Thời gian qua, công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (NLTS) được các ngành chức năng, các địa phương triển khai quyết liệt. Tuy vậy, tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán cá non vào đầu mùa mưa trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng đến công tác phục hồi, tái tạo NLTS.
- Phát động phong trào thi đua chống khai thác nguồn lợi thuỷ sản có tính huỷ diệt trên địa bàn tỉnh Cà Mau
- Quyết liệt bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản
- Ðồng bộ giải pháp bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản
- Ngư dân đồng hành bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản
Phóng viên Báo Cà Mau phỏng vấn ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xung quanh vấn đề này.
- Xin ông cho biết, việc quản lý hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán cá non trên địa bàn tỉnh thời gian qua như thế nào?
Ông Châu Công Bằng: Việc quản lý hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán các loài cá non khai thác từ tự nhiên trên địa bàn tỉnh thời gian qua rất khó khăn, đặc biệt là quản lý tình trạng người dân mua bán các loài cá non tự nhiên khai thác trong nội đồng như cá lòng ròng (cá lóc con), cá rô tăm tít (cá rô con) và cá sặt con... Mặc dù các ngành chức năng đã nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân, kể cả xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhưng tình trạng này vẫn còn diễn ra thường xuyên tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, làm cho NLTS ngày càng suy giảm và cạn kiệt.
Tình trạng mua bán cá non hiện nay vẫn còn diễn ra tại các điểm chợ. (Ảnh chụp ngày 16/7, tại chợ Phường 7).
Trước thực trạng trên và với trách nhiệm được giao, Sở NN&PTNT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý và bảo vệ NLTS, đồng thời chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Sở phối hợp với các đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác bảo vệ NLTS cho cộng đồng dân cư. Ngoài ra, chỉ đạo Thanh tra Sở NN&PTNT phối hợp ngành chức năng, ban quản lý các chợ thường xuyên kiểm tra tình hình mua bán cá non tại các chợ trên địa bàn TP Cà Mau; chỉ đạo lực lượng kiểm ngư thuộc Chi cục Kiểm ngư tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hộ dân vi phạm hoạt động khai thác nguồn lợi giống thuỷ sản tự nhiên ở các cửa sông, vùng ven biển.
Lực lượng chức năng thường xuyên ra quân xử lý tình trạng buôn bán lén lút cá non ở các điểm chợ, tịch thu để thả chúng về lại môi trường tự nhiên. (Ảnh chụp ngày 16/7, tại chợ Phường 7, TP Cà Mau).
- Ông có thể chia sẻ thêm về khó khăn hiện nay trong việc xử lý nạn khai thác mang tính huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản và cá non? Giải pháp để tháo gỡ trong thời gian tới?
Ông Châu Công Bằng: Ðối với chế tài xử lý hành vi khai thác, mua bán cá non, cũng như các hành vi tàng trữ chất cấm, hoá chất độc hại, chất nổ, thực vật có độc tố để khai thác thuỷ sản... Sở NN&PTNT đã có hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị, địa phương có liên quan phối hợp thực hiện tại Công văn số 2991/SNN-KN, ngày 16/7/2024 và Công văn số 2337/SNN-TTr, ngày 4/6/2024.
Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực vận động người dân giao nộp thiết bị công cụ kích điện, dụng cụ huỷ diệt cá non.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao. Mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trên địa bàn tỉnh được thực hiện thường xuyên, liên tục nhưng thực trạng việc sử dụng xung điện, ngư cụ cấm, hoá chất cấm khai thác thuỷ sản, đánh bắt cá non trên vùng biển ven bờ, các tuyến sông, kênh, rạch nội đồng của tỉnh vẫn còn xảy ra. Hoạt động của các đối tượng thường vào ban đêm, do địa bàn rộng nên việc kịp thời phát hiện, truy bắt các đối tượng gặp khó khăn.
