(CMO) Nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau đang chịu ảnh hưởng nặng nề của sạt lở. Thực trạng sạt lở bờ biển, bờ sông buộc phải có lời giải cho bài toán tái định cư nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Hiện có hàng ngàn hộ dân sống trong vùng sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần di dời khẩn cấp. Tuy nhiên, giải bài toán này không phải dễ đối với ngành chức năng địa phương.
Thấp thỏm sống trên miệng hà bá
Xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời được xem là “rốn lở”, vì đoạn đê biển từ cửa Đá Bạc đến cửa Kinh Mới luôn đứng trước tình trạng báo động mỗi mùa mưa bão đến.
Đoạn đê này dài khoảng 5 km, vừa được gia cố, đầu tư xây dựng tuyến đường hành lang ven biển. Những hộ dân sống nơi đây mới mừng vì có con đường thuận lợi đi lại, thì vừa qua đã bị một phen hú hồn khi đê phòng hộ suýt vỡ do cơn triều cường khủng khiếp vào đầu tháng 8.
Đoạn đê Đá Bạc - Kinh Mới, nơi nào nhiều thì còn vài chục mét đai rừng phòng hộ. Có 3 vị trí không còn một cây rừng nào bên ngoài để bảo vệ đê. Chính vì vậy, vừa qua sóng lớn tàn phá thân đê đến mức UBND tỉnh phải ban bố tình trạng sạt lở khẩn cấp để khắc phục.
Anh Tạ Văn Trình (ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây) trước đây giữ rừng và nuôi tôm dưới tán rừng bên ngoài đê, nhưng khoảng 10 năm nay, sóng biển đánh lở hết vuông tôm nên anh phải chuyển sang nghề đánh bắt. Nhà anh Trình nằm trong và ngay dưới chân đê. Mặt đê phòng hộ cao ngang nóc nhà, vậy mà, như anh nói: “Vừa qua, nước biển dâng cao, tràn qua đê, bà con một phen hú hồn”.
Đó là cơn triều cường kỷ lục mà anh Trình và bà con nơi đây mới thấy lần đầu. Cũng may sóng to, gió lớn kèm theo mực nước dâng cao chỉ khoảng nửa tiếng đồng hồ đã rút nên không làm vỡ đê và tài sản gia đình anh không bị thiệt hại nhiều. Nhưng thực trạng đó làm anh băn khoăn về sự an toàn của gia đình mình khi sống dưới chân đê.
“Hồi trước, bên ngoài đê còn từ 400-500 m rừng mới tới biển. Sóng biển đánh mất hết rừng, mất luôn vuông tôm của gia đình nên tôi bám trụ lại đánh bắt ven bờ kiếm sống. Bây giờ thì sợ rồi, rất cần có chính sách di dời, hỗ trợ để làm sao ổn định, yên tâm làm ăn. Không thể cược mạng sống của cả gia đình cho sóng gió được”, anh Trình nói.
Sạt lở làm ảnh hưởng khu, cụm dân cư thật sự là bài toán khó giải. |
Bài toán khó giải
Nỗi lòng của anh Trình cũng là nỗi lòng của nhiều hộ dân sống dưới chân đê phòng hộ biển Tây và cũng là tâm tư của gần 350 hộ dân sống ngoài đê tại cửa biển Đá Bạc. Cơn triều cường chớp nhoáng nói trên đã biến khu dân cư ven cửa biển này thành xơ xác.
Những ngôi nhà bị sập, những chiếc xe máy, tủ lạnh, ti vi... vương vãi sau “cơn giận dữ của tự nhiên” trở thành nỗi ám ảnh với bà con. “Sóng biển ùa tới, trong tích tắc đã xô đổ tủ thờ má tôi. Mọi đồ đạc đều nằm dưới nước mặn. Mãi đến hôm sau, dọn dẹp nhà tôi mới tìm thấy lư hương để thắp nén nhang cho má. Bà con ai cũng sợ nhưng không có chỗ để đi nên phải ở đây”, bà Huỳnh Thị Bé Hai, người mất ngủ mấy ngày sau đợt triều cường kỷ lục, bùi ngùi chia sẻ.
Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Lê Phong cho biết, tuyến đê biển Tây đi qua địa bàn huyện dài 34 km, thời gian qua đã bị sạt lở toàn tuyến. Nhiều đoạn nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Huyện đang tiếp tục phối hợp với ngành chức năng của tỉnh khắc phục. Thực trạng sạt lở đặt ra việc cần di dời các hộ dân sống ngoài đê vào bên trong để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, nhưng đây là bài toán khó giải.
“Trên địa bàn còn khoảng 1.500 hộ dân sống ngoài đê thuộc các xã Phong Điền, Khánh Hải, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc và thị trấn Sông Đốc cần được tái định cư. Có 751 hộ đang sống ở khu vực sạt lở đặc biệt nghiêm trọng cần di dời khẩn cấp. Huyện rất cần xây dựng các khu tái định cư nhưng ngoài khả năng. Được biết, UBND tỉnh đã trình xin Trung ương hỗ trợ, chúng tôi đang chờ để đưa dân vào bên trong cho an toàn”, ông Lê Phong cho hay.
Theo Chi cục Thuỷ lợi Cà Mau, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bố trí dân cư trên địa bàn giai đoạn 2006-2015. Giai đoạn này, toàn tỉnh sẽ xây dựng 35 cụm, tuyến dân cư mới trên địa bàn 8 huyện, với tổng diện tích quy hoạch hơn 945 ha để bố trí hơn 13.800 hộ dân. Tuy nhiên, do khó khăn về quỹ đất và nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương hạn chế nên đến nay toàn tỉnh chỉ mới bố trí được hơn 1.500 hộ ở các vùng nguy cơ thiên tai cao. Do đó, UBND tỉnh cũng đã điều chỉnh Đồ án quy hoạch di dân tái định cư giai đoạn 2016-2020 và lộ trình tới năm 2025. Tỉnh Cà Mau đang rất cần khoảng 1.400 tỷ đồng để di dời thêm gần 4.800 hộ ở những nơi có nguy cơ thiên tai cao./.
Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường vào ngày 25/9 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải kiến nghị, tỉnh đang rất cần Trung ương hỗ trợ hơn 947 tỷ đồng để khắc phục các điểm sạt lở khẩn cấp bờ biển Đông và bờ sông. Ngoài ra, địa phương đang rất cần di dời người dân trong vùng sạt lở vào nơi an toàn. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí quá lớn, vượt ngoài khả năng của tỉnh nên đề nghị Trung ương xem xét hỗ trợ. Liên quan việc này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, thực tế cho thấy, nguy cơ sạt lở của tỉnh Cà Mau luôn tiềm ẩn, có thể gây thiệt hại đến tài sản, kể cả tính mạng người dân. Chính vì vậy, địa phương phải chủ động di dời, tái định cư cho người dân. |
Khánh Hưng