ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 18-4-25 05:37:38
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 3: Giải mã “điểm nghẽn” để khơi thông tiềm năng

Báo Cà Mau Tốc độ đô thị hoá của Cà Mau tăng trung bình 1,3%/năm, phản ánh sức hút và tiềm năng nội tại. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm lực vốn có và còn cách biệt so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Quá trình đô thị hoá tại Cà Mau vẫn đang đối diện với những nút thắt cần tháo gỡ.

Những điểm nghẽn

Hạ tầng yếu kém, nguồn lực hạn chế và khả năng thu hút đầu tư chưa đủ mạnh là những rào cản chính. Giao thông chưa đồng bộ khiến chi phí logistics cao, doanh nghiệp khó mở rộng sản xuất, dẫn đến dòng vốn đầu tư bị hạn chế. Khi thiếu tài chính để nâng cấp hạ tầng, đô thị hoá lại càng chậm, kéo theo hệ luỵ về chất lượng sống và kinh tế. Ngoài ra, tình trạng xây dựng tự phát, quy hoạch chắp vá khiến nhiều khu vực bị bỏ hoang, trong khi trung tâm lại quá tải. Quỹ đất chưa khai thác hiệu quả, “quy hoạch treo” kéo dài làm cản trở đầu tư.

Dù đã có chuyển biến tích cực từ Chương trình số 27-CT/TU và nhận thức về phát triển đô thị theo Nghị quyết 06-NQ/TW ngày càng nâng cao, tiến độ triển khai các giải pháp vẫn chậm, chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Theo Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hồ Hải, các chỉ tiêu quan trọng như: GRDP khu vực đô thị, tỷ lệ cây xanh hay đất giao thông... chưa đạt mục tiêu đề ra. Một phần do tác động của Covid-19, biến đổi khí hậu, nhưng quan trọng hơn là bộ máy quản lý đô thị còn cồng kềnh, phối hợp giữa các sở, ngành lỏng lẻo, thủ tục hành chính phức tạp khiến doanh nghiệp e ngại đầu tư.

Năm Căn được xác định là đô thị trọng điểm nhờ lợi thế cảng biển và khu kinh tế. Tuy nhiên, hơn một thập kỷ sau quy hoạch, khu kinh tế này vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư lớn. Ông Ngô Quốc Nam, Phó giám đốc Phụ trách Cảng Năm Căn, cho biết: “Cảng Năm Căn gặp khó khăn do luồng cửa Bồ Ðề cạn, khiến tàu lớn khó cập cảng. Ðặc biệt, tại khu vực gần phao số 0, nơi cao độ luồng thấp nhất chỉ khoảng 1,8 m. Khi thuỷ triều đạt mức cao nhất 3 m, độ sâu tối đa của luồng chỉ khoảng 5 m, gây hạn chế đáng kể trong việc tiếp nhận tàu có tải trọng trên 5.000 tấn vào cảng. Hệ thống giao thông kết nối chưa hoàn thiện càng làm giảm sức hút đầu tư”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hiển kiểm tra khu kinh tế huyện Năm Căn.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hiển kiểm tra khu kinh tế huyện Năm Căn.

Thông tin từ Sở Tài chính tỉnh, từ đầu năm 2025, tỉnh thu hút 3 dự án mới, với tổng vốn 209,6 tỷ đồng, tăng so với năm trước nhưng quy mô chưa lớn. Nhiều dự án chậm triển khai do vướng mắc về mặt bằng và thủ tục pháp lý. Các nhà đầu tư vẫn dè dặt do chi phí logistics cao và chính sách ưu đãi chưa đủ hấp dẫn.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Ðức Hiển nhấn mạnh: “Tiềm năng của Năm Căn rất lớn, nhưng hạ tầng giao thông, quỹ đất sạch và chính sách ưu đãi chưa đủ sức hút. Muốn thu hút đầu tư, phải giải quyết đồng bộ những vấn đề này”.

Tỉnh đang tập trung phát triển 2 đô thị tiềm năng, là Sông Ðốc và Năm Căn, đặt mục tiêu lên đô thị loại III. Tổng vốn đầu tư dự kiến đến năm 2030 lên tới 24.481 tỷ đồng, đòi hỏi tỉnh phải huy động vốn Trung ương, hợp tác công tư (PPP) và nguồn vay ưu đãi (ODA). Tuy nhiên, hệ thống giao thông hiện tại chưa đáp ứng nhu cầu. Toàn tỉnh có hơn 1.200 km đường bộ, nhưng chỉ 30% đạt chuẩn. Cầu, cống yếu kém tiếp tục là điểm nghẽn lớn làm tăng chi phí vận chuyển. Bên cạnh đó, tỷ lệ đất giao thông, công trình công cộng còn thấp, trong khi tiêu chí đô thị xanh và đô thị thông minh mới chỉ ở giai đoạn đầu.

