ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 23-7-25 03:14:54
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Dạt dào vùng đất Cà Mau

Báo Cà Mau Chào mừng 80 năm Quốc khánh Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2025), tỉnh Cà Mau đã xây dựng kế hoạch tổ chức Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau tại Thủ đô Hà Nội. Bảo tàng tỉnh Cà Mau là đơn vị chủ trì công tác chuẩn bị, kỳ vọng sự kiện quy mô và ý nghĩa này sẽ lan tỏa niềm tự hào về quê hương Cà Mau, góp phần tôn vinh thành quả phát triển và tinh thần đoàn kết nhân dân trong 80 năm Tết độc lập của dân tộc.

Phóng viên Báo và Phát thanh, Truyền hình Cà Mau đã có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cà Mau về sự kiện này.

- Quá trình chuẩn bị cho cuộc triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau mừng 80 năm Quốc khánh nước nhà tại Thủ đô Hà Nội sắp tới có những điều gì đặc biệt, thưa ông?

*Ông Lê Minh Sơn: Dự kiến từ ngày 28/8 đến 5/9/2025, tại Trung tâm Triển lãm Quốc gia (Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội), tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội sau 80 năm lập quốc với quy mô gần 380 m². Đơn vị gấp rút chuẩn bị và đã hoàn thiện về dự thảo Đề cương và dự toán triển lãm về Ban Tổ chức. Đến thời điểm này, phương án chính thức của triển lãm cũng đã hoàn tất. Tiếp theo là công tác thi công, triển khai các nội dung của cuộc triển lãm.

Không gian tổng thể cuộc triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau chào mừng 80 năm Quốc khánh nước nhà sắp diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. 

Không gian triển lãm được thiết kế tổng thể với hình dáng cách điệu từ bản đồ hành chính tỉnh Cà Mau (mới), gồm 7 khu vực trưng bày, giới thiệu các thành tựu nổi bật về kinh tế, xã hội, văn hóa và du lịch trong 80 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Triển lãm còn có nhiều hoạt động bổ trợ như thuyết minh, giới thiệu sản phẩm OCOP, quảng bá ẩm thực đặc sắc của Cà Mau, cùng chương trình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Trong thời gian triển lãm, tỉnh thực hiện các hoạt động sôi nổi, hấp dẫn và chủ động, tranh thủ mời lãnh đạo Trung ương, Ban, Bộ, Ngành Trung ương, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn đến tham quan không gian triển lãm của Cà Mau để lan tỏa vị thế của tỉnh Cà Mau.

Bên cạnh đó là các buổi biểu diễn đờn ca tài tử, trình diễn các điệu lý hấp dẫn, thu hút như: Lý Đất giồng, Lý con sáo, Lý Năm Căn... giao lưu nghệ thuật giữa Cà Mau và Ninh Bình với các tiết mục đặc sắc như đờn ca tài tử, dân ca, hát chèo, hát xẩm hòa quyện nét văn hóa Bắc – Nam phục vụ du khách; kể chuyện Bác Ba Phi...

Đây cũng là lần đầu tiên, tỉnh Cà Mau sẽ tối ưu hóa cuộc triển lãm bằng các điểm nhấn hỗ trợ từ máy móc, trang thiết bị, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, số hóa và nghệ thuật thị giác, trình diễn cho toàn bộ không gian triển lãm với quy mô và sự ấn tượng, thu hút mạnh mẽ.

- Ông có thể mô tả cụ thể hơn về những điểm nhấn đặc sắc của không gian cuộc triển lãm sắp diễn ra?

*Ông Lê Minh Sơn: Một số điểm nhấn chính tại các khu vực của triển lãm được kỳ vọng sẽ tạo sức hút và ấn tượng mạnh mẽ với đại biểu, quan khách. Như khu vực cổng chào, điểm đón tiếp, hướng dẫn và cung cấp thông tin sơ bộ cho khách tham quan, đại biểu; tạo ấn tượng ban đầu chuyên nghiệp, thân thiện, mang đậm bản sắc Cà Mau, kết hợp hài hòa yếu tố nhận diện, truyền thông và tương tác hiện đại.

