(CMO) Cà Mau hiện có hơn 140 HTX nông nghiệp với trên 2.700 thành viên, mức thu nhập bình quân trên 110 triệu đồng/thành viên/năm. Nhiều HTX trên địa bàn tỉnh làm ra nhiều sản phẩm hàng hoá đặc trưng, có chỗ đứng trên thị trường. Và thương hiệu là một trong những nhân tố góp phần duy trì, mở rộng phát triển thị trường cho HTX.
Hiện, các HTX trên địa bàn tỉnh xem tiêu thụ sản phẩm đóng vai trò quan trọng, quyết định sự tồn tại và phát triển. Khi sản phẩm dịch vụ của HTX được tiêu thụ và sử dụng, tức nó đã được người tiêu dùng chấp nhận. Sức tiêu thụ sản phẩm của HTX thể hiện ở mức bán ra, uy tín thương hiệu, chất lượng của sản phẩm, sức hấp dẫn tiêu dùng và sự hoàn thiện của các hoạt động dịch vụ.
Quan tâm xây dựng thương hiệu
Tân Phát Lợi (xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển) là một trong những HTX đi đầu cung cấp các sản phẩm từ con tôm cho thị trường hiện nay. HTX đã lựa chọn tôm đất, tôm bạc sinh trưởng trong tự nhiên, thịt ngọt và tươi làm nguyên liệu từ 7-8 tấn/tháng để sản xuất, cho ra hơn 10 sản phẩm các loại khác nhau, có giá trị cao, được thị trường chấp nhận như: tôm khô nguyên vỏ, tôm khô tách vỏ, tôm khô chà bông, mắm tôm, bánh phồng tôm, muối tôm… Trong đó có 5 sản phẩm đạt chất lượng sản phẩm nông thôn tiêu biểu và 1 sản phẩm đạt cấp quốc gia. Thời gian đầu, HTX gặp nhiều khó khăn do năng lực kinh doanh, nguồn vốn còn yếu. Qua sự hỗ trợ của Sở Công thương như giúp HTX tham gia hội chợ, kết nối cung cấp hàng hoá tại các tỉnh, thành khác..., hiện nay sản phẩm của HTX được đông đảo người tiêu dùng đón nhận, từng bước khẳng định thương hiệu.
Năm nay, HTX đã mở rộng lên đến 14 đại lý tại nhiều khu vực trên cả nước và cung cấp sản phẩm vào các kênh siêu thị. Bên cạnh đó, các thành viên HTX cung cấp nguyên liệu cho HTX sẽ được giá cao hơn 10% so với giá thị trường, còn thành viên HTX tiêu thụ hàng hoá sẽ được giá thấp hơn 10%, xã viên góp vốn vào còn được chia đồng đều lợi nhuận. Từ đó, đời sống xã viên ngày càng được nâng lên. Định hướng của HTX đến năm 2025 là tất cả 63 tỉnh, thành đều có đại lý, đầu tư thêm máy móc, thiết bị, nâng sản lượng lên khoảng 20 tấn/tháng.
Giám đốc HTX Tân Phát Lợi Bùi Văn Chương cho biết: “Xây dựng thương hiệu bền vững là yếu tố sống còn của HTX trong kinh doanh và phát triển, vì vậy, cần tạo sự khác biệt trong quá trình sản xuất sản phẩm, nhất là cải tiến về máy móc, trang thiết bị kỹ thuật. HTX Tân Phát Lợi rất chú trọng đầu tư, mua sắm máy móc, trang thiết bị hiện đại, bao gồm thiết bị sấy tôm khô sử dụng năng lượng mặt trời rộng 115 m2, kho đông lạnh có thể trữ được 50 tấn sản phẩm. Từ đó, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm và giảm chi phí hơn rất nhiều so với trước đây, tạo được niềm tin cho người sử dụng”.
Mặc dù còn nhiều khó khăn trong quản lý nhưng các HTX trên địa bàn tỉnh đều mong muốn phát triển thương hiệu, kỳ vọng sản phẩm hàng hoá và dịch vụ của khu vực kinh tế tập thể phát triển theo hướng bền vững.
