ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 17-6-25 01:22:23
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ý thức phòng, chống cháy rừng của người hầm than

Báo Cà Mau Đây là thời điểm mùa khô, nguy cơ cháy rừng cao. Vì vậy, để việc hầm than bên vạt rừng tràm vẫn được duy trì nhằm bảo đảm cuộc sống, đồng thời không ảnh hưởng đến rừng, người dân nơi đây đã thể hiện ý thức phòng, chống cháy rất cao.

Đây là thời điểm mùa khô, nguy cơ cháy rừng cao. Vì vậy, để việc hầm than bên vạt rừng tràm vẫn được duy trì nhằm bảo đảm cuộc sống, đồng thời không ảnh hưởng đến rừng, người dân nơi đây đã thể hiện ý thức phòng, chống cháy rất cao.

Ổn định cuộc sống nhờ hầm than

Hiện nay, ai có dịp đi qua những tuyến kinh trên lâm phần rừng tràm thuộc địa bàn huyện U Minh đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đống củi tràm ngọn chất cao, những người phụ nữ cặm cụi sẩy than bụi, bên cạnh là lò hầm than đang được un khói mịt mù. Mặc dù nghề hầm than lắm nỗi nhọc nhằn vì khói, bụi, vì thức khuya để canh chừng than cháy nhưng nhiều người dân nơi đây vẫn duy trì. Bởi phần lớn những người hành nghề này đều không có hoặc có ít đất sản xuất nên hầm than được xem là nghề mang lại thu nhập chính cho họ trong suốt 1  năm.

Chị Lư Thị Mực luôn ý thức việc bảo vệ rừng mỗi khi đốt lò hầm than.

Chị Nguyễn Thị Lên ở ấp 17, xã Khánh Thuận, có hơn 15 năm sống bằng nghề hầm than, cho biết: “Trước đây, do không có đất sản xuất nên cuộc sống gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Con nhỏ, chồng thì làm nghề vác cây tràm, mỗi tháng thu nhập cũng chẳng có là bao. May sao nhờ có mấy cô trong xóm hướng dẫn hầm than. Ban đầu, việc hầm than gặp rất nhiều khó khăn, nhưng cố gắng học hỏi riết rồi cũng thành thạo. Từ đó, vợ chồng tôi chuyển sang nghề mua đọt tràm sau khai thác để hầm than bán, nhờ vậy mà đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo và từng bước vươn lên ổn định cuộc sống”.

Bà Trần Thị Sáng, 72 tuổi, ở ấp 21, xã Khánh Thuận, là người có hơn 30 năm làm nghề hầm than. Nhờ nghề này mà bà có thêm thu nhập và từng bước ổn định cuộc sống. Trước đây, cuộc sống gia đình bà Sáng cũng gặp rất nhiều khó khăn do không có đất sản xuất, quanh năm chỉ sống nhờ vào nghề làm mướn. Kể từ khi học được nghề hầm than, cả nhà bà Sáng tập trung làm nên cũng cải thiện được cuộc sống.

Bà Sáng cho biết: “Hầu như 1 tháng mẹ con tôi không có ngày ở không. Hằng ngày con trai và con dâu tôi thì đi róc củi đọt mua của người ta với giá 3 triệu đồng/ha, sau đó chở về cho tôi ra củi hầm than và ra than. Công việc tuy cực nhưng cả nhà cảm thấy rất vui vì ai cũng có việc làm và thu nhập ổn định. Trung bình mỗi tháng cả nhà tôi hầm được gần chục mẻ than, bán được 5-6 triệu đồng nên cuộc sống gia đình cũng dần được ổn định”.
Tuy hầm than cực nhọc nhưng nhờ sản phẩm làm ra được tiêu thụ ổn định nên phần lớn người dân trên lâm phần rừng tràm đều an tâm sản xuất. Bên cạnh những người sống bằng nghề hầm than thì một số gia đình sau khi kết thúc mùa vụ, có thời gian nhàn rỗi cũng bắt tay vào hầm than để kiếm thêm thu nhập. Từ đó mà nghề hầm than phát triển mạnh.

Ý thức bảo vệ rừng

Cũng chính sự phát triển mạnh của nghề hầm than nên việc bảo vệ rừng vào mùa khô trở nên phức tạp. Những năm qua, chính quyền địa phương và ngành chức năng nghiêm cấm việc hầm than trên lâm phần để phòng, chống cháy, bảo vệ an toàn cho diện tích rừng tràm. Tuy nhiên, mùa khô lại là mùa thuận lợi cho việc hầm than nên nhiều lúc người dân cũng làm liều vì cuộc sống mưu sinh. Ðể tháo gỡ khúc mắc này, ngay từ đầu mùa khô, cán bộ kiểm lâm và các ngành chức năng đã đi đến từng hộ dân cho làm cam kết không để xảy ra cháy rừng do hầm than hay bắt cứ hoạt động nào.

