Đám cưới lớn thiệt, nhưng tui thấy như thiếu cái tình làng nghĩa xóm như hồi xưa. Chỉ có cái rượu chè, hỗn độn, bát nháo là dư thôi…
Bà Bảy cẩn thận gấp phong bì tiền bỏ vào túi áo chồng, dặn dò:
- Coi chừng rớt mất nghen ông… Kìa, kéo cái quần lại cho ngay ngắn!
Ông Bảy cúi xuống vuốt vuốt nếp quần, ngượng nghịu:
- Tui hổng quen mặc quần tây, nó nực nội mà nhột nhạt quá chừng!
- Ông đi ăn đám cưới mà đóng bộ áo bà ba, quần xà lỏn thì ai cho vô cửa?
Tay chống gậy, tay xách đôi guốc vông cổ điển, ông Bảy còn càu nhàu:
- Tui đi chân đất cho mát, gần tới cửa mang vô cũng đủ lịch sự rồi. Phải chi bà đi thay tui cho tiện, tui hơi lảng tai khó nói chuyện với khách. Với lại bây giờ đám cưới ở vùng mình coi bộ xô bồ, ít còn lễ nghi kính trên nhường dưới nên tui hơi ngán!
Bà Bảy bật cười, miệng móm xọm:
- Ði ăn cưới chớ bộ… lên võ đài sao ông ngán? Ðám cưới con trai lớn của thằng Ba Cò chòm xóm thân thiết, ông hổng tới nó giận. Thôi, đi cho kịp giờ ông ơi!
Thiệp mời ông Bảy dự đám cưới ghi rõ 11 giờ 30, vậy mà uống nước trà tức bụng, ngó đồng hồ gần 1 giờ mới được mời vào bàn. Ông Bảy bực bội lầu bầu: “Khách lơ mơ quá, mời hổng chịu đi đúng giờ cho chủ nhà dễ sắp xếp!”. Trúng bàn tiệc toàn thanh niên khí thế mạnh mẽ, chỉ mình ông Bảy là già khọm, lù đù. Ðã vậy ông còn ngồi kế một anh tóc dài chấm ót, mặt nhừ nhừ, được cả bàn tín nhiệm bầu làm… chủ xị. Ông Bảy phòng xa, run giọng đưa ý kiến:
- Mấy cháu sung sức, cứ thù tạc nhau thoải mái. Thông cảm cho bác xin một ly riêng…
Ðám khách trẻ liếc nhau hội ý rồi cùng gật đầu chấp thuận. Ông Bảy thở phào nhẹ nhõm, thầm nghĩ: “Tụi này thuộc loại lưu linh chuyên nghiệp, uống rượu kiểu cào đôi, cào ba ly. Mình mà vô “hội ve chai” này, chưa tàn tiệc đã về nhà bằng… võng!”. Tiếng nhạc nước ngoài ì ầm áp đảo từ hai cái loa hoành tráng mở hết công suất khiến khách không nói chuyện bình thường được, cần thiết lắm phải gào to mới nghe. Món đồ nguội dọn lên, ông Bảy còn dè dặt lai rai miếng chả, miếng bánh phồng tôm. Ðến món gà nấu đậu, vịt nấu khóm, ông Bảy không dám gắp vì sợ… trật đũa nhựa. Anh chủ xị mặt đỏ rần, ưu ái gắp khúc cổ vịt và cái giò gà khô khốc để vào chén ông Bảy, miệng cười khà khà:
- Kính lão đắc thọ… Mời bác dùng tự nhiên! Xin lỗi, cháu còn bận điều hành vòng rượu kiểu ly đuổi, ly chạy nên chưa kịp cụng ly với bác…
Ông Bảy vội gật gật đáp lễ:
- Dà… thôi khỏi “cụng”… cảm ơn cháu đã tận tình chiếu cố “qua”!
Mấp mấp miếng da cổ vịt dai nhách rồi liếm láp sơ sơ cái giò gà cứng còng giữa hai hàm răng xệu xạo, giả bộ chép chép như rất ngon miệng xong ông Bảy len lén… bỏ xuống đất phi tang. Cảm thấy xót ruột, ông vừa bưng chén bún chan nước thịt lên thì cô dâu, chú rể đột ngột xuất hiện đứng cạnh, đành phải đặt chén xuống. Khách trong bàn đã quá say, thi nhau phát biểu rần rần. Anh chủ xị vỗ bàn cái rầm, vuốt nước mũi nhễu nhão rồi quờ quạng đứng lên, giọng nhừa nhựa:
- Kính thưa… ở đây tui… lớn hơn hết, nên xin đại diện bàn tròn chúc… chúc cô dâu chú rể bách… bách niên giai lão… hạnh phúc thiên thu. Mời quý vị… tự giác làm bổn phận sự… thủ tục đầu tiên!
Ông Bảy luống cuống chấp hành, móc cái phong bì đặt vào dĩa, hoàn thành bổn phận sự. Tới màn chụp hình mới thấy khổ thân già. Ðám khách say xỉn hết dời lại chuyển ông Bảy để tranh nhau chỗ tốt, rốt cuộc ông đành yên vị… sau lưng anh thợ chụp hình. Ông Bảy đâm giận lây sang vợ chồng chủ nhà: “Ba Cò là người lớn, tổ chức cưới vợ cho con mà chẳng thèm bước ra chào khách một tiếng, thằng thiệt tệ!”. Theo đề nghị của chủ xị, bình rượu đế 5 lít được mang ra. Thừa lúc “hội ve chai” vỗ tay nhốn nháo, ông Bảy lòn cửa sau rút êm!
Bà Bảy đang ngồi trước hiên nhai trầu bỏm bẻm, thấy chồng tay gậy, tay guốc rề rề bước vô, bà cười hỏi:
- Ðám cưới nghe nói đãi đằng lớn mà vui lắm, sao ông về sớm vậy?
Ông Bảy thở ra, trả lời xuôi xị:
- Ờ… đám cưới lớn thiệt, nhưng tui thấy như thiếu cái tình làng nghĩa xóm như hồi xưa. Chỉ có cái rượu chè, hỗn độn, bát nháo là dư thôi… bà ơi!
Nguyễn Kim