Ðể đô thị hoá bứt phá, Cà Mau cần tập trung vào 4 giải pháp trọng tâm, đó là nâng cấp hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư chiến lược, đổi mới quản lý đô thị và xây dựng chính sách ưu đãi đột phá. Khi các điểm nghẽn này được tháo gỡ, Cà Mau mới có thể trở thành đô thị phát triển bền vững, hiện đại và xứng tầm tiềm năng vốn có.

Cần bước đột phá đồng bộ

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi khẳng định, quy hoạch đô thị đồng bộ, kết hợp đầu tư hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo Chương trình số 27-CT/TU là nền tảng quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng. Ðể hiện thực hoá mục tiêu này, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư công vào các công trình hạ tầng trọng điểm, đồng thời thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách thông qua cơ chế ưu đãi, khai thác hiệu quả quỹ đất nhằm phục vụ phát triển đô thị.

Tỉnh đang huy động đa dạng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, hợp tác công tư (PPP) đến vốn ODA để phát triển hạ tầng hiện đại, bền vững. Ðặc biệt, việc mở rộng giao thông liên vùng, cải tạo cầu cống, nâng cấp cảng nước sâu là những giải pháp quan trọng để kết nối Cà Mau với các trung tâm kinh tế khác trong khu vực. Song song đó, tỉnh cũng chú trọng đầu tư vào giáo dục, y tế, nhà ở xã hội nhằm nâng cao chất lượng sống, giữ chân lao động và tạo động lực phát triển dài hạn.

Theo đó, hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế đang được đẩy mạnh hoàn thiện để thu hút đầu tư, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Theo ông Trần Lĩnh Trang, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, bên cạnh chính sách ưu đãi, việc sẵn sàng quỹ đất sạch và hạ tầng đồng bộ là yếu tố then chốt để doanh nghiệp quyết định đầu tư. Hiện tỉnh đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế theo định hướng 2030-2050, đồng thời đẩy nhanh tiến độ lập các phân khu chức năng làm cơ sở thu hút đầu tư.

Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh: “Hạ tầng đồng bộ là chìa khoá thu hút doanh nghiệp. Chúng ta sẽ triển khai Nghị quyết 03-NQ/TU, huy động vốn từ Trung ương, địa phương và hợp tác công tư để tập trung đầu tư các dự án trọng điểm, đặc biệt là giao thông kết nối”.

Về quỹ đất phục vụ đầu tư, ông Trần Lĩnh Trang cho biết: “Tỉnh đang đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo hướng minh bạch, tránh ách tắc cho doanh nghiệp. Ðồng thời, tập trung phát triển hạ tầng logistics, mở rộng giao thông thuỷ nhằm giảm chi phí vận chuyển, tăng sức hấp dẫn môi trường đầu tư”.

Nhằm phát triển đô thị một cách bài bản, Cà Mau đã tổ chức nhiều đoàn công tác học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh có đô thị hoá mạnh, như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai, Ðà Nẵng. Ông Dư Minh Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau, cho biết: “Chúng tôi thực sự ấn tượng với cách các địa phương này phát triển đô thị vệ tinh. Tất cả đều có quy hoạch rõ ràng, khu công nghiệp kết nối thuận tiện, hệ thống giao thông được tính toán kỹ lưỡng để tránh ùn tắc, nâng cao hiệu suất vận chuyển hàng hoá”.

Không chỉ học hỏi về quy hoạch, Cà Mau cũng nghiên cứu mô hình đô thị thông minh tại các tỉnh tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào quản lý đô thị, giao thông, môi trường. Các giải pháp, như hệ thống cảnh báo ngập lụt thông minh, trung tâm điều hành đô thị số... đang được tỉnh xem xét áp dụng để nâng cao chất lượng sống.

TP Cà Mau đang tìm giải pháp chống ngập nước đô thị mùa mưa. (Ảnh chụp tại Phường 2, ngày 31/3/2025).

TP Cà Mau đang tìm giải pháp chống ngập nước đô thị mùa mưa. (Ảnh chụp tại Phường 2, ngày 31/3/2025).

Song song với phát triển đô thị thông minh, Cà Mau đang chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng đô thị xanh, ứng dụng công nghệ vào quản lý tài nguyên và giảm thiểu tác động môi trường. Một trong những dự án tiêu biểu là mô hình “thành phố bọt biển” (Sponge City), hợp tác giữa Sở Xây dựng và Tổ chức Hợp tác Phát triển Ðức (GIZ). Dự án được thí điểm tại Phường 8 và xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau) với quy mô 933 ha (dự kiến mở rộng lên 1.530 ha), áp dụng giải pháp tăng khả năng thấm nước tự nhiên, giảm bề mặt bê tông hoá, nâng cao hiệu quả thoát nước.