Bên cạnh sự quan tâm của các ngành chức năng thì ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng cũng được nâng lên. Chính vì thế mà việc hầm than của họ cũng được thực hiện an toàn hơn trước rất nhiều. Nhiều hộ gia đình xây hẳn lò hầm than để việc hầm than được thực hiện dễ dàng, an toàn. Bên cạnh đó, nhiều hộ không có khả năng xây lò cũng đã kết hợp nhiều giải pháp đảm bảo sao cho việc hầm than diễn ra an toàn nhất.

Chị Lư Thị Mực ở ấp 8, xã Khánh Hoà, hiện đang sinh sống bằng nghề hầm than, bộc bạch: “Ðược mấy chú, mấy anh kiểm lâm, cũng như chính quyền địa phương nhắc nhở nên ý thức bảo vệ rừng của tôi cũng tăng lên. Do hầm than là nghề chính của gia đình nên muốn thực hiện nghề này lâu dài thì tôi phải đảm bảo an toàn cho rừng. Chính vì thế địa điểm tôi hầm than luôn được dọn sạch sẽ, gọn gàng, cách xa rừng. Ðể đảm bảo an toàn, tôi thường hầm vào ban đêm và tưới nước xung quanh hầm than của mình để than và lửa không thoát ra được bên ngoài gây cháy”./.

Bài và ảnh: Trần Thể
 

Hỗ trợ chị em làm kinh tế

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Ðầm Dơi luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua và công tác hội, giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế thông qua nhiều mô hình sản xuất.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công

Đó là nhấn mạnh của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại tại Hội nghị đẩy mạnh giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2025 vào chiều 10/6. Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân đồng chủ trì hội nghị.

Đề xuất các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên tôm, cua

Sáng 10/6, Cục Thuỷ sản và Kiểm ngư phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo chuyên đề “Giải pháp phòng, trị bệnh trên tôm nước lợ và cua biển tại đồng bằng sông Cửu Long”.

Dáng dấp tỉnh Cà Mau mới với những bước đột phá

Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính (ÐVHC) các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đang chuyển động mạnh mẽ khắp cả nước. Trong bối cảnh đó, việc hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau được quyết liệt triển khai, với nhiều nội dung quan trọng đã được thống nhất. Phấn đấu tỉnh Cà Mau mới đi vào hoạt động trước ngày 15/8/2025.

Hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo

Với mục tiêu hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII xác định phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo (không bao gồm thuỷ điện) phục vụ sản xuất điện, đạt khoảng 28-36% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 74-75%.

Văn hoá số - Nền tảng của ngân hàng hiện đại

Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi công nghệ không chỉ là xu thế tất yếu mà còn trở thành động lực sống còn của ngành ngân hàng. Thế nhưng, bên cạnh các sáng kiến số hoá sản phẩm, quy trình hay dữ liệu thì yếu tố ngày càng khẳng định vai trò nền tảng, đó là văn hoá số. Nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đang từng bước kiến tạo hệ giá trị văn hoá số sáng tạo và gắn kết, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững từ bên trong.

Hợp tác xã An Hoà trên đà phát triển

Hợp tác xã (HTX) An Hoà, xã Khánh An thành lập cuối năm 2022, qua hơn 2 năm đi vào hoạt động, HTX đang ăn nên làm ra với các lĩnh vực: nuôi trồng và sản xuất nông nghiệp, các ngành hàng tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ mua bán sản phẩm nông nghiệp, đạt doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhờ vậy mà số thành viên tham gia không ngừng được nâng lên, HTX ngày càng lớn mạnh, tạo tiền đề cho sự phát triển ngày càng bền vững hơn.

Giữ nghề làm nước mắm

Nước mắm là loại gia vị được xem như “quốc hồn quốc tuý” của ẩm thực Việt Nam. Bằng tâm huyết, những người làm nước mắm truyền thống trong tỉnh vẫn luôn âm thầm, bền bỉ gìn giữ nghề của cha ông để lại.

Mạnh dạn chuyển đổi mô hình

Áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào nuôi tôm, thời gian qua, một số hộ dân ở huyện Trần Văn Thời thành công với mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, bước đầu mang lại hiệu quả, cho năng suất cao.

Hướng đi mới cho nông nghiệp Cà Mau

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, thị trường thực phẩm Halal đang nổi lên như xu hướng toàn cầu với quy mô hàng ngàn tỷ USD mỗi năm, đặc biệt tại các quốc gia có cộng đồng Hồi giáo đông đảo. Với tiềm năng lớn về nông, thuỷ sản, tỉnh Cà Mau được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều cơ hội để khai thác và tiếp cận thị trường giàu tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức này.