(CMO) Nếu nghiện các món ăn của Thái Lan nhưng chưa có dịp đặt chân đến xứ sở Chùa Vàng xinh đẹp, thì tại Cà Mau thực khách vẫn có thể thưởng thức hương vị do chính người bản địa thực hiện.
Các món ăn được bày trí đẹp mắt, nguyên liệu kết hợp vô cùng phong phú, tươi ngon. Quán ăn Made in Thái Lan - Cà Mau (Khóm 1, Phường 8, TP Cà Mau) chuyên phục vụ các món ăn Thái, lấy vị cay làm chủ đạo, mang lại làn gió mới về trải nghiệm ẩm thực cho người Cà Mau thưởng thức.
Với hơn 20 món từ nước tới khô, trong đó những món đặc trưng, quen thuộc của Thái như SomTam, lẩu nướng Sa-wa-dee-kaa, thịt cô đơn, thịt thả thính, Pad Thái, cơm trái khóm, các món lẩu đều mang vị riêng biệt, tất cả đều lấy vị cay làm nền nhưng tuỳ theo cấp độ. Vì vậy, đối với những người không ăn cay được khuyến cáo không nên thử.
Công đoạn làm món cơm trái khóm cầu kỳ với sự kết hợp nhiều nguyên liệu. |
Ẩm thực Thái thường rất đặc trưng, mang màu sắc riêng biệt. Người Thái khi nấu nướng cho rất nhiều gia vị, do đó món ăn rất đậm đà. Bên cạnh đó, trong cách chế biến, thường kết hợp nhiều các loại thảo mộc tươi như: gừng, riềng, ớt, chanh, sả… Như vậy món ăn khi dọn ra vừa thơm lại có công dụng như một bài thuốc hỗ trợ sức khoẻ.
“SomTam là món ăn đặc trưng, quen thuộc, ngay cả đứa trẻ 3 tuổi cũng biết”, chị Mook Da hài hước. SomTam là món gỏi, tương tự như món gỏi đu đủ của người Việt Nam. Tuy nhiên, ở Thái Lan, SomTam có khá nhiều biến tấu để cho ra nhiều món ăn khác nhau như: thịt, cá, gà, thập cẩm, Bangkok, hải sản, gốc Thái (cay xé lưỡi). Ðể làm ra món ăn “quốc dân” này, ngoài nguyên liệu chính là đu đủ xanh thì sự thành bại của món ăn còn ở cách làm. Người làm dùng một chày, một cối to vừa trộn vừa quết, làm sao cho món ăn thấm gia vị nhưng không nát, lực dùng vừa phải. Các loại rau, củ đi kèm như chanh, đậu đũa, cà chua… đều tươi, không qua chế biến, để giữ được độ giòn sựt vốn có.
Hay nói về Pad Thái, một món ăn chính với sự kết hợp ngẫu nhiên của nhiều gia vị thực phẩm đi kèm, từ mặn, ngọt, chua cay, béo bùi nhưng không hỗn tạp mà vừa phải. Ðiểm danh nguyên liệu cần có để tạo ra món ăn có thể thấy như: hải sản, tôm khô, trứng, cà chua, tàu hủ, lá hẹ, đậu phộng, hành, tóp mỡ và giá. Từng sợi hủ tiếu sau khi xào được bao bọc với trứng, tạo nên vị béo đặc trưng nhưng không tanh, khi ăn cần vắt thêm ít nước cốt chanh trộn đều để dậy lên mùi thơm. Món ăn không ngấy nhờ có vị chua cay, kích thích vị giác.
Ðiểm cộng cho món ăn ở đây là chủ quán rất nhiệt tình. Trên các hộp thức ăn đều ghi rõ cách ăn để bắt trọn hương vị, cùng với đó là những dòng chữ, hoạ tiết chúc người ăn ngon miệng, vừa dễ thương lại cho thấy sự tận tâm của người làm ra chúng.
Ðối với các món ăn Thái, ngoài sự kết hợp màu sắc hài hoà trên tổng thể thì những vật dụng trang trí đi kèm cũng được quan tâm không kém. Chẳng hạn, đối với các món xôi, thay vì đựng trong dĩa thì người Thái sẽ có dụng cụ đặc trưng khác, gọi là típ xôi. Típ xôi được đan bằng tre, có hình thù như chiếc lọ nhỏ, có chức năng tương tự như một lồng hấp mini, để xôi giữ được độ nóng hổi khi dọn ra.
Típ xôi dùng để đựng các món xôi của người Thái. |
Theo thời gian, một số món ăn Thái bằng nhiều cách mà du nhập vào Việt Nam, một số vẫn giữ được nguyên bản, phần lớn đều biến tấu lại để phù hợp với khẩu vị của người Việt. Nếu có cơ hội hãy một lần nếm thử để tìm hiểu văn hoá Thái Lan, tuy xa về địa lý nhưng lại gần gũi nhờ cái tài hoa của người nấu gửi gắm, giữ gìn trong dư vị riêng của mỗi món ngon đậm vị, đậm tình./.
Ngô Nhi