(CMO) Nắng hạ đổ vàng trên dòng sông Cái Đôi (xã Phú Tân, huyện Phú Tân), dẫn dắt bước chân tôi tìm về ngôi nhà ấm cúng của Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Lệ. Hôm đó đông đảo con cháu tề tựu, nụ cười nối nhau cùng tổ chức lễ mừng thượng thọ cho mẹ tròn tuổi 100. Người nằm đó, sức đã mòn, gần như quên hết những vui buồn nhân gian, nhưng chỉ cần nghe cháu ngoại thủ thỉ: “Ngoại ơi, ca bài nhạc cách mạng đi!” là thanh âm kia lại cố gắng cất lên giai điệu quen, đôi tay như khoẻ hơn nắm lại đặt vào bờ ngực gầy, lạ lắm mà cũng thiêng liêng lắm.
Câu chuyện trăm năm được chắp lại ngọt lịm bởi cháu con. Xen lẫn trong đó có nước mắt, có nụ cười, có sự tự hào len lỏi giữa lòng nhau...
Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Hồng Lệ cùng 3 con gái và rể trong ngày lễ thượng thọ tròn 100 tuổi. |
Chị Lệ kiên cường
Năm 16 tuổi, chị Tám Lệ lấy chồng, cứ tưởng cuộc đời suôn sẻ như con nước sông xuôi. Ngặt nỗi, 3 năm mòn mỏi đợi chờ mà vẫn không có tin vui. Theo chế độ phong kiến “tam niên vô tử bất thành thê”, gia đình chồng buộc chị phải làm tờ “để” (tờ cam kết) cho chồng cưới vợ hai. Không chịu được sự bất công này, chị phản đối tới cùng. Đứng trước toà án Pháp, bị xử thua thiệt, chị vỗ bàn đáp lại: “Phụ nữ cũng là người, máu đỏ da vàng, hà cớ gì mà các ông lại không bình đẳng với chúng tôi?”. Vậy rồi quyết cậy người bác có uy tín bên nhà chồng can thiệp, bằng mọi cách thoát khỏi số kiếp chồng chung.
Ra đi với hai bàn tay trắng, chị luôn ao ước tìm được một tổ chức nào đó có thể bênh vực, bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ. Phong trào cách mạng năm 1945 tại Cà Mau còn quá mới mẻ, chị mạnh dạn đăng ký tham gia và từng bước trở thành lực lượng nòng cốt của Đảng, phụ trách “Nông, Thanh, Phụ” ấp Rạch Chèo, xã Tân Hưng Tây. Nghĩ rằng: “Không biết chữ sẽ khó lòng theo cách mạng”, vậy là vừa hoạt động, chị cố gắng học lóm từ đồng đội, tổ chức để có thể đọc và viết chữ quốc ngữ.
Đi theo lý tưởng, cánh chim thanh xuân như thoả sức tung bay trên khung trời mới. Rồi duyên số định đặt, một ngày kia có thanh niên gốc Hoa làm nghề buôn bán thầm thương, ngỏ ý được cùng chị nên duyên vợ chồng. Lời bày tỏ chân tình kèm theo hứa hẹn sẽ tạo mọi điều kiện để chị hoạt động cách mạng đã nhận lại cái gật đầu hiền lành. Vợ chồng chung sống hạnh phúc, rồi những đứa con lần lượt ra đời. Chồng buôn bán, làm rẫy, nuôi con, chấp nhận là hậu phương để vợ vẹn tròn vai trò cán bộ giao liên.
Những năm đầu thập niên 60, chị Lệ tham gia phong trào đấu tranh trực diện Bình Hưng. Đang lúc mang thai người con thứ 6 thì bị sa vào tay địch. Ban đầu là những lời dỗ ngọt, rồi sau đó là đòn roi cứ thẳng tay trút xuống tấm thân gầy, có khi tưởng chừng sẩy thai nhưng chị vẫn quyết cắn răng không hé một lời. Sau 20 ngày đêm tra tấn tại Khám lớn Cà Mau mà không lấy được lời khai nào, chúng đành thả chị. Sau lần lao tù đó chị sanh non, may thay giữ được con. Nguy hiểm đâu sờn, chị Lệ vẫn tiếp tục tham gia cách mạng, trở thành Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Tân Hưng Tây.
Chiến tranh ác liệt, bộ đội hy sinh có khi mấy ngày mới lấy được thi thể. Chị tắm rửa, thay đồ cho thi thể đồng chí, đồng đội mà không biết sợ là chi hết. Dân tản cư từ các tỉnh vùng trên về Cà Mau bằng xuồng ba lá, cái ăn còn thiếu, chuyện sinh nở khó khăn đủ bề. Miễn thấy có sản phụ nào chuyển dạ trên đường tản cư là chị lại rước lên nhà, tạo điều kiện cho “mẹ tròn con vuông”.
