Mặc dù 2 xã điểm của huyện Năm Căn đã về đích theo kế hoạch xây dựng nông thôn mới, nhưng lộ trình tiếp theo sẽ là chặng đường khó không kém gì chặng đầu…
Mặc dù 2 xã điểm của huyện Năm Căn đã về đích theo kế hoạch xây dựng nông thôn mới, nhưng lộ trình tiếp theo sẽ là chặng đường khó không kém gì chặng đầu…
Nghẽn về hạ tầng, môi trường
Qua trao đổi với đồng chí Trịnh Văn Lên, Bí thư Huyện uỷ Năm Căn, chúng tôi được biết, hiện tại lộ trình xây dựng nông thôn mới của Năm Căn đang trong quá trình "leo dốc" với quá nhiều "chướng ngại vật" khó vượt qua.
Lãnh đạo huyện thăm mô hình nuôi vọp của bà con xã Lâm Hải. |
Chính quyền địa phương và Nhân dân đang phải "vật lộn" với vô vàn khó khăn, thách thức khi cố gắng đưa các xã còn lại đạt 19/19 tiêu chí, trong đó nan giải nhất là tiêu chí giao thông nông thôn. "Tiêu chí này rất khó, nếu không muốn nói là gần như không thể đạt nếu không có nguồn hỗ trợ", đồng chí Trịnh Văn Lên chia sẻ.
Lý giải cho vấn đề vốn trong xây dựng hạ tầng nông thôn, ông Nguyễn Văn Khởi, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, cho biết: “Do đặc thù ở đây đất rộng, nhà thưa, nền đất lại yếu nên việc xây dựng hạ tầng nông thôn rất tốn kém. So với những nơi khác, khi làm lộ thì nền đất đen đã sẵn có nên người dân chỉ đóng góp thêm với Nhà nước để bê-tông hoá. Còn ở Năm Căn, người dân phải bỏ tiền thuê cơ giới để gia cố bờ và làm lộ đất đen, chi phí quá lớn nên khó có khả năng đóng góp thêm vào lộ bê-tông cùng với Nhà nước”.
Như đã nói ở trên, do diện tích đất rộng mà nhà dân thì thưa nên khi làm lộ người dân đóng góp về đất đen đã quá lớn, quá khả năng của họ nên hầu như các tuyến đường Nhà nước phải hỗ trợ rất nhiều. Trong khi đó, kinh phí đầu tư xây dựng giao thông nông thôn hằng năm chỉ vài trăm triệu đồng, chỉ đủ duy tu lộ.
Ðiển hình như 2 xã điểm Hàm Rồng và Hàng Vịnh đã đạt chuẩn vừa qua, để xây dựng hoàn thiện tuyến giao thông cơ bản đủ chuẩn, tổng nguồn vốn trong 5 năm ở Hàm Rồng là hơn 22 tỷ đồng (trong đó vốn Nhà nước trên 15 tỷ đồng), còn Hàng Vịnh thì hơn 24 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách gần 18 tỷ đồng). Như vậy, với nguồn kinh phí như hiện nay, bình quân mỗi xã vài trăm triệu đồng để xây dựng giao thông nông thôn thì không thể làm được.
Tiêu chí môi trường cũng là vấn đề khiến nhiều xã trên địa bàn huyện băn khoăn, trăn trở. Là xã vùng mặn, tình trạng sạt lở đất diễn ra thường xuyên nên khó nhất của địa phương là làm bờ kè chống sạt lở và trồng hàng rào cây xanh. Cô Huỳnh Thị E, ấp 2, xã Hàng Vịnh, bộc bạch: “Gia đình chỉ có hơn 10 công vuông, cuộc sống không khá giả gì nên việc làm bờ kè chống sạt lở không thể thực hiện được. Có hộ mặt tiền vài công đất thì sao làm nổi bờ kè, nói chi đến chuyện đóng góp với Nhà nước để làm đường".
Sản xuất ngày càng khó khăn nên người dân cũng chưa ý thức cao đến việc “hưởng thụ” về mặt mỹ quan cũng như môi trường. Chỉ chuyện đóng tiền thu gom rác mà dân còn không chịu, nói chi đến chuyện trồng cây xanh hay làm bờ kè. Ông Triệu Quang Lợi, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, nhận xét sau khi thẩm định tại ấp 2, xã Hàng Vịnh: “Cảnh quan môi trường còn nhiều hạn chế; tình trạng bà con vứt rác xuống sông vẫn còn khá phổ biến”. Ông Trần Ðăng Khoa, Chi cục phó Chi cục Thống kê, cho hay, trong các xã đã thẩm định thì Hàng Vịnh là một trong những xã khó đạt tiêu chí về môi trường”.
Sản xuất thiếu đồng bộ
Ông Nguyễn Văn Khởi cho biết: “Mặc dù huyện Năm Căn rất quan tâm đến việc phát triển sản xuất (tiêu chí 13 - Hình thức tổ chức sản xuất) trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, do đặc thù địa hình vùng sông nước sạt lở thường xuyên, phù sa bồi lắng nhanh, những năm gần đây triều cường lên cao, nên gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ sản xuất. Nguồn vốn đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất còn thiếu trầm trọng, gây khó khăn cho việc quy hoạch phát triển sản xuất tại địa phương.”
Lộ trình từ đây đến năm 2020, Năm Căn sẽ có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn là 7/7 xã. Huyện xác định nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ cốt lõi trong mọi nhiệm vụ tại địa phương. Ðồng chí Trịnh Văn Lên bộc bạch: “Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới. Ðây là nhiệm vụ rất khó khăn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, địa phương. Vì vậy, cần có các giải pháp đồng bộ, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có sự phối, kết hợp chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ. Hiện nay, huyện đang thực hiện việc rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển đô thị và tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, sản xuất hàng hoá theo hướng tập trung, nâng cao chất lượng, vùng sản xuất dần theo quy hoạch; các nghề truyền thống ngày càng phát triển, tạo nhiều việc làm góp phần thúc đẩy sản xuất và chuyển dịch cơ cấu nông thôn".
Ðịnh hướng thì vậy, nhưng hiện tại tốc độ tăng trưởng trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hoá của huyện còn chậm và thiếu bền vững; nền sản xuất còn mang nặng tính tự cung tự cấp; các mô hình sản xuất mới trên địa bàn chậm được nhân rộng; lĩnh vực sản xuất nông - lâm - thuỷ sản còn kém hiệu quả, chưa tận dụng hết bờ bao vuông tôm để phát triển một số cây trồng thích hợp; cơ cấu các doanh nghiệp thiếu cân đối, chủ yếu là các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất tôm giống và một số ngành dịch vụ khác. Ðó là những vấn đề cần phải tập trung quyết liệt bằng các giải pháp hợp lý thì việc xây dựng nông thôn mới ở Năm Căn trong thời gian tới mới có thể đạt được những kết quả tích cực hơn./.
Bài và ảnh: Huệ Như