ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 26-7-25 08:20:13
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Lắng lòng tháng bảy

Báo Cà Mau Mỗi độ tháng Bảy về, đất trời như lắng lại không khí tri ân những người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong dòng chảy lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là dấu son, nhưng cũng đầy mất mát, bi thương. Tại Cà Mau, nhiều chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh anh dũng, để đổi lấy cuộc sống  hoà bình.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hai (Hai Cua, 77 tuổi), hiện ngụ ấp Láng Cùng, xã Lương Thế Trân, khi đó là Tiểu đội phó, Trung đội Đặc công huyện Châu Thành (cũ), tỉnh Cà Mau, vẫn không quên câu chuyện hy sinh của Đội Cảm tử quân huyện nhà trong đợt 2 chiến dịch Mậu Thân 1968.

Ông kể: “Lúc đó, theo yêu cầu cấp trên, Huyện đội Châu Thành thành lập Đội Cảm tử quân, lực lượng được tuyển chọn từ cán bộ địa phương quân, du kích, đặc công của huyện. Nhiệm vụ của đội là vào “ém” quân trước tại thị trấn Tắc Vân để đánh “nở hoa trong lòng địch”. Khi ấy, ta đã xây dựng được 4 cơ sở bí mật tại nhà dân trong thị trấn. Đêm mùng 6/2 âm lịch, đúng giờ G, đơn vị nổ súng tấn công. Nhưng tiếc thay, có một gia đình phản bội, báo tin cho địch. Tiểu khu An Xuyên điều nhiều tàu chiến và xe thiết giáp lên ứng cứu. Bấy giờ dưới sông tàu địch bao vây, trên bờ xe quân sự và lính tập trung nã đạn, trận chiến diễn ra ác liệt. Bên kia đầu kênh xáng cống, lực lượng ta cũng không qua hỗ trợ được. Đơn vị chiến đấu ngoan cường, đến khoảng 11 giờ trưa mùng 7/2 thì đạn hết, các đồng chí đã hy sinh”.

Bia tưởng niệm 13 chiến sĩ trong Đội Cảm tử quân tại Ấp 4, phường Hoà Thành (bên kia sông chợ Tắc Vân, thuộc xã Tắc Vân cũ).

13 người con ưu tú đã mãi nằm lại trên địa bàn Ấp 4, thị trấn Tắc Vân (cũ), nay là phường Hoà Thành. Tại nơi này, sau ngày đất nước thống nhất, bia ghi danh được dựng lên để nhắc nhớ, tri ân.

Giọng ông Hai Cua chùng xuống: “Trong danh sách Đội Cảm tử quân khi đó có tên tôi, nhưng sau huyện bố trí tôi vào nhiệm vụ khác và thay người. Vì vậy mà mình còn may mắn được sống...”.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hai (Hai Cua, ngồi giữa) vẫn không quên được sự kiện hy sinh của 13 chiến sĩ Đội Cảm tử quân trong đợt 2 Mậu Thân 1968. 

Cũng trong đợt 2 chiến dịch Mậu Thân năm ấy, tại ấp Gành Hào, phường Hoà Thành (trước là xã Hoà Thành, sau là Hoà Tân), một đội hình gồm 41 người tham gia đánh vào thị xã Cà Mau, 39 người hy sinh. Bà Lê Hồng Hoa (77 tuổi), ấp Sở Tại, xã Lương Thế Trân (xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước cũ) khi đó là giáo viên xã Hoà Thành, được huy động về xã phục vụ chiến dịch nên con số này bà còn nhớ rõ.

Chúng tôi về ấp Gành Hào, nay chia ra ấp Cái Su, Gành Hào 1, Gành Hào 2 và khá vất vả để tìm nhân chứng. Sự việc diễn ra đã hơn nửa thế kỷ, những người biết chuyện phần lớn đã qua đời.

