Xuôi dòng sông Cửa Lớn, chúng tôi mất hơn nửa tiếng đồng hồ di chuyển bằng vỏ lãi mới đến được Kênh F8, thuộc ấp Cồn Cát, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển. Xóm chài nhỏ chỉ vỏn vẹn hơn 60 hộ dân sinh sống. Suốt mấy chục năm bám biển, cuộc sống khó khăn, vất vả vốn đã đeo bám những cư dân nơi đây như một điều hiển nhiên.
Tấp chiếc vỏ lãi vào nhà ông Hồ Phương Phong, hiện hoạt động trong Ban công tác Mặt trận ấp Cồn Cát, cũng là hộ hiếm hoi sống ở Kênh F8 có bán tạp hoá, mỗi lần muốn lấy hàng về bán cũng phải vượt sông lớn ra đến ngoài chợ Ông Trang. “Ở đây là vậy đó mấy cháu ơi! Mùa này còn đỡ, chứ vào mùa biển động từ tháng 8-12 âm lịch, mấy chiếc vỏ nhỏ là không đi được ra sông lớn đâu, nguy hiểm lắm”, ông Phong cho hay. Sinh sống ở đây từ năm 1989, người đàn ông tuổi U50 này nắm rõ hoàn cảnh từng người ở xóm. 63 hộ dân tại đây, đa phần là dân tứ xứ di cư đến lập nghiệp, những hộ sống lâu năm thì có được ít công vuông, còn lại làm nghề đáy hoặc khai thác thuỷ sản gần bờ.
Nhắc đến chuyện làm vuông, nuôi tôm, nghe ông Nguyễn Văn Hiền, người cũng xếp vào hàng "có của" ở xứ này, nói mà thấy rầu: “Hồi xưa ở đây cá tôm thiếu gì, nhưng mấy năm nay nguồn nước bị ô nhiễm, vuông thất nên tôi bán bớt, hiện chỉ còn 5 công thôi. Nuôi sò huyết kết hợp cũng không hiệu quả, thả giống tốn nhiều tiền quá, giờ cũng không dám nuôi”.
Nghề làm vuông, nuôi tôm sinh thái gắn bó với người dân trên con kênh này bao đời nay.
Theo ông Hiền, so với những xóm khác tại ấp Cồn Cát, người dân sống tại Kênh F8 gặp muôn vàn trở ngại khi không có đường, trạm y tế thì quá xa xôi. Những ngày biển động, nơi đây rơi vào tình cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, hàng loạt những khó khăn cũng từ đó mà ra. Như khi có người bệnh nặng, việc chuyển bệnh nhân vào đến trạm xá là nỗi ám ảnh giữa cảnh sóng to, nước chảy xiết. Cũng chính đường sá xa xôi, cách trở đã ngăn bước chân đến trường của những đứa trẻ nơi này.
Vì chưa có đường bộ nên bà con nơi đây giao thương đi lại bằng đường thuỷ.
Bàn chuyện học của trẻ em tại đây, ông Nguyễn Phước Thọ, Trưởng ấp Cồn Cát, trầm tư: “Ở đây, tụi nhỏ muốn đi học phải gửi ra xã, mướn nhà trọ ở mới đi học được. Có một số gia đình vì đông con, hoàn cảnh khó khăn nên chỉ học được 1, 2 năm thì cho nghỉ ở nhà bắt vọp, ốc len phụ giúp gia đình. Những trường hợp này rất khó khăn trong việc vận động các em đi học trở lại”.
Men theo bờ kênh, tìm mãi mới gặp được 2 căn nhà có bóng dáng trẻ con. Ðưa tay chỉ về nhóm 7 đứa trẻ đang nô đùa cùng nhau, ông Thọ chặc lưỡi: “Trong 7 đứa, có 5 đứa là anh em ruột cùng bỏ học hết rồi”.
Ðám nhỏ đứa nào cũng làn da sạm đen, thân hình ốm yếu, nhỏ nhất cũng đã 6 tuổi, lớn nhất khoảng 12, 13. Khi hỏi các em có muốn đi học lại không, chúng tôi chỉ nhận về cái lắc đầu. Tuy vậy, trong nhóm trẻ ấy lại có một cô bé 11 tuổi, đôi mắt sáng rỡ khi nói về việc học. Ðó là em Huỳnh Thị Quỳnh Hương, năm nay học lớp 4. Nhà Hương chỉ có 2 mẹ con sống nương tựa nhau. Mỗi năm học mới, em cùng mẹ phải ra chợ Ông Trang mướn phòng trọ để em dễ dàng đi học mặc dù chi phí sinh hoạt đội lên rất nhiều. Hương tâm sự: “Những ngày nghỉ hè, con theo các bạn vào rừng bắt ốc, bắt vọp, mỗi ngày kiếm được 30-40 ngàn đồng. Con thích đi học, đến trường gặp bạn bè lắm. Ði học để sau này có tương lai tốt đẹp, cho mẹ con bớt khổ”.
Vào những ngày hè, em Huỳnh Thị Quỳnh Hương hay cùng bạn bè trong xóm đi bắt vọp, ốc len phụ giúp gia đình.
Nếu như những năm trước, đến Kênh F8 vào buổi tối để tìm thấy ánh sáng của đèn điện là một điều xa xỉ, thì từ đầu năm nay, ánh sáng của điện lưới đã phủ sóng trong niềm vỡ oà hạnh phúc của bà con nơi đây. “Có điện rồi, người dân ở đây mừng lắm vì không còn phải sống trong cảnh đèn dầu nữa, sắp tới đây sẽ kéo thêm mạng Internet. Bây giờ xóm này mà có được một con đường về tới trung tâm xã thì chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi tích cực lắm”, ông Hồ Phương Phong phấn khởi.
Ông Trần Hiếu Giang, Phó chủ tịch UBND xã Viên An, cho biết: “Ðặc thù ấp Cồn Cát khá xa trung tâm xã, chính vì vậy điều kiện đi lại, sinh hoạt của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, các tuyến đường trục liên ấp đã đầu tư và có thể về tới trung tâm xã, tuy nhiên, với các tuyến đường xóm nhánh như tuyến về Kênh F8 một phần hạn chế, do phần đất Tỉnh đội quản lý, nguồn kinh phí eo hẹp nên vẫn chưa có cầu và đường. Xã phấn đấu từ đây đến giai đoạn năm 2025-2030 sẽ hoàn thiện các tuyến đường ở ấp Cồn Cát để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con giao thương, đi lại”./.
Hữu Nghĩa