(CMO) Trong tất cả các nghề truyền thống tại Cà Mau, nghề rèn là một trong những nghề khá vất vả. Mặc dù hiện tại các phần việc đã có sự hỗ trợ của máy móc, thế nhưng, để làm ra một sản phẩm đẹp, bền, chắc, bắt buộc người thợ phải thường trực bên bếp lửa.
Nằm cạnh con sông Ðầm lúc vơi lúc đầy theo con nước ròng, nước lớn là nhà ông Nguyễn Văn Ðô (Khóm 5, thị trấn Ðầm Dơi, huyện Ðầm Dơi), một trong những thợ rèn có tiếng tại xứ Ðầm. Nhà không ngay lộ lớn, cửa tiệm chẳng biển hiệu quảng cáo, để đến được lò rèn của ông Ðô phải băng qua cây cầu ván chắp vá lắc lư. Chính nơi đây, nghề rèn đã tồn tại và duy trì suốt 5 thế hệ của gia đình ông.
Ký ức
Ông Nguyễn Văn Ðô (Út Ðô) năm nay đã 70 tuổi, có 5 người con (2 trai, 3 gái). Hai người con trai đều nối nghiệp ông, ngoài anh Nguyễn Văn Nghị (thứ 2) đang ở cùng ông kế thừa gia nghiệp, người con thứ 3 Nguyễn Tuấn Anh cũng đang mở lò rèn tại tỉnh Bình Dương. Ông Út Ðô tâm tình: “Tính tới đời con tôi nữa là 5 đời. Từ đời ông cố, ông nội, ba tôi, tôi, rồi đến con trai vẫn làm duy nhất chỗ này, làm trên bờ vậy chứ không có lò rèn trên sông”.
Nghề rèn sở dĩ duy trì được đến nay, bởi không phải vì muốn gìn giữ cái nghề của tổ tiên, mà còn vì nghề này “sống được”, nếu không nói là có phần dư dả. Ở thời của ông Út Ðô, nghề rèn đang trào thịnh hành, thậm chí là thời hoàng kim, ăn nên làm ra khi các dụng cụ lao động sản xuất, sinh hoạt... đều xuất xứ từ lò rèn.
Nghề rèn không kén sản phẩm, ai đặt gì làm đó, trong tất cả các loại nông cụ từ búa, phản, liềm, móc dừa... thì dao được làm nhiều nhất. Suốt quãng đời làm thợ, từ đôi bàn tay của Út Ðô không đếm xuể đã cho ra lò bao nhiêu con dao các loại từ yếm, phay, chét, chỉ nhớ rằng nhờ nó mà ông nuôi được vợ và các con, sắm sửa vật dụng trong nhà. “Mình làm lâu năm nên khách hàng quen hết, ở vùng sâu, vùng xa mấy xã khác vẫn chịu khó tìm đến, có khi đặt một cây dao mới, hay đơn thuần là mài lại bộ dao đã cùn ở nhà. Cây dao thời tôi mần có mười mấy ngàn đồng thôi, cây phản thì hơn 100.000 đồng, tính ra giá thời đó cỡ 10 giạ lúa. Làm từ sáng tới chiều được 800.000-900.000 đồng, 1 năm nếu biết tích góp thì dư được 2 cây vàng”, ông Ðô nhẩm tính.
Hiện nay, nhiều nghề truyền thống dần mai một và nghề rèn cũng vậy. Có người không chịu được sự nhọc nhằn, có người không có thế hệ tiếp nối, lại có người bỏ dở nghề để chuyển sang nghề mới trải nghiệm. Nhưng đối với lò rèn Út Ðô, điều để ông duy trì đến nay là nhờ vào “còn người chuộng thì còn làm”, chỉ đơn giản thế thôi.
Khâu nung thép đòi hỏi người thợ phải chịu được độ nóng bức. |
Giữ nghiệp
Ðối với anh Nguyễn Hữu Nghị, nghề rèn quá thân thương, ngay từ nhỏ, khi bắt đầu ý thức được thì tiếng chan chát có phần đinh tai, hay hơi lửa nóng phà ra mỗi khi nung sắt thép đã in sâu vào tâm trí tuổi thơ của anh đến khi trưởng thành.