Ông Phạm Phước Tuấn (Chín Tuấn, 70 tuổi), ấp Cái Su, cho biết, khi đó ông 13 tuổi. Trong số 39 người hy sinh có dân công hoả tuyến và một đội đặc biệt. Nhà ông có người anh thứ sáu là Phạm Phước Thắng tham gia trong đội đặc biệt ấy. Ông còn nhớ: “Chiều đó, má tôi làm con vịt cho mấy anh em ăn. Ba tôi nói: “Tụi mày đi đợt này chiến thắng, về tao làm heo ăn mừng”. Nhưng bữa cơm mừng không bao giờ diễn ra, đội có 12 người, mới thành lập hồi chiều mùng 6/2 âm lịch, tối đi, sáng ra là nghe hy sinh hết rồi”.

Ông Phạm Phước Xê (64 tuổi, em ông Tuấn), ngụ ấp Gành Hào 1, cũng là người thờ cúng Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Có (mẹ có 3 người con hy sinh), nhớ lại: “Hồi còn sống, má tôi kể, khi hay tin anh Sáu hy sinh, bà chèo xuồng ra chợ Cà Mau tìm xác con. Ở đoạn ngã ba Chùa Bà, xác người chết nổi lên nhiều vô kể, nhưng má không tìm thấy thi thể anh tôi. Má nghe bà con ngoài chợ thuật lại, lúc đó lực lượng ta qua được lộ rồi (đoạn Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau ngày nay), nhưng xe quân sự từ trên đổ xuống bắn xối xả. Anh em lớp hy sinh, lớp chạy trở xuống sông; một số lội được qua bên kia bờ, một số núp dưới sàn nhà dân. Bọn địch tưới dầu xuống đốt, lửa đỏ cả khúc sông... Tốp anh em qua được sông chạy về thì trời đã sáng, bị lính đồn Hoà Thành chặn đánh; có người bị chúng thiêu sống, người chết thì chúng đốt thây... Coi như mấy chục con người, không ai tìm được xác”.

Trận Mậu Thân 1968, đau thương, tổn thất cũng hết sức nặng nề ở các đơn vị chủ lực. Đại tá Lê Trung Tính (Tám Tính, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn U Minh 2, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau), bùi ngùi: “Riêng Tiểu đoàn U Minh 2, tấn công đợt 1, lực lượng hơn 300 người, đã có gần 200 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Đồng chí Tư Hớn, Chính trị viên Tiểu đoàn, bị thương gãy xương đùi, nhưng không chịu lui. Đồng chí bảo tôi (khi đó là Trung đội phó Thông tin của Tiểu đoàn) truyền lệnh động viên anh em cố gắng đánh vô, chiếm cho được mục tiêu. Đồng chí hy sinh tại trận địa. Tiểu đoàn phó Năm Giếng cũng hy sinh, Tiểu đoàn trưởng Bùi Hữu My bị thương, tôi và nhiều anh em cũng bị thương...”.
Ông còn cho biết: “Đợt 2 Mậu Thân, đơn vị cũng tổn thất lớn. Đồng chí Phan Anh Đào, Đại đội trưởng, bị thương nặng, nhưng nhất quyết ở lại chiến đấu với anh em và chỉ huy tới hơi thở cuối cùng”.

Trong dòng ký ức đau thương ấy, cựu chiến binh Lâm Anh Lữ, nguyên Đội trưởng Đội Biệt động thị xã Cà Mau, Thị đội phó Cà Mau, nhớ lại hình ảnh mà ông cho là bị “ám ảnh suốt đời”: “Sáng mùng 1 Tết, tôi đi nắm tình hình. Ở ngã năm (trước mặt Trường THPT Hồ Thị Kỷ ngày nay), tụi nó gom xác cán bộ, chiến sĩ ta chất như đống lúa, sau đó chở đi dập ở khu vực Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh bây giờ”. Sau này, ông tham gia khai quật và đưa những hài cốt không tên ấy an táng đàng hoàng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Đó là ngôi mộ 74 hài cốt nằm bên trái nghĩa trang hiện nay.

Các cựu chiến binh tri ân đồng đội tại ngôi mộ tập thể 74 liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Cà Mau. 