“Ba là người gốc Hoa nên tin lắm quan niệm “nhà có đàn bà sanh” là xui xẻo, còn má thì luôn nghĩ thấy người ta khổ là phải giúp. Bởi vậy mỗi lần má rước sản phụ vô nhà, ông tức lắm nhưng không dám cãi vì đã hứa từ đầu. Nhưng sau đó, đợi má đi họp là ở nhà ông gom hết đồ, dắt con ra ngoài rồi châm lửa đốt nhà để... xả xui. Chuyện này lặp đi lặp lại nhiều lần, hên là hồi đó nhà nghèo hỏng có của cải gì, đốt rồi cất lại mấy hồi...”, bà Nguyễn Hồng Minh, người con gái thứ sáu sanh non của mẹ nay đã ngoài tuổi 60, cứ cười ra nước mắt khi nhắc về kỷ niệm đã xa.
Cả gia đình sống trong vùng hợp pháp. Miễn giặc đóng đồn gần đó là phải vào vùng sâu hơn cất chòi ở tạm rồi mượn đất làm lụng. Lắm khi vì quá khó khổ, chồng đòi phá rừng làm rẫy để cải thiện kinh tế, chị ra sức can ngăn với lý do rừng là “mái nhà”, là căn cứ của cách mạng. Đề nghị của chồng cứ lặp đi lặp lại, mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm, chị dứt khoát thôi chồng, ôm hết mấy đứa con nuôi một mình dù lúc đó con gái út còn nằm trong bụng mẹ.
"Má luôn là thần tượng trong lòng"
Hình ảnh mẹ luôn rất đẹp trong lòng những người con tuổi lục tuần, thất tuần. Mặc dù không có điều kiện học nhiều nhưng đứa con nào sinh ra đều được mẹ đặt tên rất đẹp, lần lượt là: Nguyễn Văn Việt, Nguyễn Phương Nam, Nguyễn Ánh Hồng, Nguyễn Minh Sơn, Nguyễn Hồng Minh và Nguyễn Kiều Hạnh. Đặc biệt, mẹ luôn luôn quý trọng con chữ, đi tới đâu là vận động bà con mở lớp tới đó. Người đào hầm, người đốn cây lá dựng lớp rồi tìm thầy, tìm người biết chữ về dạy cho người chưa biết. Máy bay tới là thầy trò cùng nhảy xuống trốn, máy bay rút lại lên học tiếp. Con dần lớn, nghe ở đâu có trường là bà đều tìm tới để gửi con bám chữ lớp lớn hơn.
Một điều thương trào nước mắt là vài năm sau khi chia tay, khi nghe chồng bị bệnh lao nặng, mẹ lại nghĩ tới cái nghĩa cái tình mà rước ông về chăm sóc hơn mười năm dài, chu đáo cho tới khi ông qua đời. Sợ lây bệnh cho con, mẹ cất một căn chòi nhỏ kế bên nhà. Những năm ác liệt bom cày đạn xới phải dời chỗ ở liên tục, bà vẫn gồng gánh một bên là chồng, một bên là đàn con, vừa hoạt động cách mạng, đi tới đâu mượn đất làm tới đó. Ăn độn bông súng là chuyện thường xuyên của cả gia đình.
“Có khi nghèo khổ quá, tụi tui giả bộ hỏi má: "Theo Mỹ sướng thấy mồ sao má không theo?". Má cười, thủ thỉ: "Thí dụ bây giờ con ở gần nhà hàng xóm, người ta kêu con đưa nhà cho người ta với lời hứa sẽ lo cho cơm no áo ấm, con có tin không? Rồi lúc họ vào nhà mình ở, họ sai khiến mình đủ điều, kêu mình đi ăn trộm, phá phách... Các con có đồng ý không?". Cả đàn con đồng thanh đáp lại: Không!... Lời dạy này của má sẽ theo chị em tôi đến suốt cuộc đời...”, bà Hồng Minh không giấu được sự tự hào khi kể tiếp câu chuyện về người mẹ kiên cường.
Lúc sống trong rừng, cứ đều đặn lối 3 giờ khuya là mẹ thức dậy nấu cơm để máy bay địch không phát hiện có khói. Ngày đi hoạt động cách mạng suốt, đêm về vô mùng ngủ là mẹ tranh thủ dạy các con đủ hết, từ chuyện ăn uống, đi đứng đến đạo đức, đối nhân xử thế. Mẹ luôn dặn các con: “Sống phải có ý nghĩa, phải có điều gì đó để lại cuộc đời này!”.
