(CMO) Năm qua, với sự kỳ quyết của chính quyền địa phương và nỗ lực của các chủ thể, kết quả thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP) của huyện Trần Văn Thời bước đầu thành công với 4 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao cấp tỉnh, gồm: 2 sản phẩm khô cá bổi U Minh (cơ sở Tư Hùng và cơ sở Tám Oanh), sản phẩm chuối khô (cơ sở Bảy Hoàng) và gạo sạch Minh Tâm của HTX Minh Tâm, xã Khánh Bình Tây. Ðây là động lực phấn đấu để năm nay đạt chỉ tiêu cao về số lượng lẫn chất lượng.
Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời Lê Kuy Ba chia sẻ: Năm nay, toàn tỉnh có hơn 40 sản phẩm được chọn để xây dựng sản phẩm OCOP, riêng huyện Trần Văn Thời đã có 11 sản phẩm của 11 chủ thể được chọn để phát triển. 11 sản phẩm “tiền” OCOP năm nay của huyện là những sản phẩm được chọn lọc từ thế mạnh của địa phương trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.
Phát huy từ sức trẻ
Rút kinh nghiệm những năm qua, chị Lê Kuy Ba cho biết, năm nay huyện không ngại chọn những hộ cá thể, những hộ sản xuất nhỏ lẻ; mục tiêu quan trọng là chủ thể chịu làm và có tâm huyết.
Theo chân chị Lê Kuy Ba, chúng tôi thăm đôi vợ chồng trí thức trẻ mê khởi nghiệp từ sản phẩm nước ép trái nhàu, đó là anh Khưu Văn Chương (sinh năm 1980) và chị Văn Kim Loan (sinh năm 1987). Công ty riêng của vợ chồng trẻ có tên Công ty TNHH Sản xuất thương mại SK NONI.
Vợ chồng tri thức trẻ Khưu Văn Chương và Văn Kim Loan đầu tư mô hình chiết cất nước cốt nhàu khép kín, với kinh phí hơn 2 tỷ đồng. |
Anh Chương tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin và gắn bó gần 10 năm với Công ty Viễn thông Quân đội Viettel. Chị Loan tốt nghiệp ngành thương mại của trường đại học danh tiếng RMIT. Cưới nhau và lập nghiệp ở Sài Gòn, về sau do cha mẹ ngày càng lớn tuổi, anh chị quyết định về quê sinh sống để tiện bề chăm sóc cha mẹ.
Qua nhiều lần lựa chọn mô hình khởi nghiệp, nhận thấy tiềm năng từ cây nhàu, giữa năm 2018, trên diện tích 5 ha, anh Chương trồng 15.000 cây nhàu giống. Hiện nay, tuỳ theo mùa, có thể thu hoạch dao động từ 1,5-3 tấn trái.
Từ việc bán hàng theo hình thức gia đình nhỏ lẻ, dần dần anh chị mở rộng thị trường đến tận TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, Ðà Nẵng… Thừa thắng xông lên, vợ chồng anh Chương đầu tư cả một quy trình sản xuất khép kín, từ khâu trồng nguyên liệu, sơ chế, chiết rót và ra thành phẩm, đóng gói, với vốn đầu tư hơn 2 tỷ đồng. Ðến nay, có khá nhiều khách hàng thân thiết ngày nào đã làm đại lý phân phối sản phẩm cho anh chị.
Ðể hướng đến OCOP, vợ chồng anh Chương đã có kế hoạch dài hơi, chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, hướng tới sẽ sản xuất các mặt hàng phong phú hơn. Ngoài nước ép trái nhàu có lợi cho sức khoẻ, anh chị sẽ đa dạng các mặt hàng từ nhàu như viên nén, túi lọc, tinh dầu…
Kinh tế hợp tác tham gia xây dựng OCOP
Thực tế đã qua, các sản phẩm OCOP được chứng nhận từ các chủ thể là HTX thì có nhiều khả năng đi sâu, đi xa và nâng hạng sao trong quá trình đưa ra hội đồng đánh giá. Chính vì thế, thời gian tới, các mô hình kinh tế kiểu mới, kinh tế tập thể được quan tâm đặc biệt trong quá trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP.
HTX Hoà Thuận (Khóm 2, thị trấn Trần Văn Thời), thành lập năm 2019, với 7 xã viên. Hoạt động chính là chăn nuôi gà nòi. Do ngay đợt dịch Covid-19 bùng phát nên hầu như HTX không hoạt động gì. Sang năm 2021, HTX bắt đầu hoạt động trở lại, điều phấn khởi là HTX đang hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP trong năm nay.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Mai Văn Nhớ cho biết: “Hiện toàn HTX nuôi trung bình khoảng 8.000 con gà nòi. Do tình hình thời tiết và thức ăn tăng giá nên trong giai đoạn này lượng gà nuôi ít hơn so với trước. Tới đây, tình hình dịch bệnh ổn lại, HTX sẽ lên kế hoạch để xã viên nhân đàn. Hiện nay, chủ yếu xã viên đang nuôi gà đẻ ấp con và bán gà thịt cho khách nhỏ lẻ ở địa phương”.
Gia đình anh Nhớ có thâm niên hơn 10 năm nuôi gà. Trực tiếp tham quan trang trại gà nhà anh mới thấy sự đầu tư sản xuất của anh là rất lớn và rất khoa học. Anh Nhớ quy hoạch từng khu riêng và đầu tư trang thiết bị hiện đại cho chăn nuôi.
Hướng đến OCOP, ngành nông nghiệp đã xây dựng một kịch bản cho HTX là nuôi gà nòi lấy trứng và gà nòi thịt cấp đông. Tuy nhiên, hiện nay, bản thân anh Nhớ cũng như các xã viên còn băn khoăn về giá trứng gà nòi, liệu có cạnh tranh nổi với trứng gà công nghiệp trên thị trường.
Một khó khăn nữa là nguồn vốn. Hiện nay, HTX chỉ có thể tiếp cận được nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân; nếu có thêm nguồn vốn khác hỗ trợ, HTX sẽ phát triển bền vững hơn.
Huyện Trần Văn Thời đã có bước chạy đà tốt cho OCOP, phát huy thành tích đã qua, chủ động ngay từ đầu năm, tin chắc rằng năm nay huyện sẽ có nhiều sản phẩm đánh giá, bình chọn. Và các chủ thể cũng phát triển kinh tế bền vững hơn từ sân chơi này./.
Phú Hữu