HTX Tân Phát Lợi từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu trên thị trường. |
Nhãn hiệu “Gạo sạch Minh Tâm” của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Minh Tâm (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) chính thức có mặt trên thị trường vào cuối năm 2018. Với quy mô 1.000 ha của 300 hộ nông dân ở 3 khu vực (xã Khánh Hưng, Khánh Bình Tây và Khánh Bình Tây Bắc), sản phẩm này được Sở NN&PTNT ký Quyết định số 3644/QĐ-SNN, ngày 25/12/2018, công nhận vùng sản xuất lúa và sản phẩm lúa an toàn cho HTX. Gạo sạch Minh Tâm được sản xuất từ các giống lúa cao sản như ST24, RVT, OM5451, Nàng hoa 9.
Trở thành điểm tựa của nông dân, HTX không chỉ thu mua lúa cao hơn so với giá lúa thị trường từ 200-500 đồng/kg mà còn tạo ra sản phẩm đặc trưng. Ngoài thị trường trong tỉnh, gạo sạch Minh Tâm hiện đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ... Bình quân xuất bán từ 20-30 tấn gạo/tháng.
Ông Tạ Minh Kha, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Minh Tâm, thông tin thêm: “Quy trình sản xuất gạo sạch của HTX rất nghiêm ngặt. Lúa giống, phân, thuốc phải có nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt, không sử dụng phân hoá học, chỉ sử dụng phân đạm sinh học, phân công nghệ sinh học. Khi lúa chín, ngành chuyên môn lấy mẫu kiểm tra, đạt chất lượng mới cấp giấy chứng nhận. Xuất phát từ tiêu chí nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Tôi và các thành viên HTX luôn mong muốn tạo ra sản phẩm gạo đạt chất lượng cao, để khẳng định thương hiệu gạo Cà Mau, nâng cao giá trị của hạt gạo, giúp nông dân tăng thu nhập”.
Khắc phục những trở lực
Trước xu thế hội nhập của nền kinh tế, nhiều HTX ý thức được tầm quan trọng của việc phát triển thương hiệu để mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh. Thông qua thương hiệu, người tiêu dùng sẽ tin tưởng, yên tâm và mong muốn được lựa chọn, tiêu dùng sản phẩm hàng hoá và dịch vụ của HTX. Với sự trợ sức của các cấp, ngành chức năng đã có những tác động tích cực giúp HTX xây dựng, phát triển thương hiệu riêng có uy tín và giá trị thương mại cao; mở rộng thị trường sản xuất, tăng lợi nhuận, hướng đến sự phát triển bền vững và chuyên nghiệp hơn, góp phần xây dựng thương hiệu mạnh cho sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Thực tế hiện nay, khu vực kinh tế tập thể cũng đã chú trọng đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực và các hoạt động bảo vệ, phát triển nhãn hiệu hàng hoá. Tuy nhiên, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh còn eo hẹp về kinh phí, không có điều kiện đầu tư nhiều vào nâng cấp, đổi mới máy móc, mua sắm thiết bị công nghệ hiện đại. Trong khi đó, công tác tiếp thị cũng như việc đặt hàng, bán hàng trực tuyến thông qua website còn yếu kém... Điều này làm cho các mặt hàng của HTX tiêu thụ trên thị trường bị hạn chế.
Phó chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau Trần Văn Mân cho biết: “Hiện nay, đa số các HTX đều ý thức được tầm quan trọng của thương hiệu trong quá trình hội nhập. Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh Cà Mau đã mở nhiều lớp tập huấn cho các nhà quản trị, người điều hành HTX kiến thức, kỹ năng xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu. Việc đào tạo huấn luyện này đã thúc đẩy các HTX tiến tới xây dựng thương hiệu cho riêng mình, thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; triển khai nhiều giải pháp, cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ để các HTX phát triển thương hiệu phù hợp với khả năng riêng của từng HTX, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, giúp sản phẩm của địa phương vững vàng vươn xa. Bên cạnh đó, các HTX cần khắc phục những hạn chế, khó khăn, năng động hơn, từng bước khẳng định thương hiệu trên thương trường, từ đó vấn đề tiêu thụ sản phẩm sẽ tốt hơn”./.
Thảo Mơ