ĐT: (0290) 383 1066 - 383 3905
Thứ ba, 3-10-23 18:04:41

Ăn chắc từ lúa bao lợi nhuận

Báo Cà Mau (CMO) Thời gian qua, tình hình sản xuất lúa của người dân gặp nhiều khó khăn, do chi phí vật tư nông nghiệp tăng cao, đầu ra sản phẩm không ổn định, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến thu nhập của bà con nông dân. Nhằm hỗ trợ nông dân sản xuất đạt hiệu quả, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Minh Hà (xã Khánh Bình Ðông) phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa bao lợi nhuận. Qua đó, giúp bà con yên tâm trong sản xuất lúa 2 vụ và có thu nhập ổn định.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Minh Hà được thành lập vào tháng 6/2021, với sự tham gia của các thành viên trong Công ty Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời và người dân địa phương.

Vụ lúa hè thu năm 2021, HTX triển khai canh tác thí điểm giống lúa OM18 trên tổng diện tích 39 ha, với 17 hộ nông dân tại xã Khánh Bình Ðông tham gia. Trong đó, HTX cam kết “bao lợi nhuận” 8 triệu đồng/ha, nông dân trả lại cho HTX 5 tấn lúa tươi/ha; trường hợp năng suất vượt hơn 5 tấn/ha, HTX sẽ thoả thuận giá thu mua phần năng suất vượt của nông dân. Ngoài ra, HTX cam kết chi trả toàn bộ chi phí vật tư nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp trên diện tích thực hiện mô hình. Ðồng thời, nông dân còn được chi trả tiền công khi trực tiếp lao động sản xuất trên ruộng của mình. Từ đó, các thành viên HTX có lợi nhuận ổn định so với sản xuất truyền thống.

Mô hình sản xuất lúa bao lợi nhuận của HTX Dịch vụ nông nghiệp Minh Hà, xã Khánh Bình Ðông trong vụ đông xuân 2021-2022.

Về cái lợi của mô hình, ông Phạm Tuấn Ngọc, xã viên HTX, cho biết: “Tham gia mô hình này, nông dân được nhiều cái lợi. Ðó là được nhân viên kỹ thuật của tập đoàn hướng dẫn cách chăm sóc lúa; được tập đoàn cung cấp phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; sản phẩm của nông dân làm ra đều được bao tiêu; thời gian thu hoạch đồng loạt, không bị kéo dài làm giảm năng suất; giá cả thì tập đoàn chi trả cho nông dân đúng theo hợp đồng”.

Ðồng ý kiến, ông Lương Minh Ngoan, thành viên HTX, cho hay: “Sản xuất theo mô hình bao lợi nhuận này, nông dân không phải lo lắng về tình trạng tăng giá của các loại vật tư; giá sản phẩm thì ổn định, lợi nhuận thì tập đoàn đã giao kết với nông dân trước đó rồi. Mô hình này từ có lợi cho đến có lời cho bà con so với sản xuất truyền thống trước đây”.

Bà Nguyễn Thị Phượng, xã viên, khẳng định: “Khi làm mô hình, nếu có sâu bệnh mình không phải lo, bởi có anh em “3 cùng” giúp nông dân phòng trừ sâu bệnh; cũng không sợ mua phải thuốc giả hoặc mua thuốc không đúng giá. Ðiều quan trọng là đến cuối vụ không phải lo về đầu ra và giá cả sản phẩm. Qua vụ hè thu vừa rồi, bà con nông dân đều có lợi nhuận cao hơn nhiều so với trước”.

Nhằm giúp xã viên tăng thêm thu nhập từ mô hình sản xuất lúa bao lợi nhuận, vụ lúa đông xuân 2021-2022, HTX Dịch vụ nông nghiệp Minh Hà thống nhất tăng năng suất và thêm mức lợi nhuận cố định cho thành viên. Theo đó, nếu năng suất đạt 5,25 tấn/ha, xã viên được HTX chi trả 11 triệu đồng/ha, nếu năng suất vượt trên 5,25 tấn/ha, các xã viên được hưởng thêm.

Ông Lê Thanh Nhật, Phó giám đốc kinh doanh HTX Dịch vụ nông nghiệp Minh Hà, thông tin: “Thời gian tới, HTX tiếp tục triển khai mô hình sản xuất lúa bao lợi nhuận đến với tất cả các thành viên trong HTX và mở rộng ra các khu vực khác trên địa bàn huyện Trần Văn Thời. Hướng phấn đấu của HTX là sẽ triển khai khoảng 5.000 ha trong năm 2022; đồng thời, sẽ đưa mô hình bao lợi nhuận kết hợp với cơ giới hoá trong nông nghiệp để tăng năng suất và giá trị nông sản của bà con nông dân. HTX mong các cơ quan, ban, ngành quan tâm giúp đỡ để có điều kiện triển khai nhân rộng mô hình này trên địa bàn huyện Trần Văn Thời nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung”.