Những câu chuyện trên chỉ là vài lát cắt của Mậu Thân 1968. 57 năm trôi qua, nhân chứng dần khuất bóng, ký ức phai nhoà, độ chính xác của sự kiện được kể có thể không tuyệt đối, nhưng vẫn đủ để cảm nhận những mất mát lớn lao.

Ông Hai Cua tâm tình, như nói thay hàng ngàn chiến sĩ: “Hồi đó tôi và anh em chỉ mong đất nước hoà bình, được về với gia đình, được sống trong bầu trời không tiếng đạn bom, được đi thăm bà con, làng xóm... Như vậy rồi chết cũng được...”. Mong ước giản dị ấy đã phải đánh đổi bằng máu và tuổi xuân của biết bao chiến sĩ, đồng bào. Biết bao con người mãi mang khát khao này đi vào lòng đất.

Bà Nguyễn Thị Thường (Hồng Thu, 79 tuổi, ấp Bùng Binh 1, phường Hoà Thành) bày tỏ: “Được sống trong cảnh thanh bình như bây giờ là điều quý giá không gì bằng. Chứ hồi đó bom đạn triền miên, sống chết không biết lúc nào...”.

Hôm gặp Đại tá Nguyễn Trung Tính, sau bao câu chuyện mất mát năm Mậu Thân 1968, ông đúc kết: “Dù trận này ta tổn thất lớn, nhưng tạo áp lực chính trị - quân sự mạnh mẽ, khiến Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán ở Hội nghị Paris và rút quân về nước. Đó là thắng lợi, sự hy sinh của chiến sĩ, đồng bào là không vô ích”.


Tháng Bảy - thêm một mùa tri ân lại về. Xin kính cẩn nghiêng mình thắp nén hương lòng tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, những người đã đánh đổi cả xương máu, tuổi xuân của mình để đất nước có được hoà bình, độc lập hôm nay.

 Huyền Anh

Ở ngã tư sông

Về trung tâm xã Ðầm Dơi, đi từ đường Dương Thị Cẩm Vân lên cầu, đập vào mắt là tượng đài Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Dương Thị Cẩm Vân sừng sững bên bờ ở ngã tư sông, khắc ghi chiến công của nữ kiện tướng chiến hào trong những năm bao vây, đánh lấn Chi khu Ðầm Dơi. Ở góc tường rào bê-tông là bức phù điêu tái hiện cuộc chiến đấu kiên cường của quân và dân huyện Ðầm Dơi ngày trước trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tiếc là ở đây còn thiếu tượng đài khắc hoạ hình ảnh 26 người chết và hàng trăm người bị thương, hàng chục người bị bắt bớ, tù đày trong cuộc đấu tranh trực diện ngày 23/10/1961 quy mô lớn nhất và bị đàn áp đẫm máu nhất trong tỉnh lúc bấy giờ.

Quá khứ hào hùng - Hiện tại vươn xa

Báo - đài là hợp chất gắn kết niềm tin giữa Ðảng với Nhân dân như bê-tông cốt thép, là ngọn lửa giữa đêm đông nung sôi bầu nhiệt huyết hàng triệu trái tim yêu nước, thương dân; là ánh đèn pha giữa đêm đen soi sáng mọi bước đường khi dân tộc ta xông lên chiến đấu và chiến thắng quân thù; là ánh mặt trời chân lý xua tan âm u, tâm tối, đem lại mùa xuân của hạnh phúc con người và tô thắm màu cờ của nhận thức, lý tưởng, lẽ sống đối với biết bao thế hệ...

Một thời làm báo

Cà Mau, mảnh đất tận cùng Tổ quốc, nơi sông ngòi chằng chịt, rừng đước bạt ngàn và con người mang trong mình chất mộc mạc, chân thành, hào phóng của miền Tây Nam Bộ. Ở đó, tôi đã sống và cống hiến với những năm tháng làm báo đầy nhiệt huyết, nơi mà mỗi dòng chữ, mỗi câu chuyện đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả nụ cười. Một thời làm báo tại Cà Mau là ký ức không thể quên, như cuốn sách cũ, dù thời gian có làm phai màu bìa, nhưng những trang bên trong vẫn sống động.

