(CMO) Với vị trí địa lý khá đặc biệt, lại có địa hình thấp, U Minh là một trong những huyện hàng năm phải chịu tác động của hầu hết các hiện tượng thiên tai. Câu chuyện hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường cho đến mưa lớn, ngập úng, sạt lở đất, đặc biệt là áp thấp nhiệt đới, bão, gió mạnh trên biển... không còn xa lạ với người dân U Minh.
Không chỉ là huyện có diện tích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp lớn với khoảng 70.616 ha (nông nghiệp 35.675 ha, lâm nghiệp 34.941 ha), huyện U Minh còn có bờ biển dài 31 km với 2 cửa biển chính là Khánh Hội và Hương Mai. Ngoài ra, còn có nhiều kênh lớn thông ra biển như kênh Biện Nhị, Tiểu Dừa, Rạch Vinh, Lung Ranh, Kênh 29, Kênh 25… Từ đó, khai thác thuỷ sản cũng là một thế mạnh, là lĩnh vực kinh tế quan trọng của huyện.
Trên biển thường xuyên có hàng ngàn tàu thuyền khai thác thuỷ sản, vận tải, với hàng ngàn ngư dân và các lực lượng làm công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự.
Phương tiện nhỏ, thiếu an toàn
Theo thống kê, đến nay tổng số tàu khai thác thuỷ sản trên địa bàn huyện 871 chiếc. Trong đó, tàu dưới 12 m 356 chiếc, từ 12 m đến dưới 15 m 300 chiếc, từ 15 m đến dưới 24 m 213 chiếc, trên 24 m 2 chiếc; tổng số khoảng 3.750 thuyền viên. Ngoài ra, huyện còn có 1.212 phương tiện thuỷ gia dụng (composite) tham gia khai thác thuỷ sản. Hoạt động khai thác thuỷ sản chủ yếu tập trung vào nghề câu mực, lưới rê, ốc mực, lưới chụp, dịch vụ hậu cần... Lĩnh vực khai thác thuỷ sản thời gian qua góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế huyện U Minh.
Tuy nhiên, qua con số thống kê trên có thể thấy, đa phần tàu khai thác trên địa bàn huyện U Minh chủ yếu là phương tiện nhỏ, đặc biệt có đến 1.212 phương tiện thuỷ gia dụng tham gia khai thác thuỷ sản. Ðây là những đối tượng dễ bị tổn thương từ những hiện tượng thời tiết cực đoan mà phổ biến và thường xuyên nhất là bão và áp thấp nhiệt đới.
Vàm Kênh 25 có nhiều phương tiện khai thác nhỏ hoạt động. |
Với đặc điểm địa lý chịu tác động trực tiếp của nhật triều biển Vịnh Thái Lan, trong mùa mưa trên địa bàn huyện thường xảy ra dông, lốc xoáy, áp thấp nhiệt đới, bão..., nhất là vùng ven biển Tây, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất và khai thác thuỷ sản trên biển.
Theo thống kê trong năm 2020 vừa qua, bà con ngư dân trên địa bàn huyện đã chịu tác động tổng cộng 26 đợt gió mạnh trên biển với sức gió từ cấp 5-7, giật cấp 8-9. Những đợt bão và áp thấp nhiệt đới kèm theo mưa lớn trên diện rộng, lốc xoáy đã làm sập 23 căn nhà và tốc mái 53 căn nhà; hơn 1.150 ha lúa, 115 ha cây ăn trái, 224 ha cây công nghiệp, 284 ha nuôi trồng thuỷ sản… bị thiệt hại.
Dông, lốc xoáy, áp thấp nhiệt đới, bão đã gây thiệt hại về tính mạng, tài sản, nhà cửa, công trình; nguy cơ vỡ đê, sạt lở đất; gây nguy hiểm cho người và tàu thuyền, nhất là đối với phương tiện thuỷ gia dụng tham gia khai thác thuỷ sản.
Lời cảnh báo mạnh mẽ
Câu chuyện tang thương vừa xảy ra trong gia đình ông Lê Văn Lâm, Ấp 10, xã Khánh Tiến, là một lời cảnh báo rất đau lòng. Gia đình ông Lê Văn Lâm và vợ là Huỳnh Hồng Cẩm nhiều năm qua sống chủ yếu dựa vào nghề lưới rê gần bờ. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn, phương tiện khai thác nhỏ, thiếu an toàn nên chỉ một cơn sóng to vào trưa 18/7, đã nhấn chìm phương tiện đánh bắt của vợ chồng ông. Ðến 14 giờ cùng ngày, các lực lượng chức năng cùng chính quyền địa phương và người dân tìm kiếm được 2 người nhưng đã tử vong.
Câu chuyện tang thương này là một lời cảnh báo mức độ nguy hiểm, khó lường của thời tiết, nhất là đối với các phương tiện nhỏ hoạt động ở vùng ven bờ. Ðây còn là lời cảnh báo cho sự chủ quan, bất cẩn của ngư dân trong quá trình khai thác trên biển.
Áp thấp nhiệt đới, bão là 2 loại hình thiên tai phổ biến xảy ra trong suốt mùa mưa bão hàng năm. Hiện nay, với tác động của biến đổi khí hậu thì sự xuất hiện của áp thấp nhiệt đới, bão đã trở nên phức tạp và khó lường hơn trước. Theo dự báo của Ðài Khí tượng thuỷ văn Cà Mau, mùa mưa bão năm 2021, trên biển Ðông có khả năng xuất hiện khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Theo nhận định, cấp độ rủi ro của áp thấp nhiệt đới, bão trên địa bàn tỉnh năm nay là cấp 3 trong 5 cấp rủi ro thiên tai theo quy định.
Nhiều phương tiện nhỏ tham gia khai thác thuỷ sản ven bờ rất nguy hiểm trong mùa mưa bão. |
Phó chủ tịch UBND huyện U Minh Lê Hồng Thịnh cho biết: "Tinh thần chỉ đạo của huyện trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là “lấy phòng ngừa là chính, tích cực, chủ động, ứng cứu nhanh, có hiệu quả”. Ðồng thời, vận dụng linh hoạt phương châm 4 tại chỗ, huy động tổng lực người, phương tiện, cơ sở vật chất, ứng cứu kịp thời, cứu người trước cứu tài sản sau, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản của Nhân dân, Nhà nước, đơn vị. Ðảm bảo tuyệt đối an toàn cho lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn tàu thuyền, ngư dân trên biển".
Ðể chủ động phòng ngừa nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai, thời gian qua, các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến các thông tin liên quan công tác phòng, chống thiên tai đến tận các khóm, ấp và từng người dân, đặc biệt là người dân ở 2 xã ven biển. Kiện toàn bộ máy ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành để thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Tiến hành rà soát, thống kê số hộ dân cần phải di dời, sơ tán; xác định các điểm an toàn để di dời dân tập trung và phân tán; rà soát, thống kê số lượng tàu thuyền, các khu vực neo đậu tránh trú bão…
Hiện nay, khu neo đậu tránh trú bão Khánh Hội có sức chứa từ 500-700 tàu cá có công suất 90 CV trở lên. Ngoài ra, còn nhiều tuyến sông, luồng lạch lớn, nhỏ thông ra biển và sâu vào trong nội thuỷ có thể bố trí cho tàu cá neo đậu khi có bão như: sông Biện Nhị, sông Cái Tàu, kênh Hương Mai…
Nguyễn Phú