(CMO) Trong nhiều thập kỷ qua, kinh tế tập thể, nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) đang từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước. Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp Cà Mau hình thành được ví như "đầu tàu" để kéo các HTX đi lên.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Sông Đầm là 1 trong 5 thành viên của Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp Cà Mau. |
Ông Nguyễn Hoàng Ân, Giám đốc Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp Cà Mau, cho biết, liên hiệp HTX dịch vụ nông nghiệp Cà Mau được thành lập vào ngày 10/12/2021, với 5 HTX tham gia, gồm: HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Nam Bộ (xã Phú Hưng, huyện Cái Nước), HTX Dịch vụ nông nghiệp Sông Đầm (xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi), HTX Chế biến thương mại dịch vụ và nuôi trồng thuỷ sản Cái Bát (xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước), HTX sản xuất nước mắm Ngọc Trân (thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân) và HTX Dịch vụ nông nghiệp Trần Văn Thời (thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời), với 68 thành viên, vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Ngành nghề sản xuất, kinh doanh là nuôi trồng thuỷ sản, chế biến, bảo quản thuỷ sản khô và đông lạnh; cung ứng vật tư nông nghiệp và thuỷ sản, giống thuỷ sản, kinh doanh rau quả, gạo và dược liệu.
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, từ khi thành lập đến nay, Liên hiệp HTX chỉ hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản. Đồng thời, đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu liên hiệp HTX và quảng bá sản phẩm, liên kết hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để cung cấp, tiêu thụ sản phẩm, bước đầu mang lại hiệu ứng tích cực cho các thành viên.
"Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp Cà Mau đi vào hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển theo đúng tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khẳng định rõ vai trò, vị trí quan trọng nòng cốt của kinh tế HTX trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", ông Ân chia sẻ.
Ông Trần Quốc Hương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thuộc Liên minh HTX tỉnh Cà Mau, cho biết, thực tế vẫn còn nhiều THT, HTX trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong tổ chức hoạt động, còn thụ động trong việc tổ chức thực hiện các dịch vụ, thiếu liên kết, trình độ và năng lực của cán bộ quản lý yếu kém, vốn hoạt động thấp, công nghệ, phương tiện, trang thiết bị phục vụ hoạt động và sản xuất kinh doanh chưa được đầu tư đổi mới, sản phẩm hàng hoá kém sức cạnh tranh, chưa đáp ứng được các quy định của Luật HTX năm 2012.
“Để giải quyết những khó khăn về kinh tế thập thể, mô hình liên hiệp HTX là cần thiết nhằm tập hợp một số HTX có cùng lĩnh vực, ngành nghề để hợp tác lại sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn, sản phẩm tạo ra chất lượng cao, tính cạnh tranh cao hơn đáp ứng nhu cầu kinh tế tập thể trong quá trình hội nhập và phát triển. Từ đó, khi tham gia vào thị trường chắc chắn sẽ khẳng định được vị thế trong các lĩnh vực kinh doanh", ông Trần Quốc Hương bày tỏ.
Theo Đề án Đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, mỗi năm, tỉnh thành lập mới khoảng 80 THT, từ 18-20 HTX. Nâng tổng số đến năm 2025 có 1.411 THT, 300 HTX. Mỗi huyện, thành phố xây dựng và hoàn thiện ít nhất 1 mô hình HTX điển hình tiên tiến để nhân rộng ra địa bàn toàn tỉnh.
Trung Đỉnh