Báo giấy - Ký ức một thời vàng son

Chẳng nhớ rõ từ khi nào, những sạp báo giấy giữa lòng thành phố đã biến mất dần trong xu thế không thể tránh khỏi khi công nghệ thông tin bùng nổ, với sự "lên ngôi" của báo điện tử, mạng xã hội. Báo giấy - mấy ai còn nhớ một thời vàng son...

Những địa chỉ đỏ trên quê hương anh hùng

Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Cà Mau là căn cứ địa cách mạng, là địa bàn đứng chân hoạt động của nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Ðảng và Nhà nước. Từ rừng đước, rừng tràm thành làng rừng kháng chiến; từ xóm ấp, chùa chiền, nhà dân thành nơi nuôi chứa cán bộ.

Nhà báo Trần Ngọc Hy một lòng trung kiên, bất khuất

Năm 1943, tốt nghiệp Diplôme, Trần Ngọc Hy về quê tham gia phong trào nông dân đấu tranh chống bọn địa chủ ác bá, chống bọn chính quyền tay sai hà khắc bóc lột nông dân, chống sưu cao thuế nặng.

Báo chí cách mạng Cà Mau góp phần động viên, cổ vũ kháng chiến

Báo chí cách mạng không những góp phần động viên, cổ vũ mà còn là “vũ khí sắc bén” trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, thống nhất đất nước. Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của những cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại. Trong nhiều loại vũ khí chống chọi với quân thù, có một thứ vũ khí “thanh cao mà đắc lực”, “có sức mạnh hơn mười vạn quân”. Ðó là văn chương nghệ thuật, đặc biệt là văn chương, báo chí cách mạng Hồ Chí Minh.

Phan Ngọc Hiển - Nhà báo cách mạng trên vùng đất Nam Bộ

Tuần báo Tân Tiến số phát hành trung tuần tháng 2/1937, chủ bút Hồ Văn Sao giới thiệu với độc giả: “Bạn tôi Phan Ngọc Hiển, tức Phan Phan, một nhà văn chân chính - lương tâm, bắt đầu đi khắp Nam Kỳ để làm phận sự nhà báo - năm nay lần lượt bạn Phan Ngọc Hiển sẽ hiến cho độc giả: 1. Ðại náo thôn quê - 2. Tinh thần bạn trẻ nước nhà - 3. Giọt nước mắt của dân - 4. Thương - là 4 vấn đề quan hệ xã hội cần thay đổi - muốn tránh sự sơ sót, ngoài những tài liệu của bạn tôi thâu thập trong những lúc gian nan, nay bạn tôi cần đi viếng các làng, dân quê, bạn trẻ... cho cuộc điều tra thêm chu đáo - luôn tiện biết nhau, biết điều sơ sót của Tân Tiến đặng sửa đổi...”.

Nguyễn Mai và những chuyện đời thường

Người đa tài nhất trong những người cầm bút vùng Tây Nam Bộ những năm đánh Mỹ cứu nước là Nguyễn Mai. Anh viết thạo, viết vững chắc các loại ký, truyện, bình luận, xã thuyết và tuỳ bút... Anh sử dụng được các thể loại thơ, đặc biệt thơ trào lộng.

Những khó khăn, thách thức của người làm báo trong thời kháng chiến

Mùa khô năm 1964, lần thứ hai tôi theo mẹ từ Bến Tre vào Cà Mau thăm ba tôi đang làm ruộng và dạy học tư ở Kinh Hãng Giữa... Ba tôi bất hợp pháp kể từ năm bác ruột thứ tư của tôi - 1 trong 12 người Việt Minh làng Ba Mỹ bị giặc Pháp bắt chặt đầu ở bót Nhà Việc Mỹ Chánh năm 1946... Lần này, ba tôi không cho tôi trở về quê nữa, vì về ngoải mai mốt lớn lên tụi giặc nó bắt lính... Thế là tôi phải ở lại trong này, thành công dân Cà Mau từ đó.