(CMO) Đến nay, tôm sú Cà Mau đã được nhiều tổ chức quốc tế cấp chứng nhận ASC, B.A.P, GlobalGAP, Eu, Nuturland…, có mặt trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ (Mỹ, EU, Nhật Bản…). Với sự nổi tiếng này, Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau phối hợp với Trung tâm Phát triển nông thôn xây dựng chỉ dẫn địa lý, lô-gô chung cho tôm sú Cà Mau, góp phần nâng cao giá trị con tôm Cà Mau.
Từ việc triển khai Dự án “Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm sú Cà Mau”, kết quả phân tích các chỉ tiêu tôm sú nguyên liệu, tôm sú chế biến cùng với các chỉ tiêu chất bùn, nước… cho thấy nhiều lợi thế mà tôm Cà Mau có được.
Lô-gô chỉ dẫn địa lý được các ngành chức năng tiếp tục đóng góp, chỉnh sửa hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong thời gian tới. |
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Hợp tác xã nuôi tôm sinh thái, ấp Chà Là, xã Tam Giang, huyện Năm Căn, cho biết: “Tôi rất vui mừng với dự án này, bởi thực tế tôm sinh thái của Cà Mau so với tôm tỉnh khác thì ngọt, dai và ngon hơn. Theo tôi, có thể do độ phù sa và độ mặn nhiều hơn. Đây là 2 yếu tố làm cho tôm sinh thái Cà Mau có được đặc trưng trên”.
Theo ông Liêm, khi có được chỉ dẫn địa lý, lô-gô hoàn chỉnh, cần quản lý việc sử dụng hiệu quả, đảm bảo đúng nguồn gốc, xuất xứ và giá trị thực của sản phẩm tôm Cà Mau. "Phải làm sao cho khách hàng trong nước cũng như thế giới nhận biết được họ sử dụng con tôm đó có nguồn gốc và xuất xứ từ Cà Mau", ông Liêm bộc bạch.
Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau Thái Trường Giang cho biết: “Việc góp ý cho các nội dung, lô-gô nhằm đăng ký chỉ dẫn địa lý tôm sú Cà Mau là trách nhiệm chung của các đơn vị quản lý, các doanh nghiệp, hiệp hội chế biến thuỷ sản, các hợp tác xã nuôi tôm, phòng kinh tế - hạ tầng các huyện, thành phố. Đây là sản phẩm chung của người nuôi tôm, Sở Khoa học và Công nghệ chỉ đóng vai trò cơ quan quản lý. Phải có chỉ dẫn địa lý thì giá trị của con tôm sú sinh thái (bao gồm tôm nuôi dưới tán rừng ngập mặn, nuôi kết hợp trong ruộng lúa) của chúng ta sẽ được nâng cao. Đó là điều chắc chắn nhưng cao ở mức độ nào, đòi hỏi sắp tới phải thực hiện rất nhiều việc, sau khi được công nhận”.
Ông Nguyễn Văn Ba, chuyên viên Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Chủ nhiệm dự án, cho biết: “Chỉ dẫn địa lý là một trong những cách làm tốt nhất hiện nay được nhiều nước trên thế giới áp dụng cho sản phẩm đặc sản để không bị lạm dụng danh tiếng trên thị trường trong nước và quốc tế. Một số quốc gia đang rất thành công trong việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý như Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Thái Lan... Việt Nam cũng đang quan tâm hơn về chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm của mình”.
Thu hoạch tôm sú ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh. |
Theo số liệu nghiên cứu từ Trung tâm Phát triển nông thôn, hiện ở Việt Nam có 88 chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký bảo hộ, tuy không nhiều nhưng so với sản phẩm đặc thù thì tương đối lớn. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc hỗ trợ tài sản trí tuệ cho sản phẩm nông sản của Việt Nam.
Chỉ dẫn địa lý trước hết là cơ sở để bảo vệ danh tiếng và khẳng định danh tiếng, tránh hình thức xâm phạm về nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm đặc trưng của địa phương, như việc mạo danh cua, tôm Cà Mau được bán trên thị trường trong nước thời gian gần đây.
“Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho con tôm Cà Mau là công việc ban đầu. Để giữ gìn thương hiệu tôm Cà Mau, những người sản xuất, doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước phải nỗ lực hơn nữa để quản lý tốt chất lượng công bố tiêu chuẩn chất lượng theo bảng mô tả của mình. Theo đó, phải giữ gìn và phát huy được cái gì là cốt yếu nhất của tôm Cà Mau, như đảm bảo môi trường sinh thái, con giống, nguồn thức ăn và dinh dưỡng. Mục đích cuối cùng vẫn là quản lý chất lượng sản phẩm đồng đều như bản mô tả ban đầu đã đề ra", ông Nguyễn Văn Ba thông tin thêm./.
Diệu Lữ