Mùa khô năm nay, tại các huyện: Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình, không chỉ đối mặt với tình trạng hạn hán, sụt lún đất, xâm nhập mặn... mà còn phải cấp bách giải quyết bài toán thiếu nước ngọt sinh hoạt, phục vụ sản xuất của người dân nông thôn.
- Ðảm bảo nước sinh hoạt, sản xuất mùa khô
- Về nơi khô hạn nhất
- Qua vùng khô hạn
- Chật vật trong khô hạn
Theo thống kê, hiện có hàng ngàn hộ dân trong toàn tỉnh có nguy cơ thiếu nước sạch. Ðiển hình, xã Biển Bạch (huyện Thới Bình) có trên 450 hộ thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Nguồn nước ngọt sinh hoạt phụ thuộc gần như hoàn toàn vào việc trữ nước mưa. Thị trấn Trần Văn Thời và 4 xã: Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Bình Ðông, Khánh Bình Tây và Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời) với trên 530 hộ có nguy cơ thiếu nước sạch sinh hoạt. Huyện U Minh, nhiều hộ dân ở xã Khánh Thuận, Khánh An, Nguyễn Phích trong tình cảnh tương tự...
Do thổ nhưỡng của địa phương không thể khoan được các giếng nước ngầm để sử dụng, nên người dân trông chờ vào lượng nước mưa và từ trạm cấp nước. Tuy nhiên, nhiều trạm bơm xuống cấp, công suất thấp, dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Ðể có nước sạch sử dụng trong mùa hạn, đa số hộ dân ở xã Biển Bạch và Tân Bằng, huyện Thới Bình, phải mua nước ngọt từ các ghe chở nước như thế này, với giá 30-50 ngàn đồng/m3.
Hàng ngàn dây màu của anh Nguyễn Văn Vẹn, ấp Ðá Bạc, xã Khánh Bình Tây, chuẩn bị lên giàn, nhưng lượng nước tưới rất hạn chế.
Ông Trần Văn Nhỏ, ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch, đứng canh hàng giờ chỉ hứng được vài lít nước. Ông nói, 2 năm trước nước mạnh còn hứng được, năm nay cả đêm hứng không được một thùng.
Cảnh khô hạn và thiếu nước sinh hoạt tại hộ ông Đinh Văn Dương, ấp Thanh Tùng.
Cụ bà Nguyễn Thị So, 71 tuổi, ngụ kênh Ngã Bát, xã Biển Bạch, đang ngồi canh từng giọt nước từ trạm bơm cung cấp để sử dụng cho sinh hoạt gia đình.
Trạm bơm xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, được lắp đặt cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân, tuy nhiên, lượng nước cung cấp vẫn không đáp ứng nhu cầu sử dụng.
Huỳnh Lâm thực hiện