(CMO) Cái tên “Tính dế sấy” mới xuất hiện gần đây, khi anh Lê Trọng Tính, Bí thư Chi đoàn ấp Năm Ðảm, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, thực hiện ý tưởng làm dế sấy tiêu thụ trên thị trường.
“Nơi khác thì có nhưng ở tỉnh mình theo tôi được biết, chưa có ai làm thực phẩm từ con dế. Mình cứ thử, nếu tiêu thụ được sẽ giải quyết được nhiều vấn đề”, Lê Trọng Tính hào hứng chia sẻ.
6 năm trước, sau khi học xong cao đẳng, Lê Trọng Tính đăng ký đi bộ đội. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh về lập gia đình và đi làm ở một số công ty. Vốn gốc nông dân, lại thích tìm tòi học hỏi nên khi lên mạng thấy người ta nuôi dế, nuôi cút, Tính đã thử làm theo. Từ nuôi ít, kết quả, Tính phát triển dần thêm và có được thu nhập kha khá. Nhưng cái khó là còn phải đi làm công ty, phát triển thêm nữa thì không đủ thời gian chăm sóc; mà nuôi được nên ham, thế là cứ đắn đo…
“Cuối cùng tôi chọn làm kinh tế ở nhà. Khi đó cũng đã tham gia công tác Ðoàn ở ấp, thấy ở nhà vừa làm kinh tế, vừa làm công tác địa phương, giờ giấc dễ chủ động hơn…”, Tính bộc bạch.
Thời điểm dịch bệnh, thức ăn cho chim cút mua khó, đầu ra cũng không ổn định nên Tính thu gọn lại chỉ tập trung cho con dế. Hiện tại, khu nhà dế của anh có đến 26 chuồng, mỗi ngày anh bỏ mối từ 5-8 kg dế cho các tiệm mồi câu ở TP Cà Mau và huyện Trần Văn Thời, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng.
Với 26 chuồng nuôi, mỗi tháng anh Lê Trọng Tính có thu nhập khoảng 6 triệu đồng từ bỏ mối dế cho các tiệm bán mồi câu. |
Ngoài là Bí thư Ðoàn thanh niên ấp, anh còn là Ấp đội trưởng, nhiệm vụ nào cũng hết sức nhiệt tình, trách nhiệm, được đánh giá cao.
Ðối với con dế, nhận thấy chúng dễ nuôi, hiện có nhiều người thực hiện, nếu phát triển ồ ạt sẽ khó có đầu ra (vì hiện trong tỉnh chỉ dùng làm mồi câu cá; làm thức ăn cho chim, cá cảnh), anh lên mạng mày mò học cách làm dế sấy để rộng đường tiêu thụ.
“Con dế có hàm lượng dinh dưỡng cao, một số tỉnh trên đã tạo ra nhiều sản phẩm từ con dế làm thực phẩm cho người. Tôi tìm hiểu, học hỏi làm thử dế sấy. Món này có thể dùng uống rượu, bia; có thể ăn chơi hay bày tiệc cùng các món khác…”, anh cho biết.
Chưa có máy móc, anh mang dế đi sấy nhờ máy của người bà con, rồi chia ra từng bọc nhỏ đi chào mời bạn bè, người quen dùng thử. Bước đầu nhận được nhiều phản hồi tích cực, hầu hết đều khen ngon, từ đó giúp anh có thêm động lực.
Anh cũng cho biết: “Thức ăn cho dế đa dạng, có thể là cám gà con, lá khoai mì, rau muống, rau lang, rau cải… Nhưng nếu dùng làm thực phẩm cho người thì sẽ phát triển theo hướng chủ yếu cho ăn rau. Ở quê đất rộng, nhất là theo bờ vuông, có thể trồng được cây khoai mì, rau lang… tạo nguồn thức ăn phong phú cho dế. Vì vậy, sản phẩm làm ra cũng sẽ là sản phẩm sạch, đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng”.
Hiện anh đang đặt bao bì, xúc tiến các khâu để đưa mặt hàng dế sấy ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. “Nếu có được đầu ra, ngoài của nhà, mình sẽ thu gom nguyên liệu từ anh em nuôi trong khu vực. Dần dần khi thị trường có nhu cầu lớn sẽ khuyến khích nhiều người tham gia mở rộng vùng nuôi. Như vậy sẽ tạo được công ăn việc làm cho nhiều lao động, trong đó có các bạn đoàn viên thanh niên của ấp”, anh kỳ vọng.
Anh Tính đang xúc tiến các điều kiện để đưa mặt hàng dế sấy ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. |
Thành công vẫn còn ở phía trước, nhưng điều nhận thấy ở anh đó là sự nhạy bén, năng động, tính ham học hỏi, dám thử sức mình của tuổi trẻ. Nhiều năm là Bí thư Xã đoàn Lương Thế Trân, anh Phạm Trọng Nguyễn đánh giá khá cao về Lê Trọng Tính: “Tính rất nhiệt tình, xông xáo trong công tác Ðoàn; chi đoàn ấp của Tính là một trong những đơn vị mạnh của Ðoàn xã. Tính còn lập được câu lạc bộ bóng đá, tập hợp các thanh niên làm ở công ty, xí nghiệp trên địa bàn giao lưu bóng đá khá sôi nổi. Tính cũng rất chịu khó, nhạy bén trong phát triển kinh tế gia đình. Ý tưởng làm dế sấy của Tính chúng tôi rất ủng hộ và đặt nhiều hy vọng…”./.
Huyền Anh