Bà Cao Hồng Cẩm, Chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm, cho biết: “Mô hình thành phố bọt biển, với thiết kế vỉa hè nền rỗng thay vì bê tông hoá như trước đây giúp thoát nước mưa nhanh chóng, hạn chế tình trạng ngập úng đô thị. Bên cạnh đó, xã đang tập trung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với các ấp thông minh, hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản và không gian làng quê xanh, thoáng đãng. Cùng với Phường 8, xã Lý Văn Lâm đã được tập huấn về mô hình này".

Bên cạnh đó, tỉnh cũng nghiên cứu mô hình “thành phố vệ tinh”, phát triển các khu đô thị mới theo hướng trọng điểm với hệ thống hạ tầng và dịch vụ đồng bộ. Ðặc biệt, quy hoạch các khu thương mại - dịch vụ ven sông đang được xem là giải pháp tiềm năng, giúp tận dụng lợi thế cảnh quan, đồng thời thúc đẩy du lịch và bất động sản.

Quá trình đô thị hoá của Cà Mau không chỉ dừng lại ở việc mở rộng quy mô, mà quan trọng hơn là chất lượng phát triển và tính bền vững. Với chiến lược phát triển đồng bộ, có trọng tâm và định hướng rõ ràng, Cà Mau đang đứng trước cơ hội bứt phá, vươn lên trở thành một trong những đô thị phát triển nhanh và bền vững của vùng Tây Nam Bộ.


Thực hiện Quyết định số 950/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển đô thị thông minh bền vững, Cà Mau đang xây dựng Ðề án phát triển TP Cà Mau thành đô thị thông minh. Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC), tích hợp dữ liệu đa lĩnh vực phục vụ quản lý và điều hành; Phát triển Trung tâm dữ liệu tích hợp giám sát an ninh, giao thông, môi trường và an toàn mạng (SOC), đảm bảo vận hành đô thị an toàn, hiệu quả; Tạo lập kho dữ liệu đô thị và cơ sở dữ liệu kinh tế - xã hội, hỗ trợ công tác dự báo, ra quyết định; Tích hợp với Trung tâm điều hành dịch vụ đô thị thông minh cấp tỉnh, tạo liên kết chặt chẽ trong quản lý đô thị... Dự kiến, đến năm 2030, sau khi triển khai thí điểm tại TP Cà Mau, mô hình này sẽ được nhân rộng tại các đô thị tiềm năng, như Năm Căn, Sông Ðốc, từng bước hoàn thiện chỉ tiêu đô thị thông minh và nâng cấp đô thị theo hướng bền vững.

 

Loan Phương - Việt Mỹ

Bài cuối: Nền móng vững chắc cho Cà Mau vươn xa

 

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh

Tỉnh Cà Mau đang kiến tạo một nền tảng vững chắc để đô thị hoá trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ðến cuối năm 2024, tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh đạt 33,04%, với 22 đô thị, cao hơn mức trung bình của đồng bằng sông Cửu Long (32,0%) và vượt một số tỉnh lân cận, như Vĩnh Long (28,7%), Hậu Giang (30,5%)... Với TP Cà Mau, Năm Căn và Sông Ðốc làm tam giác động lực, tỉnh không chỉ mở rộng không gian đô thị mà còn tạo sức bật kinh tế toàn diện. Không chạy theo đô thị hoá ồ ạt, tỉnh tập trung xây dựng nền tảng hạ tầng vững chắc, phát huy lợi thế kinh tế biển, logistics và dịch vụ thương mại để trở thành điểm sáng mới của vùng Tây Nam Bộ.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững - Bài cuối: Khơi thông dòng chảy

Khởi nghiệp dựa vào tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng tài nguyên bản địa của địa phương là một lợi thế. Tuy nhiên, nó cũng có nhiều thách thức cho hoạt động khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp “xanh” nói riêng của tỉnh. Ðể nâng tầm khởi nghiệp “xanh”, Cà Mau đang cần những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Ðịa phương cũng cần chú trọng hơn đến phát triển kinh tế bền vững và hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp “xanh”, cũng như các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, đào tạo, phát triển cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững - Bài 2: "Ghi điểm" trên "sân nhà"

Khởi nghiệp “xanh” tại Cà Mau mang đến động lực, truyền cảm hứng từ những câu chuyện thực tế của những bạn trẻ đầy nhiệt huyết, mạnh dạn tận dụng sân nhà để phát huy giá trị sản phẩm kinh doanh, gợi mở nhiều cơ hội trong tiến trình khởi nghiệp.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã trở thành xu thế chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở nước ta, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là chủ trương lớn của Ðảng. Nghị quyết 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị đã xác định rõ vai trò của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trong đó doanh nghiệp là trọng tâm của quá trình đổi mới sáng tạo quốc gia.

