(CMO) Dù thành lập chỉ thời gian ngắn, nhưng các tổ công nghệ số cộng đồng thị trấn Thới Bình đã phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia và hưởng ứng chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số của tỉnh.
Ông Trần Minh Nhân, Phó chủ tịch huyện Thới Bình, thông tin: “Huyện Thới Bình chọn thị trấn Thới Bình thí điểm chuyển đổi số. Bước đầu đã thành lập 7 tổ công nghệ số cộng đồng tại 7 khóm với 48 thành viên. Tổ trưởng, tổ phó là bí thư chi bộ và trưởng các khóm; thành viên xung kích là đoàn viên, thanh niên các chi hội, những người có thể tiếp cận tốt các nền tảng số hiện đại”.
Sau hơn 2 tháng ra mắt, cùng với việc tổ chức nhiều hoạt động để giới thiệu, hướng dẫn người dân tiếp cận các phần mềm, cách thức thanh toán tiện ích đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng, song hành đó cũng cho ra mắt mô hình chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Nguyễn Phi Hùng, Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng Khóm 3, chia sẻ: “Mỗi tháng tổ công nghệ số sẽ phối hợp với Viettel Thới Bình tiến hành ra quân (2 đợt) tiếp cận khoảng 100 hộ dân để tuyên truyền các nền tảng về công nghệ số. Phần lớn là giúp người dân cài đặt các ứng dụng cơ bản, phần mềm mua sắm thanh toán tiện ích, dịch vụ công Cà Mau như: Viettelpay, dịch vụ y tế, bảo hiểm xã hội; hoặc đơn giản hơn là thanh toán tiền điện, Internet, tiền nước hàng tháng… Trước đó, để có thể tuyên truyền hiệu quả, các thành viên của tổ đều được tập huấn và trang bị các kiến thức, kỹ năng, thực hành tại chỗ để đánh giá, điều chỉnh phù hợp”.
Bà Nguyễn Thị Ý, tiểu thương Khóm 8, thị trấn Thới Bình, cho biết: “Nhà tôi kinh doanh trái cây, lấy hàng từ nhiều tỉnh, thành khác nhau. Lúc trước nếu muốn thanh toán thì trả trực tiếp cho bạn hàng hoặc gửi tiền qua bưu điện; giờ thì toàn chuyển khoản vừa nhanh lại tiện lợi, an toàn, nhất là khi giao dịch số tiền lớn”.
Bà Nguyễn Thị Ý hào hứng khi biết thêm các dịch vụ, ứng dụng chuyển khoản, thanh toán không dùng tiền mặt để áp dụng trong các giao dịch kinh doanh hàng ngày. |
Anh Hà Hải Triều, Khóm 3, phấn khởi: “Việc chuyển khoản rất tiện ích, bản thân tôi khi đi công chuyện, giao dịch cũng hạn chế được việc mang theo tiền mặt. Gần đây nhất, thông qua tổ công nghệ số cộng đồng, tôi cài đặt và tiếp cận thêm các ứng dụng trên app CaMau G để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, vừa nhanh lại đỡ tốn thời gian chờ đợi, đi lại".
Phần lớn người dân khi tiếp cận các dịch vụ, phần mềm, nền tảng chuyển đổi số đều cảm thấy hài lòng vì vừa hiện đại, lại phù hợp với quy luật, xu hướng phát triển của xã hội. Mặt bằng chung là thế, nhưng với một loại hình dịch vụ khá mới, khi bước đầu triển khai, đi đến thành lập các tổ công nghệ số vẫn gặp phải một số khó khăn nhất định, nhất là đối với người lớn tuổi không quen sử dụng điện thoại di động và công nghệ trên thiết bị. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng điện thoại của người dân dung lượng bộ nhớ ít, cấu hình yếu trở ngại cho việc cài đặt. Cũng có nhóm nhỏ người dân chưa có nhu cầu sử dụng các ứng dụng.
Ông Minh Nhân chia sẻ thêm: “Từ khi triển khai các hoạt động công nghệ số, các tổ luôn tích cực và năng nổ trong việc đưa các phần mềm tiện ích và cơ bản đến đại bộ phận người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, đối với các tổ công nghệ số cộng đồng, để góp phần chuyển đổi hiệu quả hơn nữa, định kỳ thông qua những cuộc họp chi bộ, các khóm sẽ được tập huấn các nội dung mới về chuyển đổi số quốc gia và của tỉnh; đồng thời cũng thành lập nhiều nhóm Zalo từng khóm, để tiện trao đổi thông tin khi cần thiết. Song song đó, chủ động học hỏi kinh nghiệm, theo dõi những nơi, địa phương làm tốt về vấn đề chuyển đổi số để áp dụng vào thực tiễn. Riêng các thành viên ở mỗi tổ sẽ đảm nhận từ 2-3 ứng dụng để được tập huấn chuyên sâu và thành thạo khi triển khai đến người dân"./.
Ngô Nhi