Cổng chào thiết kế 3D dạng vòm cong hình chữ “V”, tượng trưng cho Việt Nam, Victory (Chiến thắng) và Vươn lên. Trung tâm cổng là biểu tượng số “80” cách điệu, lồng ghép ngôi sao vàng năm cánh. Có mô hình động hình dáng tôm, cua chào khách sinh động.

Chủ đề nổi bật của không gian triển lãm của tỉnh Cà Mau.

Cụm check-in mang đậm dấu ấn bản sắc tỉnh Cà Mau, lấy ý tưởng từ biểu tượng cột mốc toạ độ, mũi tàu, đờn kìm cách điệu và bản Dạ cổ hoài lang, cua, tôm, cánh đồng điện gió, dấu ấn Công tử Bạc Liêu… kết hợp sử dụng đạo cụ phù hợp để du khách chụp ảnh (xuồng ba lá, áo bà ba, khăn rằn, nón lá, giỏ đan…). Sử dụng màn hình led chạy video ngắn liên tục để giới thiệu tỉnh Cà Mau; hiển thị thông tin nhanh về triển lãm.

Khu vực trưng bày chính, không gian trưng bày được sắp xếp theo trình tự thời gian, bắt đầu từ thời kỳ khẩn hoang vùng đất Cà Mau, tiếp nối quá trình hình thành, phát triển và những tiềm năng tương lai. Phần kết thúc là hình ảnh mũi tàu vươn cao, vươn xa – biểu tượng cho khát vọng phát triển – mang theo những giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đất Cà Mau.

Không gian tổng thể cuộc triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau chào mừng 80 năm Quốc khánh nước nhà sắp diễn ra tại Thủ đô Hà Nội.

Trong đó có từng cụm chủ đề riêng, gồm “Cà Mau – Những dấu ấn lịch sử”, trưng bày các hình ảnh, tư liệu phản ánh các nội dung: Hành trình khẩn hoang vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc trước khi có Đảng Cộng sản Việt Nam; quá trình thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên đến thành lập Tỉnh ủy, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy trong kháng chiến; Cà Mau giành chính quyền không đổ máu.

Không gian ấn tượng của từng khu vực triển lãm với chủ đề riêng.

“Nghĩa tình Cà Mau – Ninh Bình” thể hiện mối quan hệ kết nghĩa, tương trợ sâu sắc giữa hai tỉnh trong cả kháng chiến và thời bình.

Bảo vệ thành quả cách mạng 1976 – 1985 bao gồm các tư liệu, hình ảnh thể hiện sự kiên cường của Đảng bộ, quân dân Cà Mau trong bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, giữ vững an ninh chính trị vùng cực Nam Tổ quốc sau chiến tranh với Chiến thắng CM12 (1981–1984).

Dấu ấn Cà Mau - Đổi mới và hội nhập với không gian trưng bày phản ánh những chuyển biến của Cà Mau từ năm 1986 đến nay, với sự khởi sắc trong tái cơ cấu kinh tế. Nổi bật là phát triển các ngành kinh tế thủy sản, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và du lịch. Hình ảnh khu Khí – Điện – Đạm, cảng Hòn Khoai, cánh đồng điện gió, nuôi trồng và đánh bắt, chế biến thủy sản, các ảnh đặc trưng của hệ sinh thái kinh tế biển, văn hóa – du lịch sinh thái – tâm linh với các điểm đến: Mũi Cà Mau, U Minh Hạ, Tắc Sậy, Quan Âm Nam Hải,...

Không gian ấn tượng của từng khu vực triển lãm với chủ đề riêng.

“Cà Mau – Tình Đất và Người” với không gian trưng bày giới thiệu các di sản văn hóa tiêu biểu của Cà Mau, nổi bật với nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ gắn với nhạc sư Cao Văn Lầu và bản Dạ cổ hoài lang (có trưng bày nhạc cụ, biểu diễn). Hình ảnh Công tử Bạc Liêu, Bác Ba Phi với văn hóa đặc sắc; các nghề truyền thống như làm muối, tôm khô, gác kèo ong, dệt chiếu… phản ánh đời sống lao động phong phú. Đan xen là di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh.

Không gian ấn tượng của từng khu vực triển lãm với chủ đề riêng.

