(CMO) Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Cà Mau Ðỗ Chí Sĩ ví von rằng, thả rạn nhân tạo xuống đáy biển là “xây nhà”, tạo nơi dưỡng cư tập trung cho tôm, cá đến sinh sống. Việc làm này nhằm phát triển đa dạng sinh học, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản ven bờ, mang tính bền vững lâu dài.
Tạo sinh kế cho ngư dân ven biển
Dự án thả 500 rạn nhân tạo có tổng nguồn vốn đầu tư trên 7,7 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ từ Chính phủ Thái Lan trên 3 tỷ đồng, phần còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Khu vực thực hiện dự án thuộc vùng biển Tây, cách hòn Ðá Bạc 14 km, thuộc địa bàn 2 xã Khánh Bình Tây và Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời.
Việc thả rạn nhân tạo đã được nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia… thực hiện từ rất lâu, thu hút tôm, cá vào cư trú nhiều và phát triển nhanh, góp phần ổn định sinh kế cho ngư dân sống ven biển.
Ông Ðỗ Chí Sĩ cho biết, kết quả đánh giá sau 3 tháng thả rạn cho thấy, có sự xuất hiện của khoảng 13 họ cá, gồm một số loài đặc trưng cho cá rạn như họ cá bướm, cá thia, cùng với một số họ cá có giá trị thực phẩm và giá trị kinh tế cao như cá bớp, cá dìa, cá mú, cá vây tia, cá kẽm, cá hồng, cá đổng…
Các loài cá tập trung tại khu vực rạn có khuynh hướng tăng lên qua các lần lặn thu mẫu đánh giá. Ðặc biệt, một số loài cá quan sát tại khu vực rạn có kích thước lớn hơn nhiều so với kích thước trung bình ngư dân khai thác trước đây như cá hồng, cá đổng. Sự xuất hiện của các loài cá dữ (cá bớp, cá nhồng, cá mú, cá hường…) cho thấy chuỗi mắc xích thức ăn tự nhiên trong hệ sinh thái vùng rạn đang có dấu hiệu phục hồi tích cực.
Bên cạnh đó, theo kết quả phân tích động vật đáy và thông qua hình ảnh thu được qua các lần khảo sát cho thấy, sự đa dạng của các loài động vật đáy như họ nghêu, tôm gõ mõ, hải sâm, giun nhiều tơ, giáp xác... xuất hiện ngày càng nhiều.
Tập kết, chuẩn bị thả rạn nhân tạo xuống biển. |
Theo ông Ðỗ Chí Sĩ, từ khi thực hiện dự án thả rạn nhân tạo thì những "hung thần" sát hại nguồn lợi thuỷ sản ven bờ như cào bay không dám hoạt động. Bởi khi hoạt động gặp phải “căn nhà của cá” là phải bỏ cả miệng cào, bởi mỗi cục rạn nhân tạo được đúc bằng bê-tông cốt thép có kích thước 1,5x1,5x1,5 m, độ dầy 17 cm, nặng trên 1,2 tấn.
Dự án xây dựng rạn nhân tạo do Chính phủ Thái Lan tài trợ với mục đích giúp Việt Nam vượt qua những thách thức về sự suy giảm nguồn lợi thuỷ sản, đặc biệt là sự suy giảm sản lượng cá ở vùng biển phía Nam của Việt Nam do khai thác quá mức. Theo ông Sĩ, dự án là niềm tin và mối quan hệ đối tác bền vững không chỉ giữa Chính phủ Thái Lan và lãnh đạo tỉnh Cà Mau, mà còn giữa các cộng đồng địa phương. Dự án rạn nhân tạo sẽ tác động tích cực phát triển tài nguyên ven biển cho cả khu vực.
Vì một nghề cá bền vững
Ông Ðỗ Chí Sĩ đánh giá, qua thực hiện dự án, ý thức của 20 thành viên 2 tổ đồng quản lý về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản được nâng lên rõ rệt; tác động tích cực đến tập quán khai thác thuỷ sản của người dân địa phương trong việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản để khai thác bền vững. Các thành viên tổ hợp tác được địa phương lựa chọn là người có kinh nghiệm khai thác thuỷ sản lâu năm và có uy tín, nên có khả năng tiếp thu nhanh, thực hiện đúng các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong việc bảo tồn và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.
Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Nguyễn Cảnh Hạnh cho biết, tổ đồng quản lý hoạt động theo quy chế và hợp đồng của tổ, có sự thống nhất của các thành viên và xác nhận của chính quyền 2 xã. Các thành viên trong tổ tham gia với tinh thần tự nguyện, cùng đoàn kết, chung tay phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ khu vực biển thả rạn nhân tạo; hướng đến bảo tồn, bảo vệ, tái tạo, phục hồi nguồn lợi thuỷ sản, đặc biệt là nguồn lợi thuỷ sản ven bờ; kết hợp phát triển ngành khai thác thuỷ sản bền vững, giữ gìn đa dạng sinh học và tài nguyên sinh vật biển.
Tổ trưởng Tổ hợp tác đồng quản lý rạn Trần Văn Sắm, cho biết, tổ thực hiện nhiệm vụ canh giữ rạn, thông báo thường xuyên tình hình hoạt động khai thác thuỷ sản tại khu vực thả rạn về Chi cục Thuỷ sản để theo dõi, phân chia thời gian các tàu thực hiện canh giữ rạn cho chính quyền địa phương và các bên có liên quan. Ðịnh kỳ mỗi tháng 1 lần, tổ đồng quản lý tổ chức họp các thành viên, có sự tham gia của cán bộ phụ trách thực hiện dự án của Chi cục Thuỷ sản, cùng đại diện chính quyền địa phương 2 xã Khánh Bình Tây và Khánh Bình Tây Bắc. Qua đó, báo cáo tình hình canh giữ rạn và những khó khăn, vướng mắc, đề xuất kế hoạch thực hiện tốt trong tháng tiếp theo.
Ðể nâng cao hiệu quả của dự án, ông Sĩ đề xuất, Sở NN&PTNT xem xét, cho chủ trương thả thêm các loại chà lá dừa, tre… để thu hút thêm một số loài cá có giá trị kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động của dự án, phù hợp Chương trình số 40 của Tỉnh uỷ về phát triển kinh tế biển./.
Trung Ðỉnh