(CMO) Cùng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 như các mặt hàng nông, thuỷ sản khác, hiện giá các loại cây gỗ tràm, đước và keo lai đang giảm mạnh, lại bế đầu ra; cuộc sống người dân sống dưới tán rừng gặp nhiều khó khăn.
Cây gỗ là một trong những ngành hàng chủ lực, nằm trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, là một trong những thế mạnh kinh tế của nhiều địa phương. Phó giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Thức cho biết, thời gian qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh lâm sản. Các doanh nghiệp (DN) kinh doanh ngành hàng gỗ đã tạm ngưng hoạt động, một số ít DN hoạt động cầm chừng, dẫn đến việc tiêu thụ lâm sản gặp nhiều khó khăn, giá giảm mạnh.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay hầu hết các đơn vị đã chuẩn bị hoàn tất các điều kiện như: phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt, kế hoạch, hồ sơ khai thác, kế hoạch đấu giá lâm sản... Tuy nhiên, do việc tránh tập trung đông người vào thời điểm dịch Covid-19, nên nhiều đơn vị chủ rừng vẫn chưa tổ chức họp với các hộ nhận khoán để thảo luận thống nhất kế hoạch, phương thức khai thác và tiêu thụ lâm sản. Ða số các chủ rừng chưa tổ chức đấu giá bán các lô rừng (bán cây đứng). Bên cạnh đó, DN không tham gia đấu giá mua sản phẩm, do không có đầu ra.
Ông Thức cho biết thêm, ở khu vực rừng đước, hiện chỉ có 1 đơn vị là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển tiến hành khai thác rừng, còn lại vẫn chưa tổ chức khai thác. Nguyên nhân do giá bán lâm sản giảm mạnh, lâm sản khai thác khó tiêu thụ, các cơ sở, DN chế biến than đước phần lớn ngưng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng nên các DN trung gian thu mua nguyên liệu không tham gia đấu giá mua sản phẩm lâm sản tại rừng.
Bên cạnh cây đước bế đầu ra, gỗ cây keo lai cũng gặp khó. Mặc dù được các DN thu gom, tiêu thụ tại Nhà máy Chế biến gỗ MDF Kiên Giang (tỉnh Kiên Giang) và các nhà máy khu vực TP Hồ Chí Minh, tuy nhiên, giá bán lâm sản giảm bình quân từ 5-10%, thậm chí có lúc lên tới 30% so với cùng kỳ năm trước.
Giá cây gỗ keo lai giảm bình quân từ 5-10% so với cùng kỳ năm trước lại không có đầu ra. Ảnh: HOÀNG VŨ |
Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ Trần Văn Hiếu cho biết, các công trình xây dựng nhỏ lẻ, công trình dân dụng… do giá vật tư xây dựng tăng cao nên tiến độ thực hiện chỉ cầm chừng hoặc tạm ngưng thực hiện, giảm sức tiêu thụ đối với các mặt hàng lâm sản (sản phẩm từ cây tràm). Bên cạnh đó, sản phẩm hàng hoá lâm nghiệp chất lượng chưa cao, tiêu thụ không ổn định, chủ yếu là nguyên liệu thô: gỗ nguyên liệu làm giấy, ván MDF, làm than, củi...; chưa đa dạng hoá các sản phẩm có chất lượng cao, chưa gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Ông Hiếu cũng cho biết, việc chuyển đổi mô hình trồng rừng tràm từ quảng canh sang thâm canh nhằm tăng năng suất, sản lượng. Nguồn cung lớn, nhưng nhu cầu thị trường giảm. Hiện nay, dù sản lượng tiêu thụ giảm từ 30-50% so với các năm trước đây, nhưng vẫn khó tiêu thụ. Hiện tại, giá bán gỗ tràm Úc vào khoảng 100-110 triệu đồng/ha (sản lượng bình quân 180 m3), tràm cừ khoảng 60-70 triệu đồng/ha (sản lượng từ 120-140 m3), keo lai giá bán bình quân khoảng 150 triệu đồng/ha (khoảng 200 m3).
Không chỉ có gỗ đước, gỗ keo lai và gỗ tràm cũng giảm giá mạnh. Ảnh: HOÀNG VŨ |
Ðể giải quyết bài toán đầu ra cho lâm sản, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Thức chỉ đạo các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng, đơn vị chủ rừng tìm kiếm thị trường để người dân chủ động hơn trong việc khai thác, tiêu thụ lâm sản. Tuyên truyền, khuyến khích các đơn vị chủ rừng, các hộ nhận khoán trên khu vực rừng U Minh Hạ chuyển đổi mô hình trồng rừng từ quảng canh truyền thống sang trồng rừng thâm canh gỗ lớn nhằm tăng năng suất, sản lượng và chất lượng rừng trồng.
Về lâu dài, các đơn vị chủ rừng cần cân đối lại diện tích trồng rừng giữa cây tràm và cây keo lai nhằm cung cấp cho thị trường đồng đều, ổn định để nâng cao giá trị cả cây keo lai lẫn cây tràm. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ sớm có kế hoạch khôi phục lại nhà máy chế biến gỗ tại đơn vị, để tự tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ lâm sản. Kêu gọi các DN đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ; đầu tư công nghệ chế biến sâu các sản phẩm lâm sản khai thác từ cây keo lai, đước và tràm./.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến nay, các đơn vị chủ rừng chỉ mới khai thác 1.231,3 ha rừng, sản lượng 106.519 m3 gỗ (trong đó gỗ 87.011 m3, củi 27.868 m3) Tổng thu nhập kinh tế nguồn lâm sản và các mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp đạt hơn 490 tỷ đồng (trong đó lâm sản đạt hơn 73 tỷ đồng), giảm 50% so với cùng kỳ. |
Trung Ðỉnh