Tiếp đến là không gian của “Cà Mau - Khát vọng vươn xa”. Không gian trưng bày giới thiệu chiến lược phát triển bền vững của tỉnh Cà Mau, tập trung vào thế mạnh của tỉnh. Trưng bày sa bàn, sơ đồ thể hiện hệ thống đô thị – giao thông – logistics nổi bật của Cà Mau như cảng Hòn Khoai, sân bay, đường cao tốc; hình ảnh về Cánh đồng điện gió, khu kinh tế biển Sông Đốc; Giới thiệu các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch như Festival Tôm Cà Mau, Festival Nghề Muối Việt Nam – Bạc Liêu …

Đặc biệt là khu vực tạo điểm nhấn hình ảnh biểu trưng tỉnh Cà Mau. Triển lãm sẽ xây dựng 4 bức phù điêu 3D bằng thạch cao, cốt lưới thép, vải lưới bố, phun sơn tạo hình nghệ thuật có kích thước khác nhau để tạo điểm nhấn cho không gian triển lãm: Cột mốc tọa độ GPS 0001 (nguyên mẫu); Đan xen các sản vật đặc trưng: Tôm, cua, muối…; ảnh thiên nhiên Cà Mau: rừng đước, rừng tràm...

Triển lãm đồng thời dành không gian cho khu trưng bày sản phẩm OCOP để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP tiêu biểu như muối, tôm khô, cá khô, bánh phồng tôm, đồ thủ công mỹ nghệ đặc trưng của địa phương, từ đó thu hút đối tác thương mại, du lịch.

- Được biết, cuộc triển lãm sắp tới cũng sẽ có sự xuất hiện của không gian dành cho sách và tương tác số, ông có thể chia sẻ thêm về điểm nhấn này?

*Ông Lê Minh Sơn: Không gian triển lãm của tỉnh Cà Mau sẽ có riêng khu truyền thông, sách và tương tác số sẽ tạo ra điểm nhấn mới. Với mục đích tạo không gian mang tính chiều sâu, khơi gợi nhận thức về lịch sử - văn hóa Cà Mau qua sách, tư liệu và tương tác số. Không gian giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, tăng sự tương tác, khám phá, tạo cảm hứng và ấn tượng, thu hút du khách tham quan.

Điểm check-in nổi bật của tỉnh Cà Mau tại cuộc triển lãm.

Không gian xếp sách nghệ thuật với các đầu sách đặc trưng về vùng đất và con người Cà Mau. Không gian ứng dụng công nghệ hiện đại gồm 1 màn hình LED trình chiếu timeline 1945–2025, 30 clip ngắn quảng bá du lịch, văn hóa, flycam toàn cảnh Cà Mau. Tích hợp mã QR để tải tài liệu, clip giới thiệu văn hóa – du lịch Cà Mau. Bố trí trạm trải nghiệm thực tế ảo (VR) giúp du khách khám phá Mũi Cà Mau, rừng U Minh, cánh đồng điện gió, muối, Nhà Công tử Bạc Liêu... Ngoài ra, có màn hình tương tác với nội dung số hóa: bản đồ di tích, danh thắng, slide/video về văn hóa và con người Cà Mau. Có khu vực tổ chức mini game.

Chủ đề chung của cuộc triển lãm là “80 năm hành trình Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, riêng Cà Mau tham dự với Chủ đề: “Dạt dào vùng đất Cà Mau – 80 năm Quốc khánh tự hào quê ta”. Chúng tôi đặt rất nhiều tâm huyết và kỳ vọng cho sự thành công của cuộc triển lãm sắp tới với cả vinh dự, trách nhiệm và sự tự hào lớn lao. Thông qua cuộc triển lãm, hình ảnh đất và người Cà Mau với những dấu ấn đậm nét về bản sắc văn hoá, truyền thống cách mạng hào hùng, sự giàu đẹp về tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng và thành tựu phát triển của tỉnh Cà Mau sau hợp nhất sẽ tiếp tục được lan tỏa, tiếp thêm sinh khí phấn khởi cho chặng đường phát triển mới của quê hương Cà Mau – Vùng đất địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc.

- Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!