Khi các con lớn lên, mang lòng yêu nước giống mẹ, tự nguyện góp thanh xuân mình cho cách mạng. Rồi chỉ vỏn vẹn 4 năm, lòng mẹ đau như cắt khi nhận tin báo tử của con: con trai thứ ba là chiến sĩ Tiểu đoàn U Minh 2, hy sinh năm 1969; con trai thứ hai hy sinh năm 1972 trong trận đánh tập kích phòng vệ dân sự Gò Công. Nối gót mẹ và anh, người con gái thứ tư Nguyễn Ánh Hồng cũng tham gia giao liên, trải bao gian khổ, lao tù vẫn quyết một lòng phụng sự cách mạng.
Người phụ nữ kiên cường là vậy, nhưng mỗi lần nhận tin báo tử con thì trái tim người mẹ lại đau như có vết dao nào đâm nát. Nỗi đau đó đeo đẳng một đời. Cho tới khi gần tuổi 100, mỗi cái Tết về hay dịp sum họp gia đình là giọt nước mắt cứ tuôn dài vì nhớ bóng hình kỷ niệm.
Ngày hoà bình, mẹ quyết không về ở trên nền đất cũ vì mỗi bờ mương, góc vườn đều lưu hình bóng của chồng và 2 con trai. Nhà nước cấp cho gia đình mẫu đất mới, cuộc sống cũng chật vật một thời gian dài, tuyệt nhiên mẹ không hề than van, ngược lại luôn dạy con cháu phải hăng hái lao động, làm việc nghĩa nhân, giúp đỡ hàng xóm láng giềng. Trong mỗi câu chuyện, lối sống của mẹ luôn nhắc nhớ về truyền thống cách mạng, về sự quý giá của độc lập tự do cho thế hệ đi sau. Mẹ nói hoài: “Hồi đó ra đi là quyết cống hiến hết sức, bây giờ có được hoà bình đúng như mong đợi rồi, nên mình có gì mà đòi hỏi nữa...”.
“Bây giờ nghĩ lại thương má gấp đôi. Mình có đầy đủ vợ chồng, nuôi con thời bình còn khó khăn vầy. Má hồi đó chỉ có một mình đi làm cách mạng, gánh gồng nuôi con, nuôi chồng, khi chồng mất mới ngoài năm mươi mà chấp nhận ở vậy luôn rồi lại nuôi cháu. Khổ cực nào hơn. Bởi vậy trong tôi má luôn là một thần tượng lớn. Vừa mềm mỏng vừa nghiêm khắc, má dạy con phải sống tốt, đạo đức, dù ai có đối xử xấu với mình thì mình vẫn phải tốt với người ta, có như vậy mới cảm hoá được họ...”, trong lời chia sẻ của người con gái út Kiều Hạnh luôn đong đầy niềm thương kính về người mẹ vĩ đại.
Người con gái út Kiều Hạnh nở nụ cười hạnh phúc đón nhận nụ hôn của mẹ. Ảnh: LÊ THỌ |
Tiệc mừng thượng thọ, bà con họ hàng đến đông đủ cùng chia những nụ cười hạnh phúc khi còn bà, còn mẹ. Ba chị em gái: tư, sáu và út cứ thay nhau tiếp khách rồi chốc lát lại ân cần dìu đỡ, đút từng miếng cháo cho mẹ. Bất giác có ai đó trầm trồ khen ngợi về sự hiếu thảo, cách chăm sóc mẹ chu đáo là 1 trong 3 chị em lại bỏ ngỏ hiền khô: “Hồi đó má cực khổ quá rồi, bởi vậy bây giờ mấy chị em phải cố gắng hết sức để bù lại”.
Nắng vàng ngọt ôm lấy những khoảnh khắc đẹp, dòng sông Cái Đôi hôm ấy dịu dàng gợn sóng như cũng hoà chung câu chúc thọ mẹ. Bà Út Hạnh mắt long lanh, cầm micro cảm ơn quan khách đến chia vui cùng gia đình. Đoạn, câu hát cất lên cứ nghẹn ngào: “Mỗi mùa xuân sang, mẹ tôi già thêm một tuổi. Mỗi mùa xuân sang, ngày tôi xa mẹ càng gần...”. Điều mong ước có được những mùa xuân còn mẹ cứ thế nối thêm dài...
(*) Tựa bài là lời trong bài hát “Đất nước” của Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn.
Minh Hoàng Phúc