Hướng tới chính quyền số toàn diện - Bài cuối: Xây dựng nền hành chính kiến tạo, phục vụ

Nếu chuyển đổi số (CÐS) trong thủ tục hành chính (TTHC) là bước đột phá giúp cắt giảm phiền hà, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp, thì xây dựng chính quyền thông minh lại mang tầm vóc lớn hơn. Ðó không chỉ là việc đưa công nghệ vào bộ máy quản lý Nhà nước, mà còn là một cuộc chuyển đổi toàn diện về tư duy điều hành, phương thức hoạt động và tinh thần phục vụ. Không còn cảnh văn phòng hành chính đầy ắp hồ sơ, giấy tờ, chính quyền số hôm nay đang định hình một mô hình làm việc mới: liên thông, minh bạch, gần gũi và lấy sự hài lòng của người dân làm trung tâm.

Hướng tới chính quyền số toàn diện

Hai năm liền (2023-2024), Cà Mau dẫn đầu cả nước về chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp, đây là dấu ấn nổi bật của tỉnh trong công tác cải cách hành chính (CCHC). Ðể có được thành tựu này, tỉnh không chỉ đơn giản hoá thủ tục mà còn đổi mới mạnh mẽ phương thức phục vụ. Hệ thống một cửa liên thông được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã, giúp rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, nâng cao tính minh bạch, hiệu quả, sự hài lòng trong dân.

Tự hào vùng đất Tây Nam - Bài cuối: Biển - Dòng chảy phồn vinh

Ðịa bàn biên giới biển toàn vùng Tây Nam trải dài hơn 700 km, chiếm 1/5 tổng chiều dài bờ biển của cả nước, không chỉ là tuyến phòng thủ chiến lược mà còn là nguồn sống của hàng triệu ngư dân. Với hệ sinh thái phong phú, vùng biển này mang trong mình tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển, đóng góp quan trọng vào công cuộc dựng xây đất nước.

Tự hào vùng đất Tây Nam - Bài 3: Hồi sinh Ba Chúc

Cách nay 50 năm, trong khi các địa phương trong cả nước đang bắt tay kiến thiết quê hương sau đại thắng mùa Xuân 1975 thì Nhân dân Ba Chúc lại mang thêm trên mình những vết thương của nạn thảm sát diệt chủng Pol Pot. Nếu so sánh xuất phát điểm của vùng đất thanh bình vươn lên sau chiến tranh thì Ba Chúc khởi điểm sau các vùng đất khác 10 năm, với nền tảng ban đầu: đất đai cằn cỗi, nhà cửa xơ xác, cuộc sống của người dân bấp bênh giữa đói nghèo và ký ức đau thương. Trở lại Ba Chúc hôm nay là thị trấn sầm uất của huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Tự hào vùng đất Tây Nam - Bài 2: Hà Tiên - Giữ nhịp hai vùng biên cương

Nằm ở cực Tây Nam Tổ quốc, Hà Tiên không chỉ nổi danh với cảnh sắc thiên nhiên mà còn là vùng đất biên giới từng chịu nhiều biến động. Những năm 1977-1978, chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ, Hà Tiên trở thành tuyến đầu chống lại sự xâm lược của quân Khmer Ðỏ, thị xã nhỏ bé khi ấy hoang tàn. Sau chiến tranh, Hà Tiên đối mặt với những thách thức mới: phục hồi kinh tế, ổn định dân cư và bảo vệ biên giới. Những năm 80, vùng đất này vẫn nghèo nàn, ít người lui tới. Năm 2018, Hà Tiên chính thức trở thành thành phố, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ, là trung tâm du lịch, thương mại sầm uất của tỉnh Kiên Giang.

Tâm thế nào trước cuộc đổi thay lớn? - Bài 2: Chọn tâm – thế đúng

Vận động, thay đổi là quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội, quá trình này bao gồm cả cơ chế đào thải, đồng thời cũng mở ra những cơ hội để những nhân tố có khả năng thích ứng, linh hoạt bứt phá vươn lên để khẳng định vị trí. Trước cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh gọn đội ngũ nhân lực, vấn đề lựa chọn cho mình tâm thế đúng, con đường đúng để chạm đến thành công lại một lần nữa được xã hội đặc biệt quan tâm.