Phạm Hải Nguyên thực hiện

(Clip và hình ảnh do Bảo tàng tỉnh cung cấp)

6 tháng đầu năm, Cà Mau đón hơn 5,1 triệu lượt khách

Trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành du lịch tỉnh Cà Mau tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng ổn định, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch sinh thái, văn hoá – lịch sử, tín ngưỡng và ẩm thực đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Mùa nhãn chín trên đất Giồng ven biển

Cứ đến tháng Bảy hàng năm cũng là lúc những vườn nhãn xuồng trên địa bàn phường Hiệp Thành, tỉnh Cà Mau thi nhau cho trái chín. Những vườn nhãn sai trĩu quả có tuổi đời hơn trăm năm trên đất Giồng ven biển đã trở thành điểm đến hấp dẫn mà bất kỳ du khách nào về Cà Mau đều không muốn bỏ lỡ.

Nguyên lãnh đạo tỉnh An Giang tham quan các điểm du lịch Cà Mau

Vừa qua, ngày 12/7, đoàn cán bộ nguyên lãnh đạo tỉnh An Giang qua các thời kỳ do đồng chí Nguyễn Hữu Khánh - nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang dẫn đầu, đã có chuyến tham quan, tìm hiểu các điểm du lịch tiêu biểu, nổi bật của tỉnh Cà Mau.

Cà Mau nâng cấp Khu lưu niệm đờn ca tài tử, hoàn thành trong năm 2025

UBND tỉnh Cà Mau đã phê duyệt chủ trương đầu tư gần 4 tỷ đồng để thực hiện dự án tu bổ, chống xuống cấp Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại phường Bạc Liêu.

Hấp dẫn U Minh Hạ mùa nước nổi

Về U Minh Hạ thời điểm này, du khách không chỉ được ngắm hoa tràm nở trắng xoá, thoang thoảng hương thơm, mà còn được trải nghiệm mùa nước nổi dưới tán rừng với nhiều hoạt động thú vị như: đặt lọp, đặt lờ bắt cá, rắn, rùa; đặt trúm bắt lươn; hái bông súng; check-in làng rừng... Hiện, các điểm du lịch xứ rừng đã sẵn sàng những sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ du khách.

Cà Mau có 6 điểm đến được tái công nhận “Điểm du lịch tiêu biểu khu vực”

Chiều 9/7, tại TP Cần Thơ, Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trao quyết định công nhận, tái công nhận “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL năm 2025” cho 29 đơn vị.

Dòng  kinh xáng chảy ra 7 ngã

“Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy/Sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào?”... Bài vọng cổ bất hủ của cố Soạn giả Viễn Châu được cất lên bởi đệ nhất danh ca Út Trà Ôn, đã ăn sâu vào ký ức của bao thế hệ. Bài hát đã khái quát hành trình của ghe chiếu Cà Mau xuôi dòng về kinh xáng Phụng Hiệp-nơi con nước nối miền đất Mũi đến nơi hội tụ bảy nhánh sông huyền thoại miền Tây.

Điện xanh trên biển Cà Mau 

Sở hữu đường bờ biển dài trên 310 km, trải dọc từ biển Đông xuống tận biển Tây, vịnh Thái Lan, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, Cà Mau là một trong những địa phương hội tụ đầy đủ tiềm năng và lợi thế để phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp điện gió. Đây là nguồn năng lượng tái tạo đang ngày càng khẳng định vai trò trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.

Hơn 239 ngàn lượt khách tham quan đến Cà Mau trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Thông tin từ Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh, tổng lượt khách tham quan, vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh Cà Mau 5 ngày trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2025 (tính đến 9 giờ ngày 4/5/2025) là 239.387 lượt, trong đó có 360 khách quốc tế, tăng 12,8% so luỹ kế 5 ngày nghỉ lễ của năm 2024 (212.258 lượt).

“Hương rừng U Minh” tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ

Hưởng ứng các hoạt động chương trình sự kiện “Cà Mau - Điểm đến” 2025, sáng nay (1/5), tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ diễn ra nhiều hoạt động thể thao nằm trong chuỗi hoạt động “Hương rừng U Minh 2025” chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) và Quốc tế Lao động 1/5.