất trình cấp thẩm quyền xem xét phê duyệt, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn làm tốt công tác quy hoạch sử dụng đất từng thời kỳ, từng giai đoạn để chủ động trong việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu để phát huy tối đa hiệu quả sản xuất.
Nguy cơ phá vỡ quy hoạch vùng ngọt
Vùng tiếp giáp với Vườn Quốc gia U Minh Hạ như ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, hay các địa bàn tiếp giáp như xã Khánh Bình, Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời nhiều hộ tự ý đưa nước mặn vào vùng ngọt để nuôi tôm. Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Lê Phong cho biết, UBND huyện đã dùng các biện pháp chế tài để ngăn chặn, tránh phá vỡ quy hoạch. Đến nay, các hộ này đã chuyển đổi, cải tạo lại hệ sinh thái ngọt, trồng lại các loại cây như dừa, tràm… Tuy nhiên, về lâu dài cần có nghiên cứu, đánh giá sâu hơn để bố trí cây trồng hợp lý.
Theo ông Phong, đối với các vùng sản xuất lúa xen kẽ trong đất lâm nghiệp sẽ phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ và các ngành chức năng quy hoạch lại diện tích trồng rừng theo hướng tách lúa ra khỏi rừng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ, vừa phát triển rừng theo hướng bền vững, lâu dài.
Để khắc phục tình trạng nhiễm mặn, bảo vệ vùng ngọt hoá, Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau Lê Thanh Triều cho biết, trước mắt sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ảnh hưởng xấu từ tác động của xâm nhập mặn để người dân chủ động ứng phó. Về lâu dài, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thuỷ lợi, kịp tham gia kiểm soát mặn - ngọt ngay trong mùa khô tới. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh hoàn thiện quy hoạch vùng, tiểu vùng theo hướng tích hợp đa ngành, gắn với quy hoạch tổng thể phát triển đa ngành kết hợp với quy hoạch dân cư và tổ chức sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Sản xuất "da beo" khiến ranh giới mặn và ngọt đan xen nhau gây ra mâu thuẫn trong hình thức tổ chức sản xuất. Trong điều kiện hệ thống thuỷ lợi chưa được đầu tư hoàn chỉnh như hiện nay, đây là nguyên nhân chính khiến diện tích ngọt hoá ngày một bị thu hẹp. Trước thực trạng này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chỉ đạo ngành nông nghiệp khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch, bố trí lại sản xuất phù hợp với tình hình thực tế của từng tiểu vùng. Song song đó, tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch khu vực rừng tràm U Minh Hạ nhằm đảm bảo cấp thoát nước phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trước tác động của biến đổi khí hậu gay gắt như hiện nay. Chú trọng xây dựng hệ thống công trình, vừa thực hiện nhiệm vụ ngăn mặn, chống tràn kết hợp đảm bảo vận chuyển lâm sản; tiếp tục nghiên cứu đề xuất mở rộng, nạo vét sâu hệ thống kênh mương, đảm bảo trữ nước vào mùa khô những năm tiếp theo./.
Bài cuối: SẢN XUẤT THEO HƯỚNG ĐA CANH
Trung Đỉnh