Mặc dù có lời và có lợi, nhưng hiện nay việc mở rộng mô hình sản xuất lúa bao lợi nhuận của HTX Dịch vụ nông nghiệp Minh Hà chưa như mong muốn. Vụ lúa đông xuân năm nay, HTX sản xuất theo mô hình này chỉ có 25 ha (trong đó, 15 ha tại ấp Minh Hà A, 10 ha tại ấp Tham Trơi B), do còn nhiều thành viên chưa tham gia. Thiết nghĩ, các ngành liên quan và chính quyền địa phương cần tiếp tục tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích và hiệu quả của mô hình sản xuất lúa bao lợi nhuận để tự giác tham gia, góp phần cho quá trình sản xuất lúa 2 vụ trên địa bàn huyện Trần Văn Thời nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung mang tính bền vững./.

 

Anh Quốc

 

Thí điểm sạ lúa cụm bằng máy

Vừa qua, UBND huyện Thới Bình phối hợp với Công ty TNHH TM DV Sài Gòn - Kim Hồng tổ chức trình diễn thí điểm máy sạ lúa cụm trên đồng đất lúa - tôm tại xã Tân Phú.

Nuôi cua trong hộp nhựa

Ðể nâng cao chất lượng cua tươi sống đến tay người tiêu dùng, anh Lê Hữu Nhiệm (ấp Lung Ðước, xã Tam Giang, huyện Năm Căn) đang thí điểm mô hình nuôi cua thương phẩm (vỗ béo) trong hộp nhựa, bước đầu cho kết quả khả quan.

Nông nghiệp Cà Mau - Phát huy lợi thế, tạo sự khác biệt

Hệ sinh thái mặn - ngọt - lợ đan xen đã tạo nên bức tranh nông nghiệp Cà Mau đa dạng sắc màu và vô cùng độc đáo. Trong đó, tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn; tôm sạch, lúa hữu cơ... là những điểm chấm phá tiêu biểu.

Nuôi cua 2 giai đoạn - Hiệu quả, cải thiện môi trường

Cà Mau có diện tích nuôi cua lớn nhất, nhì đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Hình thức nuôi chủ yếu hiện nay là kết hợp với nuôi tôm sú, trên diện tích khoảng 248.000 ha; nuôi thâm canh, bán thâm canh khoảng 2.000 ha.

Tạo môi trường nuôi tôm bền vững

Những năm trước đây, giá lúa trên thị trường khá thấp, giá vật tư nông nghiệp thì luôn ở mức cao, nhưng bà con nông dân huyện Cái Nước vẫn duy trì sản xuất lúa trên đất nuôi tôm để cải thiện môi trường, tạo nguồn thức ăn tự nhiên giúp tôm nuôi phát triển. Năm nay, giá lúa tăng mạnh, tạo thêm động lực cho bà con nông dân sản xuất vụ lúa - tôm.

Vẫn còn tình trạng tàu cá mất kết nối

Tính đến ngày 17/8, tỉnh Cà Mau có 1.496/1.496 tàu cá đang hoạt động đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), đạt 100%.

Giải pháp để nông nghiệp Cà Mau đột phá

Sau gần 8 năm thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp (Ðề án), nhiều chuyển biến từ cách thức tổ chức cho đến năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm... được nhìn nhận. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, hạn chế mà tỉnh cần tiếp tục khắc phục để tạo đột phá, tiến tới mục tiêu nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Quyết liệt, trách nhiệm chống khai thác IUU

(CMO) Những năm qua, cùng với nỗ lực chung của quốc gia trong thực hiện nhiệm vụ gỡ “thẻ vàng” của Uỷ ban Châu Âu (EC) cảnh báo đối với thuỷ sản Việt Nam, tỉnh Cà Mau đã quyết liệt, đồng bộ các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Nâng tầm kinh tế lâm nghiệp từ nguồn giống chất lượng

(CMO) "Năng suất, chất lượng rừng trồng phụ thuộc rất lớn vào chất lượng cây giống. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng nguồn giống có chất lượng phục vụ trồng rừng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất giống... trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế", ông Trần Văn Thức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nêu thực trạng.

Khắc phục tồn đọng tại các cảng cá, bến cá

(CMO) Thời gian gần đây, tại các cửa biển, khu vực trước cảng cá đang cạn dần và nhu cầu nạo vét trở nên cấp thiết. Thế nhưng, các đơn vị này đang gặp khó về nguồn tích luỹ để thực hiện duy tu, sửa chữa và mời gọi đầu tư.