Ðặc trưng địa bàn tỉnh có rất nhiều cửa sông, rạch thông ra biển, một số cửa sông, rạch không có trạm kiểm soát biên phòng nên số phương tiện tàng trữ, sử dụng kích điện khai thác thuỷ sản đã lợi dụng trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng để ra biển hoạt động trái phép. Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn số lượng lớn phương tiện thuỷ nội địa hoạt động khai thác thuỷ sản ven bờ, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát, nhất là trong đấu tranh ngăn chặn hành vi sử dụng kích điện khai thác thuỷ sản.
Lực lượng kiểm tra, tuần tra về hoạt động khai thác và bảo vệ NLTS các địa phương (cấp huyện, xã) còn gặp nhiều khó khăn (về kinh phí, lực lượng quá mỏng, thiếu phương tiện tuần tra đường thuỷ); các ngành chức năng của tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác tuần tra, kiểm soát các hoạt động nghề cá trên biển, sông, rạch, ao, hồ, đồng ruộng chưa chặt chẽ và thường xuyên; công tác quản lý, kiểm soát thiết bị công cụ kích điện ở các xã, thị trấn từng lúc chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí phục vụ công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất nghề cá trên biển, sông, rạch, ao, hồ... còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời với yêu cầu thực tế.
Ðể tháo gỡ khó khăn và có giải pháp quản lý tốt hơn trong thời gian tới, cần tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là công tác vận động, ký cam kết. Chính quyền địa phương là chủ thể chính nên phải thực sự quyết liệt, quyết tâm hơn nữa trong công tác quản lý và bảo vệ NLTS tại địa bàn thì mới mang lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, cần quan tâm, hỗ trợ kinh phí để tạo điều kiện cho các lực lượng chức năng, cán bộ tham gia làm công tác bảo vệ NLTS.
- Ðể tái tạo hiệu quả NLTS, trong đó con cá đồng tự nhiên trước nguy cơ bị cạn kiệt do hành vi khai thác tận diệt, ngành đã có những giải pháp gì?
Ông Châu Công Bằng: Ðể hạn chế hành vi khai thác huỷ diệt, tận diệt NLTS và tiến tới chấm dứt tình trạng này nhằm bảo vệ, phục hồi và phát triển bền vững NLTS, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TU, ngày 26/2/2024, của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền đối với việc khai thác NLTS có tính huỷ diệt trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 10/CT-UBND, ngày 15/11/2023, của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý các hoạt động khai thác NLTS có tính huỷ diệt, tận diệt trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 103/KH-UBND, ngày 2/5/2024, của UBND tỉnh về phát động phong trào thi đua thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU.
Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức thả bổ sung một số loài giống thủy sản nội đồng vào các vùng nước tự nhiên như: Cá trê vàng, sặc rằn, bống tượng, thát lát, tôm càng xanh… để phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Ðồng thời, Sở chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm tái tạo, phục hồi và phát triển bền vững NLTS trong thời gian tới như: tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết không vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ NLTS (cam kết không mua bán, tàng trữ, không sử dụng kích điện, điện lưới, chất nổ, chất độc, ngư cụ cấm... để khai thác thuỷ sản); phối hợp với các đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương tổ chức các đợt tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm mô hình đồng quản lý NLTS nội đồng có sự tham gia của người dân, hướng tới nhân rộng mô hình trong phạm vi toàn tỉnh. Hoàn thiện hồ sơ trình cấp thẩm quyền phê duyệt thành lập Khu bảo vệ và phát triển nguồn lợi cá đồng huyện U Minh. Phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, chính quyền địa phương tổ chức thả bổ sung một số loài giống thuỷ sản nội đồng vào các vùng nước tự nhiên như: cá trê vàng, sặt rằn, bống tượng, thát lát, tôm càng xanh... để phục hồi và phát triển NLTS (theo Chương trình bảo vệ và phát triển NLTS đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Cà Mau được UBND tỉnh phê duyệt).
- Xin cảm ơn ông!
Hoàng Vũ thực hiện