Anh Nghị đến với nghề rèn tự nhiên như đứa trẻ lớn lên tự khắc biết nói, biết đi. Anh chia sẻ: “Cách truyền nghề của gia đình tôi không giống những gia đình khác, tức là không cầm tay chỉ việc, các con trong cuộc sống hàng ngày, ăn ở, sinh hoạt thấy cha làm thì làm theo, học như không học, cứ y vậy mà truyền nghề đến ngày nay, đời cha nghỉ thì đến đời con vô làm là được hết”.
Nhờ những lời răn dạy của cha, đặt cái tâm sống với nghề, cùng sự tỉ mỉ trong các công đoạn nên lò rèn truyền thống nhiều đời của gia đình không những không bị mai một mà ngày càng được nhiều người biết đến. Tay nghề vững, cộng thêm nghề rèn dần bó hẹp nên các sản phẩm làm ra được khách từ nhiều nơi tìm đến đặt hàng, tạo nguồn thu tương đối ổn định. Nghề này chủ yếu là lấy công làm lời, nên trừ hết mọi chi phí, anh Nghị cũng kiếm được từ 300.000-500.000 đồng mỗi ngày.
Dao các loại được rèn, bày bán sẵn tại lò rèn. |
Theo dòng chảy của thời gian, nghề nào cũng vậy, phải có thay đổi mới, nhất là đối với những ngành cơ khí khi sự ra đời của máy móc đã giảm thiểu sức người và thời gian. Theo đó, nghề rèn cũng thay đổi, không khó bắt gặp những cỗ máy lớn có mặt ở những lò rèn thủ công, do đó dù công việc lò rèn thời hiện đại tuy nhọc nhằn nhưng vẫn có cái sướng. Sướng ở đây không chỉ là công việc nhẹ nhàng, nhanh chóng hơn, mà nhân công chỉ cần 2 người hợp sức là đủ. Cho nên, trong thời buổi kinh tế thị trường, việc tiết kiệm được kinh phí thuê mướn lao động cũng là cách để duy trì nghề. “Có máy móc, số lượng sản phẩm làm ra tăng lên, nhẹ công hơn. Khâu trui thép là quan trọng nhất, lúc trước còn làm thủ công, chỉ mỗi khâu đập cũng mất nửa tiếng, giờ chỉ 15 phút là được”, anh Nghị cho biết.
Ông Phan Hữu Trí (xã Thanh Tùng, huyện Ðầm Dơi) cho biết: “Tôi xài đồ rèn mấy chục năm rồi, không cố định, khi nào cần rèn cây búa, hay gom mớ dao trong nhà đi làm mới cho bén lại, thì tôi tìm kiếm. Ưa nhất là độ bền của dao rèn, xài bao năm dù bị mẻ, mỏng hay gỉ sét, nhưng cứ mài nhẵn nhụi là có thể xài êm tay như dao mới”.
Ðối với lớp người đi trước như thế hệ ông Ðô, nghề rèn hiện nay khác trước nhiều lắm. Ông Ðô chậm rãi: "Tôi tự hào vì đến đời con vẫn duy trì, giữ được cái nghề ông bà để lại. Tâm đắc với nghề, sung sướng vì truyền được nghề cho con, ít nhất là con vẫn làm chủ mà không cần đi xa, rời quê đi mần thuê, vui là vui vậy thôi”.
Không chỉ ông Ðô, mà cùng thế hệ với ông còn có các anh thứ 3, thứ 4, thứ 9 của ông kế tục nghề. Ðến nay, dù các anh đã khuất nhưng nghề rèn vẫn được các cháu ông ngày đêm tiếp lửa tại Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng và Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Và đâu đó, nghề rèn không chỉ được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác mà còn mở rộng địa bàn, đưa những sản phẩm thủ công đi khắp nơi, được bà con tin dùng./.
Yến Nhi