Thực hiện Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch 134, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Cà Mau được áp dụng tại 7 huyện với 65 ấp, khóm, khu vực đặc biệt khó khăn.
- Mô hình hay thúc đẩy bình đẳng giới
- Nâng cao kiến thức bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số
- Thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp phụ nữ vươn lên làm chủ
Đối tượng được thụ hưởng là phụ nữ và trẻ em gái, nhất là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn, lấy chồng nước ngoài trở về, người khuyết tật...
Hội thi tìm kiếm sáng kiến, giải pháp truyền thông hiệu quả thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” do Hội LHPN huyện U Minh tổ chức góp phần củng cố kiến thức, kinh nghiệm cho các tổ truyền thông cộng đồng.
Theo đó, xã Khánh Lâm, huyện U Minh là một trong những địa phương được Hội LHPN tỉnh Cà Mau triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Theo đó, Hội LHPN xã Khánh Lâm đã thành lập 4 tổ truyền thông cộng đồng tại các ấp: 6, 7, 11 và 15. Công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, khắc phục định kiến giới, các tổ còn hướng tới bài trừ những thủ tục lạc hậu, tiêu cực đối với phụ nữ, giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, nhất là trong đồng bào các DTTS được triển khai sâu rộng tại địa phương.
Tham gia lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn do Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau tổ chức giúp hội viên phụ nữ Ấp 6, xã Khánh Lâm có thêm nguồn thu nhập từ nghề phụ.
Bà Trần Thị Sánh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Ấp 6, thành viên Tổ truyền thông cộng đồng, chia sẻ, từ khi tham gia Dự án 8, bản thân tôi cũng như các thành viên có thêm nhiều kiến thức hữu ích. Với những gì được tập huấn, tôi định hướng lối sống cho các con để gia đình ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, từ kiến thức được cập nhật các thành viên còn mạnh dạn tuyên truyền cho những người xung quanh cùng hiểu, cùng hành động để góp phần đẩy lùi định kiến giới.
“Trước đây cũng có một vài gia đình thường xảy ra bất hoà, chồng đi nhậu về đánh đập vợ con, gây mất an ninh trật tự. Các thành viên trong Tổ truyền thông cộng đồng phân công tiếp cận để tuyên truyền cho người chồng hiểu được đó là việc làm không đúng cần phải loại bỏ. Còn Hội Phụ nữ cũng tiếp cận người vợ phân tích đúng, sai để thay đổi nhận thức vừa khắc phục được tình trạng bất hòa cũng như tự bảo vệ bản thân mình khi có sự việc xảy ra. Mưa dầm thấm sâu, dần dà cả người chồng, vợ đều thay đổi nên việc bất hoà đã được khắc phục”, bà Trần Thị Sánh Chi hội trưởng phụ nữ ấp 6, cho biết.
Trong vai trò là Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng Ấp 15, ông Tô Văn Dự, Trưởng ấp thông tin, để người dân hiểu về Dự án 8, Tổ truyền thông cộng đồng tuyên truyền miệng, lồng ghép trong các buổi họp các hội, đoàn thể, phát tờ rơi đến từng hộ dân... các nội dung đều liên quan đến giới và bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình. Thông qua đó, giúp người dân hiểu hơn về các quy định của pháp luật về giới, dần loại bỏ những định kiến, thói quen, tập tục lạc hậu từ đó góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, tiến bộ và bình đẳng.
Theo ông Tô Văn Dự, Trưởng ấp 15, từ khi Dự án 8 triển khai trên địa bàn ấp những vụ việc có liên quan đến bạo lực gia đình, những thói quen, tập tục còn lạc hậu... giảm đáng kể. Nếu như trước đây mỗi năm ấp xảy ra nhiều vụ vợ chồng cãi thậm chí đánh nhau thì hiện nay đã giảm từ 70-80%. Kết quả này lần nữa khẳng định mục tiêu của Dự án 8 đã dần thấm sâu vào đời sống của người dân và phương châm truyền thông đa dạng, phù hợp theo từng đối tượng, từng vụ việc mà Tổ truyền thông cộng đồng áp dụng trong thời gian qua đã đạt được hiệu quả tích cực.
Việc thành lập các Tổ truyền thông cộng đồng góp phần tuyên truyền cho người dân nhận thức rõ hơn về những kiến thức bình đẳng giới, không phân biệt đối xử với phụ nữ. Thời gian đầu mới thành lập, các tổ truyền thông cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn trong khâu tổ chức cũng như tuyên truyền, song nhờ có sự đồng lòng đoàn kết của các thành viên, tiếng nói của người có uy tín, bí thư chi bộ, trưởng ấp… mà những nội dung như thay đổi khuôn mẫu giới trong việc nhà, hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình đã được người dân nhận thức đầy đủ hơn.
Bên cạnh mô hình nuôi ốc bươu đen, chăn nuôi heo, mô hình trồng hoa màu được hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Khánh Lâm duy trì và nhân rộng.
Bà Lâm Mỹ Thanh, Chủ tịch Hội LHPN xã Khánh Lâm, cho biết, cùng với việc tổ chức ra mắt các mô hình, Hội LHPN các cấp cũng đã tăng cường mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, các kỹ năng hỗ trợ nạn nhân và vận hành “Địa chỉ tin cậy”. Đồng thời, hướng dẫn lập kế hoạch tổ chức sự kiện truyền thông, tổ chức sinh hoạt cho thành viên của các mô hình, câu lạc bộ và người dân trong cộng đồng.
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, Dự án 8 đã đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em DTTS xã Khánh Lâm nói riêng và trên địa bàn tỉnh Cà Mau nói chung. Đây chính là nền tảng vững chắc giúp các thành viên tổ truyền thông cộng đồng tuyên truyền, triển khai Dự án 8 đạt hiệu quả cao. Từ đó tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn phát triển toàn diện, có cuộc sống tốt hơn, bình đẳng hơn.
Đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh Cà Mau tiếp tục duy trì hoạt động 65 tổ truyền thông cộng đồng; thành lập mới 46 tổ, nhóm tiết kiệm cho vay tự quản; tổ chức 30 cuộc đối thoại chính sách cấp cơ sở; thành lập 12 CLB thủ lĩnh của sự thay đổi của trẻ em.
Thanh Phương - Trầm Nghĩ