(CMO) Ấp Xẻo Lớn (xã Lâm Hải, huyện Năm Căn) có diện tích đất ven sông Năm Căn thuộc hệ sinh thái rừng sản xuất gắn với nuôi tôm sinh thái. Trước siêu lợi nhuận và hiệu quả cao của hình thức nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, cũng như thuận lợi về nguồn nước, nhiều hộ dân có điều kiện tại đây đã phá vỡ quy hoạch sản xuất, hệ sinh thái, tiến hành cải tạo, chuyển mục đích đất sang nuôi tôm theo công nghệ cao.
Những ngày qua, hộ ông Trần Thanh Hùng tiến hành đưa cơ giới vào mở rộng diện tích ao nuôi tôm theo hình thức siêu thâm canh. Theo tìm hiểu của phóng viên, việc mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh trên đất rừng sản xuất tại đây là sai quy định. Lý giải vấn đề này, ông Hùng cho biết do trước đây (trước năm 2017) diện tích này đã được cải tạo thành ao nuôi tôm công nghiệp (ao đất), gặp nhiều thất bại nên sau đó bỏ trống, nay có điều kiện nên tiến hành nâng cấp lên thành ao nuôi siêu thâm canh (có trải bạt). “Việc làm này được đăng ký và sự cho phép của chính quyền xã”, ông Hùng cho hay.
Nhiều diện tích đất rừng sản xuất, nuôi tôm sinh thái trên địa bàn xã Lâm Hải chuyển sang nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, sản xuất, hệ sinh thái (Ảnh chụp tại ấp Xẻo Lớn, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn)
Trong đơn xin đăng ký nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh của ông Hùng được ông Nguyễn Việt Bắc - Chủ tịch UBND xã Lâm Hải ký ngày 13/12/2021 (nay ông Bắc là Bí thư Đảng ủy xã), được ghi bổ sung là “nâng cấp” ao nuôi. Điều này được ông Bắc xác nhận với phóng viên là vì ông Hùng đã “lỡ” nuôi tôm trước đây, đã đầu tư nguồn kinh phí khá lớn nên nay xã cho phép ông tiếp tục cải tạo, nâng cấp ao nuôi, dù thực tế nuôi tôm siêu thâm canh trên đất rừng sản xuất, đất nuôi tôm sinh thái là trái quy định. Tuy ông Bắc nói chỉ cho hộ ông Hùng nuôi tạm thời, tới đây sẽ phải trả lại hiện trạng ban đầu (đất rừng sản xuất, nuôi tôm sinh thái), nhưng ông Bắc cũng đã ký xác nhận để ông Hùng được lắp đặt thêm trạm biến áp nhằm tăng cường lưới điện để nuôi tôm siêu thâm canh. Điều này đồng nghĩa “phục vụ” cho ông Hùng tiếp tục triển khai mô hình, mở rộng quy mô sản xuất trái với mục đích sử dụng lâu dài.
Sau khi được xã xác nhận cho nuôi tôm theo hình thức thâm canh, siêu thâm canh, hộ ông Hùng tiến hành đưa cơ giới vào cải tạo đất, khả năng mở rộng quy mô vượt quy định
Kề cận với ông Hùng, hiện cũng đã có vài hộ nuôi tôm siêu thâm canh, siêu thâm canh trên diện tích đất rừng sản xuất, nuôi tôm sinh thái. Thực tế này không những phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sản xuất, mà còn gây nên những bức xúc nội tại giữa những người nông dân tại địa phương, khi người được nuôi, người không được nuôi, và có khả năng sẽ bộc phát những trường hợp bất chấp để chuyển đổi mô hình sản xuất; cũng như phát sinh khiếu kiện, khiếu nại. Đơn cử ở đây là hộ ông Lâm Hồng Sơn, khi UBND xã khẳng định diện tích đất của ông xin được chuyển sang nuôi tôm siêu thâm canh là đất rừng sản xuất nên không được chấp thuận. “Đất của ông Hùng cũng là đất rừng sản xuất, nhưng được cho nuôi, tôi thì không được. Như vậy là thiếu công bằng. Tôi sẽ tiếp tục kiến nghị”, ông Sơn bức xúc.
Lý giải vấn đề trên, trong Công văn số 01, ngày 12/01/2022, ông Trương Quốc Duẩn - Chủ tịch UBND xã Lâm Hải cho rằng đất của hộ ông Trần Thanh Hùng thuộc trường hợp hộ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đã đầu tư xây dựng các công trình phục vụ sản xuất trước khi có quy hoạch về điều kiện nuôi theo Quyết định số 1874/QĐ-UBND ngày 10/11/2017 của UBND tỉnh. “Hộ ông Hùng cam kết chuyển sang hình thức nuôi quảng canh cải tiến hoặc đối tượng thủy sản khác vào tháng 01/2023”, ông Trương Quốc Duẩn thông tin. Đồng thời lý giải việc cho phép ông Hùng nuôi tôm siêu thâm canh tại thời điểm này là vì trước đó đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, chi phí đầu tư cao nên cần có thời gian để thu hồi vốn.
Diện tích đất của ông Lâm Hoàng Sơn xin được nuôi tôm siêu thâm canh không được xã cho phép vì cho rằng đây là đất rừng sản xuất, dù thực tế chẳng còn cây rừng nào
Một thực tế là trước năm 2017, hộ ông Hùng cải tạo nuôi tôm hầm đất (nuôi tôm công nghiệp ao đất) chỉ có 2 hầm. Tuy nhiên, trong sơ đồ hệ thống khu nuôi tôm siêu thâm canh được xã xác nhận ngày 13/12/2021 thì ông Hùng được hình thành 3 ao nuôi. Trong khi đó, tiếp xúc với phóng viên, ông Trần Văn Hường (con ông Hùng), là người trực tiếp sản xuất cho biết hiện thả nuôi 2 ao và đang tiến hành cải tạo thêm 3 ao.
Được biết, đến cuối năm 2021, trên địa bàn xã Lâm Hải có 26 hộ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh với diện tích trên 27,85 ha. Hiện có 20 hộ đang thả nuôi với diện tích 10,5 ha.
Câu chuyện sử dụng đất sai mục đích, phá vỡ quy hoạch, nhất là chuyển diện tích đất rừng sản xuất sang nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh không chỉ xảy ra ở xã Lâm Hải hay của huyện Năm Căn và đây cũng không phải là câu chuyện mới.
Ngày 30/5/2018, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau đã có văn bản số 1313/SNN-TS gửi các huyện Năm Căn, Đầm Dơi, Ngọc Hiển và Phú Tân về việc nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trong rừng ngập mặn và vùng nuôi tôm sinh thái. Văn bản nêu rõ, việc quản lý quy hoạch nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ở một số địa phương còn thiếu chặt chẽ. Việc phát triển nuôi trong diện tích rừng ngập mặn và vùng nuôi tôm sinh thái còn xảy ra ở nhiều nơi, gây không ít khó khăn cho việc quản lý, bảo vệ rừng và tác động lớn đến hệ sinh thái rừng ngập mặn. Điều này, đã ảnh hưởng xấu đến vùng nuôi tôm sinh thái được chứng nhận, làm cho người nuôi tôm sinh thái phản ứng gay gắt, nhiều nơi dẫn đến khiếu kiện. Để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với phát triển bền vững nghề nuôi tôm, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân và Đầm Dơi không quy hoạch và phát triển mới diện tích nuôi thâm canh, siêu thâm canh trên diện tích rừng ngập mặn, vùng nuôi tôm sinh thái.
|
Trần Nguyên