(CMO) Không chỉ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, đồng bộ mà còn phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của các tỉnh lân cận và cả cảnh sát biển trong thanh tra, tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển… Đó là những nỗ lực của tỉnh trong thời gian qua nhằm tiến tới đẩy lùi hoạt động khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động tuần tra, kiểm soát, mới đây UBND tỉnh ban hành Công văn số 6280/UBND-NNTN về tăng cường tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền nâng cao hiệu quả chống khai thác IUU. Theo đó, công văn chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các cơ quan đoàn thể tỉnh và UBND các huyện có biển… tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân có liên quan các quy định, văn bản chỉ đạo của cấp thẩm quyền về chống khai thác IUU.
Không chỉ kiểm tra giấy tờ khi tàu ra vào các cửa biển mà lực lượng bộ đội biên phòng còn kết hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ven biển. |
Ngoài ra, công văn cũng chỉ đạo Sở NN&PTNT và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát biển, cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang tăng cường tuần tra, kiểm soát, tăng cường sự hiện diện của các lực lượng chức năng trên biển nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU và các hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Từ việc tăng cường công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát trên biển thời gian qua các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 857 vụ vi phạm với số tiền phạt hơn 13,1 tỷ đồng. Trong đó, thanh tra chuyên ngành của Chi cục Thuỷ sản đã phát hiện và tham mưu xử phạt hơn 504 vụ đối với tàu cá trong và ngoài tỉnh, còn lại hơn 353 vụ do Thanh tra Sở NN&PTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện phát hiện xử lý.
Hoạt động thanh tra, tuần tra, kiểm soát trên biển thời gian qua của các lực lượng đã mang lại hiệu quả cao trong chống khai thác IUU. Tuy nhiên, việc xử lý trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên biển còn gặp một số khó khăn nhất định. Những khó khăn, bất cập còn tồn tại hiện nay xuất phát từ một số quy định chưa phù hợp với thực tế của Nghị định 42/2019/NĐ-CP.
Có thể thấy, Nghị định 42/2019/NĐ-CP, ngày 16/5/2019, của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản có mức xử phạt mang tính răn đe rất cao, tạo tác động tích cực đến nhận thức của người dân. Tuy nhiên, nó vẫn còn tồn tại một số nội dung chưa phù hợp với thực tế. Cụ thể, trong nghị định không có quy định xử phạt đối với hành vi cung cấp thiết bị giám sát hành trình cho ngư dân không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định đối với nhà cung cấp.
Hay như trong nghị định không có quy định xử phạt đối với các hành vi về nghề cấm khai thác; danh mục chất cấm; thợ máy không có chứng chỉ; tàu cá cho chiều dài lớn nhất từ 6 m đến dưới 12 m không đánh dấu nhận biết hoặc đánh đấu sai so với quy định. Từ đó, trong thực tế khi phát hiện các hành vi này thì không thể tiến hành xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, một quy định khác khiến việc xử lý vi phạm khó khăn là khi lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện giấy phép khai thác hết hạn thì cần phải chứng minh tàu cá này có tham gia khai thác thuỷ sản mới đủ cơ sở để xử phạt. Trên thực tế hoạt động bán sản phẩm trên biển hiện nay khá phổ biến, từ đó trường hợp tàu đang hoạt động trên biển nhưng giấy phép khai thác hết hạn và trên tàu không có sản phẩm diễn ra rất nhiều, nhưng để chứng minh tàu này có tham gia khai thác thuỷ sản lại rất khó khăn.
Việc thanh tra, tuần tra, kiểm soát trên biển thời gian qua được các ngành chức năng triển khai thực hiện quyết liệt, mang lại hiệu quả cao. Bởi không chỉ tuần tra, kiểm soát để phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm mà còn tuyên truyền phổ biến các văn bản quy định của pháp luật và các văn bản khác có liên quan đến lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Do đó, để hoạt động thanh tra, tuần tra, kiểm soát trên biển đạt hiệu quả cao nhất cần có khung pháp lý toàn diện và sát với thực tế./.
Nguyễn Phú